Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Ngôi nhà quyền lực nhất vùng cao nguyên trắng

Sau gần 100 năm tồn tại với thời gian, dinh thự vua Mèo hay dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà, Lào Cai) vẫn giữ được sự bề thế, uy nghi của một gia tộc quyền lực nhất miền cao nguyên trắng.



Dinh thự Hoàng A Tưởng hay dinh thự vua Mèo nằm ở trung tâm huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là một tòa nhà bề thế được xây dựng vào năm 1914 và hoàn thành vào 1921. Người có công xây dựng là Thổ ty Hoàng Yến Chao, người dân tộc Tày và là cha đẻ của Hoàng A Tưởng.


Dinh thự này được xây dựng theo phong cách Á -Âu kết hợp, do hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công. Công trình có sự đen xen hài hòa, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín và có tổng thể 36 phòng. Để vào được khuôn viên bên trong dinh thự thì du khách phải bước lên cầu thang từ hai bên lại rồi đến phòng chờ. Sau đó sẽ thấy một khoảng sân rộng thường để hành lễ, tổ chức múa hát hoặc vui chơi.


Khu nhà chính hai tầng có diện tích 420 m2, với khung cửa vòm đặc trưng phong cách kiến trúc châu Âu. Đây là khu nhà để gia đình Hoàng A Tưởng sinh hoạt và dùng làm nơi hội họp.



Hai bên tả hữu của ngôi nhà là hai dãy nhà ngang có bố cục, kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng và thấp hơn nhà chính, mỗi tầng có 3 gian, sử dụng làm phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của 3 bà vợ của Hoàng Yến Chao, 2 vợ của Hoàng A Tưởng, và cho 2 vị cố vấn người Pháp và Trung Quốc.



Hiện nay, công trình đã được sử dụng như một điểm tham quan du lịch dưới sự quản lý của cán bộ trung tâm thông tin du lịch Lào Cai. Một bên dãy phòng được dùng làm nơi bày bán các sản phẩm thủ công như khăn, áo, váy thổ cẩm hay tẩu thuốc, vòng bạc...


Nằm ở dãy phòng bên trái tầng một từ phía cổng vào nhà là khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Bắc Hà nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung. Đó là những bức ảnh nghệ thuật về đời sống dân tộc vùng cao, các mô hình trang phục truyền thống của nhiều dân tộc như Dao, Mèo...


Ngôi nhà có được địa thế đặc biệt do một thầy địa lý người Trung Quốc mà Hoàng Yến Chao mời về xem, nằm trên một quả đồi rộng có hướng Đông Nam, phía sau và hai bên phải,trái có núi bao bọc, phía trước có suối và núi "mẹ bồng con".



Khi trung tâm thông tin du lịch Lào Cai được đặt tại chính bên trong dinh thự vua Mèo, cán bộ trung tâm đã xây dựng một mô hình nấu rượu ngô truyền thống của người dân Bắc Hà. Bếp nấu rượu nằm ngay sau ngôi nhà là nơi giới thiệu về cách thức nấu rượu cũng như cho du khách thưởng thức rượu ngô Bắc Hà tại chỗ.


Trải qua gần 100 năm tồn tại với biết bao biến cố thăng trầm của gia tộc nhà Hoàng A Tưởng, dinh thự vẫn giữ gìn được nét uy nghi, đứng vững giữa dòng thời gian và luôn là biểu tượng quyền uy một thời nơi miền cao nguyên trắng.

Hương Chi
Tags: Cỏ Nhân Tạo, Lưới Chắn Bóng, Trần Văn Sports

Read More...

5 Địa điểm có phí du lịch giá rẻ - Khoàng 600.000đồng/ngày

Không phải tất cả những chuyến du lịch đều tốn kém, bởi trên thế giới có rất nhiều điểm đến giá mềm. Thậm chí bạn chỉ phải bỏ ra không đến 600.000 đồng/ngày cho mỗi chuyến đ

1. Thái Lan

Là một địa điểm du lịch rất phổ biến, Thái Lan hoàn toàn không đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Có một vài hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước này mà bạn có thể dễ dàng sống được chỉ với mức giá dưới 30 USD (900 Baht ~ 600.000 đồng) mỗi ngày.


Bạn chỉ cần chi tiêu khoảng 6 -10 USD (120.000 - 210.000 đồng) mỗi đêm cho nơi ở, 5 USD/ngày (100.000 đồng) cho việc ăn, 2 USD (40.000 đồng) cho việc uống, còn lại là 10 USD (210.000 đồng) cho các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí… là đã hoàn toàn có thể trải nghiệm cuộc sống thoải mái tại xứ sở Chùa Vàng. Không cần phải thử qua những món ăn thức uống đắt tiền và sử dụng những phương tiện giao thông địa phương (taxi, tuk tuk…) và bạn sẽ tìm thấy một Thái Lan khá thân thiện.

2. Bali

Chi phí du lịch ở Bali thậm chí còn có thể rẻ hơn cả Thái Lan bởi nơi đây được xem là điểm đến tuyệt vời cho những người muốn tìm kiếm những chuyến đi với chi phí rẻ. Ở phía Nam, đặc biệt là xung quanh bãi biển Kuta, có khá nhiều khách sạn có giá 1.000 USD/phòng/đêm (21 triệu đồng) nhưng thật bất ngờ là ngay bên cạnh đó có những căn phòng với giá chỉ 10 USD/đêm (210.000 đồng).


Mặc dù những chuyến bay đến Bali khá là đắt tiền, nhưng dịch vụ tại những hòn đảo nơi đây lại có giá rẻ bất ngờ. Hầu hết các món ăn địa phương có giá từ 2 USD (40.000 đồng) trong khi các món ăn “Tây” là khoảng 4 USD ( 80.000 đồng). Riêng các hoạt động giải trí như lặn biển thì giá cũng không quá 10 USD. Hơn nữa, nếu bạn biết cách đi sâu vào khu vực nội địa, chi phí có khi là rẻ hơn nữa.

3. Hy Lạp

Đất nước Hy Lạp chính là điểm du lịch giá rẻ ở châu Âu. Chỉ với 3 USD (60.000 đồng), bạn hoàn toàn có thể thưởng thức một bữa ăn tối với thịt cừu (vốn dĩ có giá 10 USD) cùng một món đồ uống với giá 3 USD. Về phòng ở, nơi đây có khá nhiều phòng với giá khoảng 15 USD/đêm (300.000 đồng) trong khi các thành phố như Paris hoặc Amsterdam, một phòng ký túc xá ít nhất cũng phải 30 USD. Nếu bạn muốn trải nghiệm một chuyến du lịch châu Âu với chi phí vừa phải, hãy chọn Hy Lạp!


4. Các quốc gia Trung Mỹ

Các quốc gia Trung Mỹ là nơi bạn hoàn toàn có thể du lịch chỉ với 30 USD/ngày. Một số nước khác như Belize, Costa Rica, và Panama thì giá có hơi đắt hơn một chút (vào khoảng 35 - 40 USD mỗi ngày) nhưng đến với phần lớn các quốc gia khác như El Salvador, Honduras, Nicaragua, và Guatemala, thì giá phòng chỉ khoảng 10 USD/đêm (210.000 đồng) và khoảng 3 USD (60.000 đồng) cho một bữa ăn…


5. Budapest

Budapest là một thành phố lịch sử xinh đẹp, với chi phí du lịch khá rẻ. Các ký túc xá tại Budapest có giá khoảng 6 Euro (8 USD ~ 160.000 đồng) mỗi đêm. Một bữa ăn với bánh sandwich hay Kebab là khoảng 2 USD (40.000 đồng). Các phương tiện giao thông ở đây cũng khá thân thiện: chỉ với vài đô la bạn đã có thể đi xe lửa hoặc xe buýt. Budapest, thậm chí được xem là một thay thế tuyệt vời cho các thành phố nổi tiếng như Prague hoặc Vienna.

Read More...

Tour du lịch kiểu hành hương

Sau tết cho đến tháng 3 âm lịch là mùa cúng lễ ở các đình, chùa, miếu mạo khắp nơi trong cả nước. Với du lịch, đây là mùa của du lịch tâm linh, hành hương kết hợp tham quan các danh thắng và những lễ hội văn hóa, tôn giáo...


Dòng người chen chúc hành hương đến lễ hội Yên Tử - Ảnh: T.TÙNG

Có lẽ từ tâm lý chùa nhà, bụt nhà không thiêng nên khách du lịch tâm linh thường chọn chùa, miếu ở xa địa phương để hành hương, lễ bái. Hơn nữa đi chùa xa cũng là cách kết hợp với tham quan, du lịch đến những địa phương mà mình chưa biết.

Theo các công ty lữ hành, khách mua tour du lịch tâm linh phần lớn là Việt kiều, phật tử và các tiểu thương. Cả một năm kinh doanh, làm ăn bận rộn, nên với họ tháng Giêng vẫn là “tháng du xuân” kết hợp với vãn cảnh chùa, cầu mong những điều tốt lành trong năm mới… Chị Trần Thị Mỹ Hà, một tiểu thương ở chợ Tân Hiệp (TP Tuy Hòa) cho biết: “Năm nào nhóm chị em tiểu thương ở đây cũng tổ chức một chuyến du xuân, hành hương về các chùa nổi tiếng ở khắp mọi miền đất nước. Năm nay chúng tôi chọn hướng vào Nam, đến núi Sam, Châu Đốc, An Giang để cầu lộc mua may bán đắt ở đền Bà Chúa Xứ”.

Phần lớn khách tour từ miền Trung, miền Nam thường chọn điểm đến là các tỉnh phía Bắc với những lễ hội gắn với các danh lam như chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử... Và ngược lại, phía Bắc lại hướng về các đình chùa miền Trung hoặc phía Nam với những ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Nẵng, Huế, Tây Ninh, An Giang... Theo những người làm du lịch Phú Yên, năm nay, nhiều chùa ở Phú Yên cũng thu hút khá nhiều khách hành hương từ các tỉnh khác đến như chùa Bảo Tịnh, Bửu Lâm, Từ Quang, Thanh Lương…

Ngoài phần đông khách hành hương đặt mua tour ở các công ty lữ hành, số khác tự tập hợp tổ chức tour và thuê xe. Cách này có thể ít tốn kém hơn, tuy nhiên có nhiều hạn chế về điểm đến trên hành trình và quan trọng hơn là những chuyến đi tự phát thường gặp khó khăn trong việc tìm nơi lưu trú, ăn uống và không loại trừ khả năng bị “chặt chém”.

Theo Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch đang định hướng sẽ phát triển các tuyến du lịch tâm linh ở các vùng. Riêng về chùa, phía Bắc hiện có 3 danh lam thu hút lượng khách thập phương đông nghịt trong dịp tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch là: Lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam và lễ hội chùa Bái Đính. Anh Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm lữ hành Tuy Hòa Tourits, cho biết: “Năm nay, trung tâm bán được khá nhiều tour đi hành hương về các chùa phía Bắc và thủ đô Hà Nội. Mới đây, tour đưa khách đến lễ hội Yên Tử đã bị “cháy” hành trình vì lượng khách hành hương đổ về đây quá đông”.

Với khách du lịch là người Công giáo, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), thánh địa La Vang (Quảng Trị), nhà thờ đá Nha Trang... là những địa điểm nổi tiếng và thu hút nhiều du khách đến hành hương trong mùa xuân này.

QUỲNH MAI

Read More...

Tour du lịch theo mùa hoa đang nở rộ

Trong 3-5 năm trở lại đây, xu hướng khách du lịch lựa chọn những điểm đến gắn với các mùa hoa đặc trưng, các lễ hội hoa, trang trại ươm trồng hoa đang ngày một gia tăng và trở thành một xu hướng rõ nét. Hình thức du lịch này không chỉ góp phần gia tăng giá trị mà còn mang lại cảm xúc thăng hoa cho du khách trong và sau chuyến đi.

Nếu như trước đây du khách đi tour thường chỉ biết đến các tuyến truyền thống với hành trình khám phá miền đất, con người của mỗi quốc gia thì nay trong các chương trình quảng cáo tour du lịch, mỗi mùa đều có vài ba tuyến giới thiệu điểm đến gắn liền với các loài hoa, lễ hội hoa. Trong nước thì có mùa hoa tam giác mạch Hà Giang, mùa hoa cải trắng Mộc Châu, hoa mận, hoa đào trên các cung đường Tây Bắc… Trên thế giới thì có lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, lễ hội hoa tulip ở Hà Lan, Canada mà đến nay đã trở nên quen thuộc với khá nhiều du khách Việt Nam. Bên cạnh đó là lễ hội hoa Chelsea tại Anh quốc, lễ hội hoa Floride ở Úc… các trang trại, thiên đường hoa oải hương ở Pháp, Nhật, hoa hướng dương ở Ý, Tây Tạng…

Theo đại diện Công ty Du lịch Vietravel thì du lịch theo mùa hoa đã được công ty đưa vào triển khai từ cách đây hơn 5 năm và là một trong những đơn vị tiên phong kết nối, quảng bá tuyến du lịch theo mùa hoa anh đào, hoa tulip… Việc lựa chọn hình thức du lịch này nhằm mang lại giá trị gia tăng - cảm xúc thăng hoa cho khách hàng, bởi hoa - vốn là biểu tượng của cái đẹp luôn làm đẹp thêm cho cuộc sống, làm đẹp thêm cho mỗi chuyến đi. Tính đến thời điểm này, đã có hơn chục đoàn khách đăng ký tour hoa anh đào và tulip tại Vietravel Hà Nội. Dự kiến, trong thời gian tới, công ty sẽ mở thêm tuyến ngắm hoa phượng tím ở Nam Phi, hoa Chelsea ở Anh quốc… mang tới những điểm ngắm hoa đẹp và đa dạng hơn cho khách hàng.


Du khách háo hức với hoa anh đào Nhật Bản.

Bác Trần Trọng Khôi (Hà Nội) cho biết, lễ hội hoa ở các nước rất đẹp và hấp dẫn, họ xây dựng và quảng bá hình ảnh, du lịch rất tốt nên ai nghe chương trình cũng muốn mua tour. Năm nay, tôi lựa chọn lễ hội hoa tulip ở Hà Lan vào dịp tháng 4 cho chuyến đi của mình.

Du lịch theo mùa hoa mang đến giá trị gia tăng cho cả công ty du lịch và các du khách, song không phải vì thế mà không có những khó khăn trong việc tổ chức chuyến đi. Đó là phải cung cấp thông tin sớm và kịp thời cho các khách hàng có nhu cầu vì mỗi mùa hoa thường diễn ra trong thời gian rất ngắn. Đăng ký chậm hay không làm kịp thủ tục visa là nhiều du khách có thể lại phải chờ đến mùa hoa năm sau. Thời tiết cũng là một yếu tố quan trọng và khó kiểm soát trong việc tổ chức tour ngắm hoa. Chỉ cần một trận mưa bất chợt hay thời tiết nóng lạnh bất thường cũng có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch ngắm hoa của các đoàn.

Theo ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, tour lễ hội hoa du khách có nhiều lựa chọn theo sở thích, điểm đến phong phú và việc tham quan theo mùa hoa cũng đem đến sự trải nghiệm thú vị cho mỗi du khách. Hanoi redtour cho biết, đầu xuân năm Giáp Ngọ số lượng khách đăng ký tour đi ngắm hoa ban ở Tây Bắc đặc biệt là lên Điện Biên vào dịp tháng 3, tháng 4 tăng rất mạnh. Cung đường Tây Bắc đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là sự dịch chuyển lựa chọn tour trong nước phù hợp với túi tiền, thắng cảnh đẹp, hành trình ngắn ngày của khách nội địa sẽ tạo động lực cho du lịch ở đây phát triển. Các hãng lữ hành trong nước đang giới thiệu tour ngắm hoa ban ở cung đường Tây Bắc; tour mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên… đến tour ngắm hoa anh đào nở ở Hàn Quốc và Nhật Bản với nhiều chính sách giảm giá hấp dẫn.

Yêu cái đẹp là bản chất của con người, vì vậy mà du lịch theo các mùa hoa, mùa lá vàng, lá đỏ.. chắc chắn sẽ ngày càng trở thành một xu hướng rõ rệt, hấp dẫn hơn trong tương lai

Read More...

Du lịch Thái Lan thất thu 90 tỷ baht nếu xung đột kéo dài


Người biểu tình chống Chính phủ bao vây văn phòng tạm thời của Thủ tướng ở Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, Tổng cục du lịch Thái Lan cho biết ngành du lịch nước này sẽ thất thu khoảng 90 tỷ baht nếu các cuộc xung đột chính trị biến thành bạo lực và kéo dài thêm sáu tháng nữa. Lượng khách du lịch tới Thái Lan có thể giảm tới 900.000 khách.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục du lịch Thái Lan cho thấy nhóm du lịch theo tour giảm mạnh nhất, chiếm tổng cộng khoảng 30-35% lượng khách tới nước này.

Dự kiến Tổng cục du lịch sẽ nhóm họp với các hiệp hội du lịch để triển khai chương trình khuyến mại mới nhằm khôi phục lòng tin cho khách du lịch trong sáu tháng cuối năm 2014.

Chương trình khuyến mại mới có thể sẽ được triển khai ở những điểm đang bị ảnh hưởng lớn nhất, gồm Bangkok, Pattaya, Rayong, Hua Hin, Cha-am và Kanchanaburi. Tổng cục du lịch cũng sẽ phối hợp với hàng hàng không Thái Lan để bắt đầu triển khai những chương trình này từ tháng tới.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan thời gian qua đã khiến 209 hãng lữ hành của Thái Lan chuyên làm với khách Trung Quốc bị thất thu bởi diễn ra đúng dịp Tết Nguyên đán. Tháng 4/2013, dịp Tết Songkran, lượng khách Trung Quốc tới Thái Lan đã đạt 150.000 người.

Nền kinh tế Thái Lan đã được dự báo sẽ thua lỗ thêm 120 tỷ baht nếu nước này không thể thành lập được một chính phủ mới trong vòng sáu tháng tới. Dự báo này được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban thường trực hỗn hợp giữa thương mại, công nghiệp và ngân hàng.

Các thành viên của ủy ban này cho rằng nếu Thái Lan không thể thành lập được một chính phủ mới trong vòng sáu tháng tới, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm thêm khoảng 1%, tương đương với thiệt hại 120 tỷ aht.

Trong trường hợp, Thái Lan chậm thành lập chính phủ trong vòng một năm, con số thua lỗ sẽ vào khoảng 240 tỷ baht, tương đương với việc giảm 2% GDP. Tăng trưởng kinh tế Thái Lan từng được ước tính vào khoảng 4-5% trong năm nay, nhưng bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến tăng trưởng GDP ít hơn 3%.

Trung tâm dự báo kinh doanh và kinh tế Thái Lan từng dự báo cuộc khủng hoảng hiện nay đang gây thiệt hại khoảng 40 tỷ baht cho nền kinh tế.

Nguyên nhân của những thiệt hại này là do tiêu dùng và du lịch sụt giảm. Ước tính người tiêu dùng Thái Lan sẽ chi tiêu chưa tới 500 triệu baht mỗi ngày, đồng thời thu nhập du lịch tính theo ngày cũng giảm khoảng từ 200 triệu baht đến 500 triệu baht./.

Read More...

Du lịch Việt: Làm gì để đạt mức 8 triệu du khách trong năm 2014?

Nếu như trong năm 2000, lượt khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 2,2 triệu lượt khách thì đến 2005 đã tăng lên 3,5 triệu, sang năm 2010 con số này đã đạt trên 5 triệu lượt khách và hiện nay chạm mốc 7,5 triệu lượt.


Đoàn Famtrip Mỹ và Canada khảo sát du lịch tại Việt Nam - Ảnh: DulichVN.org.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, mục tiêu của du lịch Việt Nam sẽ đạt mức 8 triệu lượt du khách quốc tế và 37 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Làm gì để đạt được mục tiêu này? Đó là câu hỏi mà ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam sẽ giải đáp với chúng ta qua cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNND TPHCM:

* Thưa ông, dù còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2013 vừa qua, du lịch Việt Nam vẫn phát triển với những con số ấn tượng. Theo ông, đâu là nguyên nhân mang đến những hiệu quả trên?

- Ông Vũ Thế Bình: Năm qua, ngành du lịch Việt Nam có được những thành tựu rất đáng tự hào.

Đó là lượng khách du lịch quốc tế đã vượt trên 7,5 triệu lượt, khách nội địa đạt 35 triệu và doanh thu toàn ngành lên đến 200.000 tỷ đồng, tương đương hơn 9,5 tỷ USD.

Du lịch đã được xếp vào những ngành kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Sở dĩ đạt được thành tựu đó là nhờ vị thế của ngành du lịch trong nước đã được quan tâm.

Hầu hết các địa phương trong cả nước đều đặt du lịch vào một trong những ngành kinh tế trọng tâm cho nên các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của các địa phương đều có đưa du lịch vào.

Hơn nữa, chúng ta đã được sự hưởng ứng của toàn dân cho nên từ công tác tuyên truyền, quảng bá đến việc xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đều có sự khởi sắc hơn so với những năm trước.

Tất nhiên, trong lúc nền kinh tế có những khó khăn như hiện nay thì cũng không dễ gì đạt được những kết quả như vậy.

Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2013 chẳng hạn, lượng khách suy giảm tương đối nghiêm trọng nhưng trong 6 tháng cuối năm 2013 đã có sự bức phá ngoạn mục đưa đến con số tăng trưởng 10,6%/năm.

Điều này thể hiện quyết tâm cao của cả các cấp, các ngành cùng tham gia vào với ngành du lịch.

* Quảng bá du lịch Việt Nam theo quan niệm của ông có vai trò và ý nghĩa như thế nào? Trong năm nay và những năm tiếp theo cần có chiến lược quảng bá ra sao để du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước?

- Ông Vũ Thế Bình: Quảng bá là một trong những công cụ chủ yếu của hoạt động du lịch bởi đây là loại hình kinh tế đặc thù có những sản phẩm của nó, nhưng ở đây sản phẩm của du lịch là sản phẩm vô hình, không sờ thấy được cho nên việc chào bán sản phẩm của du lịch đến với tất cả những người có nhu cầu phải thông qua hình thức tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu…

Bởi vậy, hoạt động xúc tiến du lịch trở nên hết sức quan trọng đối với ngành du lịch. Trong những năm qua, công tác xúc tiến du lịch ở nước ta cũng đã triển khai và có những bước tiến.

Tuy nhiên, giá như công tác này được quan tâm đúng mức hơn, nhà nước đầu tư xứng đáng hơn với ngành kinh tế mũi nhọn này thì tôi tin là kết quả của chúng ta không chỉ dừng lại ở con số 7,5 triệu như năm vừa rồi mà có thể đạt kết quả cao hơn.

* Ngoài công tác xúc tiến, theo ông quảng bá du lịch Việt Nam theo kênh nào và hình thức nào hiệu quả?

- Ông Vũ Thế Bình: Xúc tiến du lịch không phải chỉ có quảng bá mà là một hoạt động đa dạng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Ngay cả việc xây dựng những sản phẩm du lịch cũng nằm trong công tác xúc tiến. Sản phẩm có hấp dẫn hay không, có đặc biệt hay không, có khác biệt với các nước trong khu vực hay không thì mới thu hút được khách.

Như vậy, đầu tiên là phải xây dựng được những sản phẩm tốt; thứ hai là đẩy mạnh việc giới thiệu những dịch vụ du lịch tốt của một nước thì mới phục vụ được cho người ta; thêm nữa là cơ sở vật chất, đặc biệt là văn hóa truyền thống…

Tất cả những điều đó đều phải được hoạch định rõ ràng và phải xây dựng những kế hoạch xúc tiến một cách bài bản.

Đặc biệt hơn nữa, nếu ta phục vụ tốt 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến đây thì mỗi một người khách đó sẽ trở thành một người tuyên truyền, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam cho toàn thế giới thì sẽ không có hình thức xúc tiến nào tốt hơn hình thức này nữa.



* Là người đi và nghiên cứu nhiều về du lịch, vậy thì so với các nước, ông thấy đâu là điều mà du lịch nước ta còn hạn chế và cần phải khắc phục?

- Ông Vũ Thế Bình: Hạn chế nhất của du lịch nước ta là vấn đề nhận thức.

Chúng ta thường nói về phát triển du lịch nhưng bản thân những hành động của các cấp chính quyền chưa rõ ràng.

Thêm vào đó, bản thân những người dân sống dựa vào du lịch cũng rất nhiều. Nhiều vùng chuyên làm du lịch thôi nhưng bản thân họ lại không bảo vệ môi trường, họ gây nên mất an ninh, an toàn.

Họ lại làm tất cả những điều gây cho du khách những thất vọng… Điều đó cũng là do nhận thức.

Thứ hai là phải đầu tư. Trên đời này không có cái gì tự nhiên phát triển mà thiếu sự đầu tư. Nhà nước cần phải đầu tư cho du lịch chứ.

Đầu tư cái gì? Đó là đầu tư xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng để du khách có chỗ ăn, chỗ ngủ và chỗ đi lại.

Đó là điều tối thiểu mà nước nào cũng phải làm. Mà đầu tư đó cần phải đầu tư ngay từ nguồn thu của ngành du lịch.

* Từ những cơ sở mà chúng ta đã gầy dựng được trong năm 2013 cũng như từ trước nay thì ông có hy vọng gì về bức tranh du lịch Việt Nam trong năm 2014 này?

- Ông Vũ Thế Bình: Tôi rất tin tưởng rằng du lịch Việt Nam trong năm 2014 sẽ phát triển mạnh hơn.

Những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong năm 2013 nó đã là một tiền đề rất lớn để cho du lịch năm 2014 phát triển.

Với quyết tâm cao của cả toàn ngành, đặc biệt là hệ thống 20.000 doanh nghiệp du lịch, dứt khoát du lịch của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa.

Với sự hưởng ứng của chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng du lịch thì hoàn toàn yên tâm rằng có thể nhanh hay chậm, nhưng du lịch chắc chắn sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của chúng ta trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông!
Theo voh.com.vn

Read More...

10 chợ Giáng sinh châu Âu nổi tiếng thế giới

Từ Áo, Đan Mạch đến Thụy Sĩ, Đức…, kể về chợ Giáng sinh sẽ không giấy bút nào tả hết sự sinh động và đặc trưng của mỗi chợ, mỗi vùng.

1. Bremen, Đức

Trong những câu chuyện cổ tích, Bremen được nhắc tới như là thành phố thời trung cổ với những nét đặc trưng, rất khác biệt với những thành phố khác. Vì vậy, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nơi đây được biết đến với những khu chợ Giáng sinh đẹp nhất thế giới. Với hơn 170 gian hàng được trang trí lộng lẫy trong khu phố cổ của Bremen, khu chợ nổi bật trong không gian thanh bình, rất đẹp và thú vị cùng những ngọn đuốc được thắp sáng suốt đêm. Từng ngõ ngách nhỏ với những căn nhà cổ vài trăm năm tuổi, có cái nhà cả nghìn năm tuổi. Hai bên đường là cửa hàng lưu niệm và quán xá, cafe, nhà hàng... Mỗi năm cứ độ cuối tháng 11 lại có chợ Giáng sinh, mọi thứ thật đẹp, không khí thật vui nhộn, các cửa hàng trang hoàng thật lộng lẫy. Mọi người tấp nập đi mua sắm.

Phiên chợ diễn ra từ 28/11 đến 23/12/2013.

2. Edinburgh, Scotland

Các khu chợ Giáng sinh của Edinburgh đã thu hút hàng nghìn người mỗi năm. Trung tâm của các lễ hội là bánh xe Ferris cao 33 mét, một ván trượt tuyết và các khu chợ ngoài trời nằm dưới tấm phông của lâu đài. Đến với phiên chợ Giáng sinh tại đây, du khách có thể thưởng thức cocktail trà nóng rất đặc biệt, thăm chợ làng truyền thống cao nguyên bán bánh humberger thịt thú rừng và quần áo, quà tặng, trang sức...

Chợ diễn các ngày 22/11/2013- 4/1/2014.

3. Colmar, Pháp

Colmar, một thị trấn nhỏ được xây dựng từ thời trung cổ, nép bên dòng sông Rhine ở đông bắc nước Pháp là một trong những nơi yên bình, cổ kính và có phong cảnh lãng mạn nhất thế giới. Trải qua hàng trăm năm, Colmar vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ. Tháng 12 hàng năm, các khu phố cổ ở Colmar trở nên lung linh hơn khi những ngôi nhà được trang hoàng rực rỡ. Khắp nẻo đường Colmar tràn ngập du khách đổ về năm khu chợ bán hàng Giáng sinh.

Chợ diễn ra các ngày 22/11–31/12.

4. Prague, Cộng hòa Czech

Đây là một trong những phiên chợ được ưa thích nhất châu Âu. Tại quảng trường cổ của thành phố (Staré Mesto), những lều nhỏ bằng gỗ được dựng nên bày bán nhiều mặt hàng như đồ trang trí Noel, nến thơm, tách bằng sứ, đồ chơi bằng gỗ, những tượng nhỏ bằng lá ngô...

Với những tín đồ của ẩm thực, bạn có thể thưởng thức bánh ngọt (trdlo), hạt dẻ nóng, xúc xích nướng tưới rượu grog (rượu trắng pha nước nóng, chanh, đường), rượu nóng (svarak). Nếu thích nghe những câu chuyện cổ về Giáng sinh, bạn có thể tìm đến quảng trường, cũng là nơi trình diễn các bài thánh ca địa phương và quốc tế dành cho trẻ em.
Phiên chợ diễn ra từ 30/11đến 23/12/2013.

5. Cologne, Đức

Cologne tập trung 7 chợ Giáng sinh nằm rải rác ở các thị trấn và bến cảng cổ của Đức. Trong đó, nổi tiếng nhất là chợ nằm dưới Nhà thờ Colonge xây dựng theo kiến trúc gothic. Nằm dưới chân nhà thờ chính tòa ở thành phố Cologne, ngôi chợ Giáng sinh sẽ khiến bạn choáng ngợp với vô số chủng loại hàng hóa được bày bán như các loại bánh kẹo truyền thống, vật trang trí đặc thù với nhiều kiểu dáng đẹp và lạ mắt. 

Phiên chợ diễn ra từ 25/11 đến 23/12/2013.

6. Tivoli Gardens, Copenhagen, Đan Mạch

Đến Copenhagen vào dịp Giáng Sinh bạn hãy đến với đường Strøget, nơi bày bán những món quà tặng đắt tiền và hợp thời. Nhưng phiên chợ hấp dẫn nhất là ở công viên Tivoli với loại rượu truyền thống, bánh táo và hạnh nhân nướng

Chợ Giáng Sinh Copenhagen bắt đầu nhộn nhịp từ ngày 15/11 đến 31/12 hàng năm.

7. Bruges, Bỉ

Bruges nổi tiếng là thành phố lãng mạn thu hút nhiều khách du lịch trên thế giới. Tháng 12, khi thành phố trở nên lung linh với các tòa nhà được thắp sáng và những khu chợ Giáng sinh nổi bật xung quang một sân trượt băng lớn ngoài trời, bạn sẽ bị choáng ngợp trước những cửa hàng bán đồ truyền thống, những món ăn đặc sắc và đặc biệt, không thể thiếu các loại chocolate nổi tiếng thế giới. 

Bạn có thể tìm thấy tất cả loại đồ trang trí, quà tặng và bánh kẹo tại chợ Giáng Sinh Bruges, Bỉ diễn ra từ 22/11 đến 2/1/2014.

8. Innsbruck, Áo

Với những rặng núi phủ tuyết, những khu chợ Giáng sinh của thành phố này đem tới cho du khách một cảm giác rất khác biệt. Du khách tới thành phố thủ phủ của vùng Tyrol này có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều bảo tàng, nhà thờ, và các công trình kiến trúc tuyệt tác.
Đến với những khu chợ Giáng sinh tại Áo, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức món bánh rán truyền thống Kiachln hay những chương trình biểu diễn cổ tích tại Nhà hát Wagon. Chợ diễn ra từ 15/11 đến 23/12.

9. Budapest, Hungary

Đến thành phố Budapest, bạn sẽ được đi tham quan một loạt địa điểm hàng đầu như đại lộ Andrassy, nhà hát lớn, nhà thờ St Stephen. Sau khi mãn nhãn với cảnh đẹp nơi đây, bạn có thể dừng chân tại khu chợ Giáng sinh lớn nhất Budapest để tìm hiều kỹ hơn về ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Hungary.

Khi mỏi chân, bạn có thể nghỉ ngơi tại hầm rượu vang 3 tầng của một quán rượu ven đường, nhâm nhi những loại rượu nổi tiếng của Hungary như Bull’s Blood hay Tokaj. Kết thúc chuyến đi, du khách có thể tới thăm quảng trường nổi tiếng Vorosmarty và Vaci, một con phố đi bộ nổi tiếng với các cửa hàng bán đồ lưu niệm truyền thống.
Quán cà phê trên phố cũng lung linh trong không khí Giáng sinh ở thủ đô Budapest, Hungary.

10. Vienna, Áo

Khu chợ lớn nhất và lâu đời nhất ở Áo chính là December Market ở Vienna. Có từ thế kỷ 14, đây được coi là một trong những khu chợ Giáng sinh nổi tiếng nhất tại thủ đô.
Rộn ràng chợ Giáng sinh ở thủ đô Vienna, Áo. Selina Nguyễn (theoglobalgrasshopper)

Read More...

Cuộc đua thuyền không cần nước ở Australia

Vào mùa cạn nước hàng năm, thành phố Alice Springs lại tổ chức hội đua thuyền buồm và chèo thuyền trên lòng sông khô cạn.

Alice Springs, thành phố lớn thứ 3 ở Bắc Australia, nằm bên dòng sông Todd và có khí hậu khá khắc nghiệt. Nhiệt độ ở đây chênh lệch rất lớn, nhiệt độ tối đa trung bình vào mùa hè là 35 độ C, nhiệt độ trung bình vào mùa đông là 5,1 độ C. Tuy nhiên, cứ vào chủ nhật cuối cùng của tháng 8, thành phố này lại trở nên rộn rã với lễ hội đua thuyền độc đáo bậc nhất thế giới.


Cuộc đua diễn ra trên lòng con sông cạn.

Vào mùa hè, con sông Todd trở nên khô cạn với lòng sông đầy cát, đây cũng chính là nơi diễn ra lễ hội đua thuyền buồm và chèo thuyền với những con tàu cướp biển bắn bom bột mì, những chiếc thuyền ca nô di chuyển bằng những chiếc xẻng xúc cát và những "con thuyền bồn tắm" chạy loạn xạ.


Thuyền bồn tắm là loại đơn điệu nhất trong lễ hội.

Cuộc thi độc đáo này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1962 khi Reg Smith, một người dân địa phương của thành phố đưa ra ý tưởng về cuộc đua nổi tiếng mang tên Henley-on-Thames giữa hai trường đại học Cambridge và Oxford.

Kể từ đó, hàng năm đáy sông Tod đầy cát lại trở thành đường đua cho những đoàn thuyền vui nhộn, thu hút rất đông người dân và du khách tham gia.


Thuyền cướp biển xả đạn nước.

Bạn sẽ được thấy các con thuyền của những tên cướp biến bắn đạn nước từ những tàu chiến, những con thuyền không đáy chạy bằng chân và cả thuyền cứu hộ kéo những người gặp nạn trên sông. Đây là một sự kiện hấp dẫn, thu hút cả du khách tham gia và các phương tiện truyền thông ở các quốc gia.

Theo chudu

Read More...

Hành trình đến thác Niagara

Khá nhiều du khách đến Bắc Mỹ không thể bỏ qua chuyến thăm ngọn thác Niagara hùng vĩ nằm giữa đôi bờ Canada và Mỹ. Tôi cũng là một trong số họ, đến Niagara Falls ngắm nhìn tuyệt tác của thiên nhiên.

Niagara Falls – thác Niagara là tổ hợp thác lớn và mạnh nhất ở Bắc Mỹ có vị trí đặc biệt, nằm trên biên giới giữa hai quốc gia Canada và Mỹ. Nếu đến thành phố New York (Mỹ), du khách thường dành hẳn 2 ngày để có thể đến và nhìn ngắm dòng thác tuyệt đẹp. Còn ở Canada, thành phố gần nhất là Toronto sẽ chỉ lấy của bạn một ngày đi và về để trải nghiệm biểu tượng thiên nhiên của cả hai quốc gia.


Tổ hợp thác Niagara (từ phải sang) thác Móng Ngựa, thác Bridal Veil và thác Mỹ. Ảnh Seattletravels.com.

Ngày tôi dự định lên đường đến Niagara Falls trời đổ mưa mù mịt vào buổi sáng, sương giăng kín con đường cao tốc từ Toronto (Canada) chạy dọc theo mặt hồ Ontario mờ ảo. Phải đến trưa chiếc xe mới từ từ tiến vào khu vực thác và màn mưa mỏng vẫn kiên trì thử thách lòng người.

Con đường từ bãi đậu xe nối ra vỉa đá trên cao là nơi dễ dàng nhìn thấy dòng nước trắng xóa đang miệt mài tuôn xuống bên dưới. Vào giai đoạn cuối của kỷ băng hà thời kỳ đóng băng Wisconsin khoảng 10.000 năm trước, những sông băng bị rút xuống hình thành các khe nứt gãy. Nối giữa hai đại hồ Eire và Otario là dòng Niagara chở theo hàng tỷ mét khối nước. Nhưng thiên nhiên còn làm được nhiều hơn thế, dòng sông đang yên bình bỗng “rơi” xuống ở độ cao 20-50 m hình thành nên thác Niagara.

Bỏ qua chút thông tin khoa học và quay trở lại với cái nhìn cảm quan ban đầu, dễ dàng nhận ra 3 ngọn thác lần lượt là Horse Shoe Falls (thác Móng Ngựa), the American Falls (thác Mỹ) và Bridal Veil Falls (thác Bridal Veil) tạo thành tổ hợp thác Niagara. Tuy không thật cao nhưng Niagara là thác nước rất rộng với lượng nước khoảng 168.000 m3 chảy qua mỗi phút. Nếu tính đơn giản một chiếc bồn tắm chứa 500 lít thì mỗi giây có khoảng 11.400 chiếc bồn chứa nước như thế đổ xuống thác Niagara, một ví dụ cực kỳ dễ hiểu so với các thông tin hàn lâm mà tôi đọc được trong tài liệu. Màu xanh lá cây của nước đến từ khối lượng khoảng 60 tấn/phút muối hòa tan với bột đá tinh khiết xói mòn từ dòng Niagara.

Có nhiều nguồn thông tin về người đầu tiên tìm ra ngọn thác ngoài những bộ lạc bản địa sống trong vùng, nhưng có thể kể đến nhà khám phá người Pháp Samuel de Champlain đã đến đây vào đầu năm 1604 và ghi lại trong báo cáo của mình. Kể từ đó, vẻ đẹp của ngọn thác đã thu hút hàng triệu người đến chiêm ngưỡng.

Hành trình thú vị nhất tại thác Niagara là chuyến đi thuyền mang tên Maid of the Mist dưới lòng con thác đục ngầu phía xa kia. Giá vé cho người lớn là 15,5 USD (330.000 đồng) và trẻ em 6-12 tuổi là 9 USD (190.000 đồng). Mỗi hành khách sẽ được phát một chiếc áo mưa để tránh bị ướt khi thuyền đi sát vào chân thác. Dịch vụ này đã có từ năm 1846 và mỗi ngày thu hút hàng nghìn lượt du khách trải nghiệm cảm giác bị cuốn vào “họng quỷ” bởi sức mạnh của dòng nước.




Cây cầu Cầu Vồng nối Mỹ và Canada với cửa khẩu ở hai bên.


Bỏ lại sau lưng cây cầu Cầu Vồng – Rainbow Bridge nối liền hai quốc gia, con thuyền lớn lừng lững chạy ngang qua thác American và Bridal Veil thuộc lãnh thổ Mỹ. Những chấm nhỏ li ti đang di chuyển trên đài quan sát chính là các du khách ở bên kia biên giới.

Chỉ cách nhau một km, thác Mỹ trải dài hơn 300 m còn thác Móng Ngựa – Horse Shoe lại cong cong đúng như tên gọi của nó. Đẹp và ấn tượng nhất, thác Móng Ngựa hiện thuộc lãnh thổ Canada, tất cả chuyến Maid of the mist đều đưa du khách vào tận trong lòng con thác lớn. Bên trên nhiều gương mặt hào hứng pha chút lo sợ còn dưới mạn thuyền là những chú chim thư thả bay lượn rồi sà xuống làn nước lạnh mà chẳng cần quan tâm tiếng dòng thác gầm gừ.

Con thuyền từ từ tiến thẳng đến chiếc rèm trắng khổng lồ cao 53 m và rộng 790 m. Từng làn nước theo gió tạt vào nhóm du khách đứng trên boong mà không hề có phương hướng cụ thể. Dù có áo mưa nhưng tôi vẫn cảm nhận cổ, quần và giầy bắt đầu lạnh đi vì thấm nước. Nhiều tiếng hét sảng khoái mỗi khi nước ào ào đổ lên và con thuyền bỗng trở nên bé nhỏ trước thiên nhiên.

Người thuyền trưởng quả thật rất đáng khâm phục bởi tầm nhìn gần như bằng không và lớp lớp đá ngầm dưới chân lởm chởm, ông vẫn đưa hành khách trở lại bến thuyền an toàn. Lúc này mọi người mới có thời gian định thần nhìn ngắm cảnh vật đôi bờ. Trong làn sương, có thể thấy nhiều bụi cây đang thay lá và thêm những con thuyền chở theo bao cảm xúc vẫn tiếp tục rời bến.

Sũng nước và lạnh buốt, môi tái nhợt vậy mà ai cũng nở nụ cười thỏa mãn. Bên ly cà phê nóng hổi tại cửa hàng lưu niệm nhìn xuống, dòng thác vẫn tuôn chảy không ngừng nghỉ. Tôi thầm cảm ơn mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người “món quà” Niagara Falls và cả nguồn năng lượng thủy điện gần như bất tận tạo ra từ ngọn thác mạnh mẽ này.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Read More...

Vì đi vào rừng người ta dễ yêu nhau

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng. Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ. Đó là câu chuyện về chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Hồi chưa biết tới rừng rú và chỉ đắm đuối trong những chuyến du lịch được sắp sẵn, tôi đã nghe ông thầy tôi, một “người rừng” sống giữa thành phố khuyên rằng: Này, đi rừng thú vị lắm. Đôi nào chỉ cần hơi thinh thích nhau là sẽ yêu nhau liền. Còn đôi nào từng yêu nhau thì sau này có xa nhau cũng chẳng thể nào quên nhau được.

Bắt đầu những chuyến đi từ hai ả đàn bà phiêu lãng. Tôi, một người luôn mang trong mình sự chán chường và não nề của nhiều cảm xúc đan xen khó tả, luôn muốn phá bung những rào cản của xã hội. Ả kia, những mối tình không níu giữ nổi bằng những chuyến khám phá. Ả đi như một con điên, đi tới mức rồ dại, tới mức nhiều khi quên chính cả bản thân mình.

Ả gặp tôi khi tôi vừa lang thang 2 tuần ở TP HCM. Hất cằm: "Đi ngược dòng sông Mã bằng đường bộ không? Có xế rồi. Ôm đã có hai “em” xếp lịch. Nhưng nếu gái thích, chị loại thẳng. Cho gái lên luôn. Xế hơi bị ngon nhé! Cao to, đẹp giai. Mới ở nước ngoài về".


Thiên nhiên hoang sơ trên đường tre Suối Muống.

Cao to ư? Đẹp trai ư? Điều đó tôi chẳng quan tâm. Những mối tình trải qua tôi đã quá mệt nhọc khiến trái tim tôi như một miếng bánh bị gián gặm nham nhở. Tôi chỉ muốn có một chuyến đi cho nhẹ lòng. Ôi làm sao cho quên sự đời! Chỉ đơn giản là thế.

Xế - người mà tôi không ngờ sẽ là chồng và cha của con gái tôi - là một chàng thanh niên cao lớn, người hơi đậm cùng chiếc răng khểnh khá duyên. Hình ảnh đầu tiên níu giữ tôi duy nhất chỉ là như thế. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nước để thống nhất chuyện đi lại. Tôi ném phịch tờ báo xuống trước mặt gã, bảo: "Đọc báo đi". Rồi khinh khỉnh chúi mũi vào đó, mặc kệ người sắp đèo mình mặt buồn tiu nghỉu.

Xế đèo tôi có cái lưng to bản như con trâu, mặc chiếc áo màu ghi xám. Tôi ngồi đằng sau, tóc nhuộm đỏ đã phai chuyển sang màu vàng sẫm. Xe bên này: Tôi – 1983; xế 1979. Xe bên kia, ả - 1978; xế 1983. Một sự lệch pha đầy đáng tiếc.

Cung đường của chúng tôi lần này là cung đường mà mọi phe phái du lịch đều “chê”. Người nào đi du lịch thuần túy thì hẳn là chê rồi còn những dân “phượt” sành điệu cũng chẳng coi là đáng để thử thách tay lái. Cụ thể: đường Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Co Lương, rồi rẽ tại chợ, sau đó đi hết qua bản này bản kia, và điểm dừng chân là Mường Lát. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Đoạn đường rẽ từ Co Lương là đoạn vừa ngập sau cơn mưa. Chưa kịp khô, đường nhão nhoét bùn. Từng tảng bùn ngoạm vào bánh xe như muốn nuốt chửng. Vừa vào ngã rẽ, xế bất ngờ xòe ngay một vòng 180 độ. Ôm ngồi sau lưng nhanh người, nhảy phắt xuống đường, cười sảng khoái.


Những em bé dân tộc với ánh mắt không thể quên.

Những bản làng bình dị đầu tiên lướt qua và những rừng tre đầu tiên cũng hiện ra trước mắt đoàn khách hiếu kỳ. Suốt dọc con đường độc đạo đang nhỏ dần là những rừng tre bạt ngàn và bên kia sông Mã cũng một màu xanh của những cánh rừng tre. Ánh nắng sớm xuyên qua những tán tre rậm rạp, vẽ những đường ánh sáng xuống con đường đất đỏ.

Một ngày vất vả mà không được mãn nhãn. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, đường đi vất vả. Bữa tối dừng tạm tại một ngôi nhà bán bánh kẹo ven đường. Rau mùng tơi, trứng rán và dưa chuột chẻ là ba món duy nhất. Nhưng vẫn thấy ngon đáo để. Lần đầu tiên, tôi được biết tới vị của hạt xẻn nướng, ớt nướng giã cùng ớt hột. Thơm hắc hắc, vị thơm đúng kiểu miền núi. Món chấm này thường được điểm thêm cùng món gà luộc hay thịt lợn nướng.

Đêm. Chúng tôi xin ngủ trọ tại một gia đình trẻ ở xã Trung Sơn. Chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuối ngày, tôi và anh bạn 83 cùng tuổi ngồi tán phét ngoài hiên nhà. Xế tôi cùng ả kia nói chuyện cùng chủ nhà. Đối với tôi, ngày đầu tiên trải qua bình thường không có gì đặc biệt. Giữa tôi và xế vẫn có một khoảng cách trắng xóa.

Nhưng sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt được nhau những tín hiệu đáng kể. Xế tôi tuy lần đầu tiên đi “phượt”, nhưng rất tháo vát và chịu khó, tay lái cũng đằm. Tôi ngồi sau xế sướng hơn ả kia ở chỗ, nhiều đoạn khó xế vẫn trụ vững được trên yên. Còn xế 83 kia ngã xòe, khiến ả hơi tẹo phải nhảy phóc xuống đất, đỡ, ẩn, ủn đít xe. Tôi bắt đầu luyên thuyên nói chuyện. Từ đó biết được không nhiều thì ít về anh chàng này: Đó là một người nhiệt tình, chân thành, cởi mở, có nhiều sở thích những cũng có một quá khứ nhiều khúc khủyu. Tôi gọi đùa xế là “Nghé”. Giữa chúng tôi đã có một sự gắn kết ngầm. Qua con suối rửa mặt, tôi lấy khăn màu xanh vắt ướt sũng, sau đó đặt lên cổ xế để chữa nóng.


Đường đẹp thế, đến xe còn yêu nhau.

Vượt lên đỉnh con dốc cao, thiên nhiên hùng vĩ khiến bạn có cảm giác đang chạm tay tới mây. Đoạn đường men chân núi có bề ngang chừng ba mươi cm là nguy hiểm nhất. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Mồ hôi bám rịn nhỏ giọt trên từng khuôn mặt vì căng thẳng và vì cái nắng gay gắt của buổi trưa hè. Những ánh mắt đầy ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chúng tôi chạy qua. Những em bé dân tộc với ánh mắt quyến rũ của con thú hoang dại. Những con người này chẳng biết gì tới internet, ít khi bị làm phiền bởi tivi, ít bị những triết lý quấy nhiễu tâm hồn và sống một cách thanh bình đến tẻ nhạt tại nơi này.

Nhưng sự vất vả cũng đã được hưởng thành quả. Chúng tôi đã gặp được cái khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận nơi này. Đó là một đoạn đường tre cong vòng một cách hết sức tự nhiên. Những thân tre mảnh mai đan vào nhau kéo dài hàng trăm mét tạo thành một chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhìn từ xa, vòm tre như đôi mắt nhấp nhánh cười, hút sâu. Phía dưới, lá tre khô bay xào xạc như trong phim “Thập diện mai phục” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ánh nắng mùa hè gắt gỏng len chen qua rặng tre, hắt vào mặt, vào xe chúng tôi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục giữa tiết trời oi ả. Chúng tôi thả xe nhảy ùa vào giữa con đường tre, ngồi bệt trên thảm lá tre nghỉ ngơi.

Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở huyện Mường Lát với cơ thể mệt bã. Sau bữa ăn no nê và tắm táp sạch sẽ, bốn người chúng tôi đi bộ ngắm trăng trên cầu treo Mường Lát. Hôm ấy trăng mười sáu thì phải, to và rạng rỡ hơn hẳn trăng rằm. Tôi dựa người vào thành cầu, để toàn bộ cơ thể và tâm hồn mình ngập trong trăng. Cơ thể tôi như mất trọng lượng, chơi vơi giữa trăng và làn hơi nước mát dịu. Bỗng dưng…có một luồng điện chớp qua tôi. Hình như có một bàn tay hơi chạm vào bàn tay mình…


Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Thiên nhiên quả là người thầy vĩ đại. Người thầy dạy ta biết cách tự vấn chính mình. Trong suốt chuyến đi, không một lần tôi nhớ tới công việc, không một lần tôi nhớ tới sự phiền muộn cố hữu. Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng. Tôi nhìn thấy tôi. Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị và giản đơn.

Chuyến đi đó sau này được nhóm chúng tôi đặt tên là Đường tre Suối Muống. Nhiều dân “phượt” trên mạng thấy ảnh đẹp quá cũng đi cung này, nhưng hình như chẳng có đôi nào yêu nhau, cũng chẳng có bức ảnh nào nhiều nắng đẹp dường ấy.

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ.

Giờ đây, những chuyến đi trôi ngược về phía tôi, lẩn sâu trong quá khứ. Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng còng đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò, con dê lững thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê mất rồi”. Chồng tôi có lẽ cũng như vậy.

Còn bạn. Bạn đã sẵn sàng đi rừng chưa?

Mitchit

Read More...