Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Du lịch Việt: Làm gì để đạt mức 8 triệu du khách trong năm 2014?

Nếu như trong năm 2000, lượt khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 2,2 triệu lượt khách thì đến 2005 đã tăng lên 3,5 triệu, sang năm 2010 con số này đã đạt trên 5 triệu lượt khách và hiện nay chạm mốc 7,5 triệu lượt.


Đoàn Famtrip Mỹ và Canada khảo sát du lịch tại Việt Nam - Ảnh: DulichVN.org.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, mục tiêu của du lịch Việt Nam sẽ đạt mức 8 triệu lượt du khách quốc tế và 37 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Làm gì để đạt được mục tiêu này? Đó là câu hỏi mà ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam sẽ giải đáp với chúng ta qua cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNND TPHCM:

* Thưa ông, dù còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2013 vừa qua, du lịch Việt Nam vẫn phát triển với những con số ấn tượng. Theo ông, đâu là nguyên nhân mang đến những hiệu quả trên?

- Ông Vũ Thế Bình: Năm qua, ngành du lịch Việt Nam có được những thành tựu rất đáng tự hào.

Đó là lượng khách du lịch quốc tế đã vượt trên 7,5 triệu lượt, khách nội địa đạt 35 triệu và doanh thu toàn ngành lên đến 200.000 tỷ đồng, tương đương hơn 9,5 tỷ USD.

Du lịch đã được xếp vào những ngành kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Sở dĩ đạt được thành tựu đó là nhờ vị thế của ngành du lịch trong nước đã được quan tâm.

Hầu hết các địa phương trong cả nước đều đặt du lịch vào một trong những ngành kinh tế trọng tâm cho nên các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của các địa phương đều có đưa du lịch vào.

Hơn nữa, chúng ta đã được sự hưởng ứng của toàn dân cho nên từ công tác tuyên truyền, quảng bá đến việc xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đều có sự khởi sắc hơn so với những năm trước.

Tất nhiên, trong lúc nền kinh tế có những khó khăn như hiện nay thì cũng không dễ gì đạt được những kết quả như vậy.

Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2013 chẳng hạn, lượng khách suy giảm tương đối nghiêm trọng nhưng trong 6 tháng cuối năm 2013 đã có sự bức phá ngoạn mục đưa đến con số tăng trưởng 10,6%/năm.

Điều này thể hiện quyết tâm cao của cả các cấp, các ngành cùng tham gia vào với ngành du lịch.

* Quảng bá du lịch Việt Nam theo quan niệm của ông có vai trò và ý nghĩa như thế nào? Trong năm nay và những năm tiếp theo cần có chiến lược quảng bá ra sao để du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước?

- Ông Vũ Thế Bình: Quảng bá là một trong những công cụ chủ yếu của hoạt động du lịch bởi đây là loại hình kinh tế đặc thù có những sản phẩm của nó, nhưng ở đây sản phẩm của du lịch là sản phẩm vô hình, không sờ thấy được cho nên việc chào bán sản phẩm của du lịch đến với tất cả những người có nhu cầu phải thông qua hình thức tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu…

Bởi vậy, hoạt động xúc tiến du lịch trở nên hết sức quan trọng đối với ngành du lịch. Trong những năm qua, công tác xúc tiến du lịch ở nước ta cũng đã triển khai và có những bước tiến.

Tuy nhiên, giá như công tác này được quan tâm đúng mức hơn, nhà nước đầu tư xứng đáng hơn với ngành kinh tế mũi nhọn này thì tôi tin là kết quả của chúng ta không chỉ dừng lại ở con số 7,5 triệu như năm vừa rồi mà có thể đạt kết quả cao hơn.

* Ngoài công tác xúc tiến, theo ông quảng bá du lịch Việt Nam theo kênh nào và hình thức nào hiệu quả?

- Ông Vũ Thế Bình: Xúc tiến du lịch không phải chỉ có quảng bá mà là một hoạt động đa dạng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Ngay cả việc xây dựng những sản phẩm du lịch cũng nằm trong công tác xúc tiến. Sản phẩm có hấp dẫn hay không, có đặc biệt hay không, có khác biệt với các nước trong khu vực hay không thì mới thu hút được khách.

Như vậy, đầu tiên là phải xây dựng được những sản phẩm tốt; thứ hai là đẩy mạnh việc giới thiệu những dịch vụ du lịch tốt của một nước thì mới phục vụ được cho người ta; thêm nữa là cơ sở vật chất, đặc biệt là văn hóa truyền thống…

Tất cả những điều đó đều phải được hoạch định rõ ràng và phải xây dựng những kế hoạch xúc tiến một cách bài bản.

Đặc biệt hơn nữa, nếu ta phục vụ tốt 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến đây thì mỗi một người khách đó sẽ trở thành một người tuyên truyền, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam cho toàn thế giới thì sẽ không có hình thức xúc tiến nào tốt hơn hình thức này nữa.



* Là người đi và nghiên cứu nhiều về du lịch, vậy thì so với các nước, ông thấy đâu là điều mà du lịch nước ta còn hạn chế và cần phải khắc phục?

- Ông Vũ Thế Bình: Hạn chế nhất của du lịch nước ta là vấn đề nhận thức.

Chúng ta thường nói về phát triển du lịch nhưng bản thân những hành động của các cấp chính quyền chưa rõ ràng.

Thêm vào đó, bản thân những người dân sống dựa vào du lịch cũng rất nhiều. Nhiều vùng chuyên làm du lịch thôi nhưng bản thân họ lại không bảo vệ môi trường, họ gây nên mất an ninh, an toàn.

Họ lại làm tất cả những điều gây cho du khách những thất vọng… Điều đó cũng là do nhận thức.

Thứ hai là phải đầu tư. Trên đời này không có cái gì tự nhiên phát triển mà thiếu sự đầu tư. Nhà nước cần phải đầu tư cho du lịch chứ.

Đầu tư cái gì? Đó là đầu tư xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng để du khách có chỗ ăn, chỗ ngủ và chỗ đi lại.

Đó là điều tối thiểu mà nước nào cũng phải làm. Mà đầu tư đó cần phải đầu tư ngay từ nguồn thu của ngành du lịch.

* Từ những cơ sở mà chúng ta đã gầy dựng được trong năm 2013 cũng như từ trước nay thì ông có hy vọng gì về bức tranh du lịch Việt Nam trong năm 2014 này?

- Ông Vũ Thế Bình: Tôi rất tin tưởng rằng du lịch Việt Nam trong năm 2014 sẽ phát triển mạnh hơn.

Những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong năm 2013 nó đã là một tiền đề rất lớn để cho du lịch năm 2014 phát triển.

Với quyết tâm cao của cả toàn ngành, đặc biệt là hệ thống 20.000 doanh nghiệp du lịch, dứt khoát du lịch của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa.

Với sự hưởng ứng của chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng du lịch thì hoàn toàn yên tâm rằng có thể nhanh hay chậm, nhưng du lịch chắc chắn sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của chúng ta trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông!
Theo voh.com.vn