Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Sapa ngày nắng giữa mùa đông

Những ngày đông này, khi tới Sapa, nếu may mắn, bạn sẽ được chứng kiến sự chuyển biến của thời tiết của các mùa trong cùng một ngày: mưa, nắng, lạnh và mây mù.

Độc giả Hoàng Thanh Tuyền chia sẻ cảm xúc từ những chuyến đi tới miền đất đầy sức cuốn hút.


Nhà thờ đá Sapa, dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại vẹn toàn nhất ở Sapa.


Thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa), thuộc bản Cát Cát, cách thị trấn Sapa khoảng 3km.


Cảnh vật trên núi Hàm Rồng.






Lác đác hoa đào nở sớm.


Bạn có thể đi bộ quanh thị trấn để cảm nhận cuộc sống nơi đây. Tuy nhiên, để thấy được hết vẻ đẹp của nơi này, bạn nên đến Ô Quy Hồ.


Ô Quy Hồ là con đèo vắt ngang qua đỉnh dốc cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn nối Lào Cai sang Lai Châu và cũng là một trong Tứ đại đỉnh đèo.


Trên đường lên đèo Ô Quy Hồ, bạn sẽ bắt gặp những biển mây như thế này.


Điểm dừng chân tại khúc cua đèo Ô Quy Hồ.


Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ.


Đồ nướng là một trong những đặc sản mà khách du lịch rất thích khi đến thị trấn mù sương này.




Độc giả Hoàng Thanh Tuyền
h2tuyen...@gmail.com

Read More...

Putrajaya - Khi thiên nhiên ngủ yên bên cuộc sống hiện đại

Nằm cách trung tâm Kular Lumpur 30km, thành phố thông minh Putrajaya như một kỳ quan hiện đại mà người Malaysia luôn tự hào khi giới thiệu đến bè bạn bốn phương.



Được hình thành từ năm 1995 và mất 3 năm để đưa vào hoạt động, Putrajaya đã viết nên một chương mới trong lịch sử phát triển các thành phố hiện đại của Malaysia. Thành phố này là thủ phủ hành chính của chính quyền liên bang Malaysia và được đặt trong Multimedia Super Corridor (MSC) – một kiểu mẫu thành phố - vườn với một hệ thống mạng thông tin phức hợp dựa vào công nghệ đa phương tiện



Nhiệm vụ tạo ra thành phố mới được trao cho công ty cổ phần Putrajaya. Các nhà phát triển được sát nhập để đảm nhận dự án này. Trong vòng 36 tháng từ một khu đất trống Putrajaya đã xuất hiên một thành phố được thiết kế chuẩn chỉnh với những tòa cao ốc, những khu nhà ở kết hợp sân vườn, những công viên và mỹ quan đô thị. Hệ thống mạng giao thông toàn diện giúp việc di chuyển trong thành phố trở nên thuận tiện hơn và kết nối Putrajaya đến với các khu trung tâm đông dân của quốc gia. Putrajaya cũng chính là thành phố hiện đại bậc nhất với mạng viễn thông tối tân và các tiện ích công cộng.



Hiện nay, hơn 2.000 hecta công trình đã được hoàn thành bao gồm các tòa nhà chính phủ và khu dân cư. Công ty cổ phần Putrajaya đang tập trung phát triển các tổ hợp khu dân cư và thương mại với các khu Trung tâm kinh doanh (CBD) ở giữa hòn đảo nhằm cung cấp những văn phòng cao cấp và các không gian mở



Hầu hết các khu dân cư được phát triển theo khu và có tổng cộng 67.000 ngôi nhà được xây dựng cho thành phố. Từ đầu năm, Putrajaya đã triển khai dự án nhà ở tại 18 khu dựa vào ý tưởng của một “vườn resort” với rất nhiều ngôi nhà xung quanh hồ Putrajaya. Các ngôi nhà bên hồ được xây dựng riêng biệt và có diện tích từ 2.420 – 3.410 feet vuông.Các khu cao cấp bao gồm công viên, trường học, khu mua sắm, sân golf và hệ thống giao thông công cộng tích hợp - tất cả mang đến một môi trường “sống - làm việc” lý tưởng.



Hồ Putrajaya là nét độc đáo riêng biệt của thành phố. Với diện tích khoảng 650 hecta nhưng thực chất chỉ là một bể hứng nước thay cho một đầm lầy trước kia. Tại đây các dịch vụ tàu thuyền du lịch được sử dụng để phục vụ cho việc tham quan thành phố bằng tàu perahu truyền thống của người Malaysia hoặc bằng các du thuyền sang trọng với những bữa ăn đắt tiền. Các tour du lịch bằng hình thức này cũng bao gồm: thuyền đôi, tàu du lịch, dùng bữa tối trên tàu hay các thuyền tư nhân dành cho các sự kiện.

Nếu chỉ là một phức hợp những công trình hiện đại thì Putrayaja đã không trở thành niềm tự hào của Malaysia. Điểm nhấn làm Putrajaya trở nên “là một, là riêng, là thứ nhất” chính là những giá trị truyền thống đang hiện hữu trong mọi ngõ ngách của thành phố. Những ngọn đèn đường cách điệu như những bó đuốc vĩnh cửu soi sáng cho toàn thành phố. Hay ghé thăm đền thờ Hồi giáo Masjid Putra vào buổi hoàng hôn, du khách sẽ bàng hoàng trước một công trình tôn giáo khổng lồ. Mái vòm củ hành màu hồng soi bóng xuống mặt hồ trong veo, tạo nên cảnh sắc vô cùng kỳ ảo.



Một điểm quyến rũ khác của thành phố Putrajaya là sự ra đời của những chiếc cầu bắc qua hồ Putrajaya hiện đại và mỹ thuật. Chẳng hạn như cầu Putra với tổng chiều dài 435m gồm 5 nhịp là chiếc cầu hai tầng đầu tiên tại Malaysia được xây dựng theo kiến trúc của chiếc cầu Khaju nổi tiếng ở Isfahan, Iran. Tầng trên là đại lộ, nối liền Dutaran Putra với văn phòng của Thủ tướng chính phủ. Tầng thấp được sử dụng cho các dịch vụ đường hầm, tàu điện ngầm và đường dành cho người đi bộ. Hay như cầu Seri Gemilang với những tháp truyền thống được trang trí bằng đá cẩm thạch và vàng.





Nằm cạnh thủ đô Kuala Lumpur và sân bay quốc tế KL của Malaysia và có rất nhiều phương tiện giao thông thuận tiện để đến đây bao gồm xe buýt, taxi, tàu lửa và đường cao tốc. Trong vòng vài năm tới, Putrajaya sẽ hơn cả một thủ đô hành chính như dự định ban đầu, nơi này sẽ tập trung các khu dân cư, thương mại, là môi trường làm việc và sinh sống đẳng cấp hàng đầu thế giới. “Niềm tự hào Malaysia” chính là bài học quý báu về kiến thiết thành phố kết hợp với giữ gìn môi trường.



Tư liệu: Du Lịch Việt

Read More...

Những điều không nên làm khi tới Italy

Nếu không muốn gặp phải ánh mắt thiếu thiện cảm của dân bản xứ, hãy tham khảo lời khuyên sau!

1. Mặt trang phục hở khi tới Vatican

Người dân Italy có thể vô cùng sexy, quyến rũ trên đường phố nhưng khi tới Vatican, họ ăn mặc kín đáo. Vatican, thánh đường của đạo Thiên chúa, được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất thế giới. Bất cứ trang phục nào không che tay, hở vai, không phủ quá đầu gối đều không được chấp nhận khi tới chốn này. Nếu bạn không mang theo trang phục kín, hãy cho một chiếc khăn và túi xách để khoác lên vai khi tới đây và đặc biệt là khi qua cổng kiểm tra vào thánh đường San Pietro.



2. Hy vọng người Italy sẽ làm việc đúng giờ

Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đúng giờ khi bạn ở Italy, bởi người dân ở đây đặc biệt thích “cao su”. Ví dụ bạn mua tour du lịch khởi hành thăm đấu trường Colosseum lúc 4 giờ chiều, khả năng rất cao là bạn sẽ bắt đầu hành trình lúc 4 giờ 30. Các phương tiện giao thông cũng có thể bất ngờ không hoạt động vào một ngày nào đó trong tuần vì vậy bạn cần kiểm tra thật kỹ thông tin trên website trước khi lên đường. Các cơ quan hành chính của Italy cũng không ngoại lệ, họ thường làm việc muộn giờ, đóng cửa thất thường vào các ngày trong tuần!

3. Gondola hay traghetto?

Bất cứ ai đến Venice cũng muốn một lần được ngồi trên chiếc thuyền Gondola (thuyền dài, mũi cong, đặc trưng Venice), đi dạo trên những dòng kênh. Nhưng cái giá “cắt cổ” của loại thuyền này khiến nhiều du khách đầu hàng. Một số thuyền Gondola tính phí tới 65 USD/người (1.300.000 đồng). Nếu bạn không có tiền chi trả chuyến du hành này, hãy thuê một chiếc traghetto thay vì gondola. Traghetto là loại thuyền mà người dân Venice thường sử dụng để đi lại trên dòng kênh chính. Chuyến đi sẽ ngắn hơn những chiếc traghetto này hầu như không khác gì chiếc gondola (trừ một số loại hoa văn trang trí), và giá vé chỉ khoảng 5 USD/người (100.000 đồng).

4. Thuê xe tự lái ở Italy

Nếu bạn muốn tự mình khám phá Italy, hãy cân nhắc kỹ. Đường phố ở đất nước này thường nhỏ, hẹp, gập ghềnh và ngoắt nghéo với nhiều đoạn đường núi đòi hỏi tay lái vững. Càng về phía Nam, đường càng xấu và khó đi. Vì vậy, nếu chưa tự tin vào khả năng cầm lái của mình, hãy mua vé tàu hoặc xe bus!



5. Ăn spaghetti alla Bolognese ở Napoli

Khi bạn ở Italy, bất cứ quán ăn nào cũng mời gọi và tự đề biển “đặc sản Italy”. Đừng hy vọng là ở bất cứ đâu, món spaghetti hay pizza cũng ngon như bạn mong muốn. Cách tốt nhất để thưởng thức đặc sản Italy là “nơi nào, thức ấy”. Hãy tìm hiểu một chút kiến thức ẩm thực Italy để biết lựa chọn món ăn ngon nhất ở mỗi vùng. Chẳng hạn ở Napoli, hãy gọi pizza vì đây là quê hương của món ăn này, ở Bologna hãy gọi spaghetti alla Bolognese, ở Parma hãy gọi các món với pho mát…



6. Cho tiền boa

Tiền boa (tip) không phải là một phần của văn hóa Italy. Vì vậy khi đến các nhà hàng, quán xá ở Italy, bạn không nhất thiết phải để lại tiền boa. Hãy chỉ boa cho những dịch vụ mà bạn thực sự thấy tốt và khiến bạn hài lòng.

7. Hỏi xin pho mát để cho lên mỳ pasta hải sản

Một trong điều tối kỵ trong truyền thống ẩm thực Italy là trộn chung pho mát với hải sản. Vì vậy, đừng bao giờ xin bồi bàn một miếng pho mát ăn kèm với món mỳ hải sản. Cũng đừng bao giờ để người Italy thấy bạn dùng dao, dĩa cắt nhỏ spaghetti!

8. Không học dù chỉ một từ tiếng Italy

Người Italy là một trong những dân tộc nói tiếng Anh vào loại kém trên thế giới. Vì vậy, đừng nghĩ rằng nếu bạn đã nói tốt tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ thông trên toàn thế giới, bạn có thể xoay sở tại Italy! Tất nhiên, với tiếng Anh, bạn có thể check in khách sạn, hay gọi món trong nhà hàng nhưng nếu muốn mua các món ăn đường phố, hỏi đường, hỏi bến tàu, ga xe điện, hãy học tiếng Italy hoặc ngôn ngữ cử chỉ thật nhuần nhuyễn!




xzone.vn

Read More...

Triệu năm núi lửa Lý Sơn

Đảo Lý Sơn trông xa như một chiến hạm nổi giữa biển. Tiến gần hơn một chút thì thấy “chiến hạm” ấy chứa trong lòng nó 5 “con tàu” nhỏ gồm 5 ngọn núi, mỗi ngọn núi là một miệng núi lửa.

3 hòn 2 núi

Dân Lý Sơn đặt cho 5 ngọn núi hình thành nên hòn đảo của mình bằng “3 hòn” và “2 núi”. Hòn thì có hòn Vung, hòn Tai, hòn Sỏi; núi thì có Thới Lới và Giếng Tiền. Tất cả đều là núi nhưng ngọn nào nhỏ thì được gọi là “hòn”, còn lớn hơn thì gọi là núi. Trên đỉnh của những ngọn núi này đều để lại dấu vết rất rõ về những đợt phun trào nham thạch từ hàng triệu năm trước.

Mỗi ngọn núi đều có một chiếc “phễu” khổng lồ trên đỉnh, tức các miệng núi lửa. Dựa vào cấu tạo địa chất của từng núi, ta có thể đoán được chúng không phun trào cùng lúc. Bằng chứng là, hòn Vung, hòn Tai hay Giếng Tiền thì đất đỏ, còn núi Thới Lới thì phần lớn là đá. Bản thân núi Thới Lới, địa chất ở đây cũng cấu tạo rất lạ, chỗ thì trùng trùng lớp lớp đá rắn đùn lên nhau, chúng nằm phủ phục bên nhau như những con cá sấu rình mồi; nơi thì “mềm mại” như bọt đường đang trào ra khỏi chảo. Điều ấy chứng tỏ, để hình thành ngọn núi này, hàng trăm đợt phun trào nham thạch diễn ra trong nhiều năm, mỗi đợt phun trào để lại một lớp địa chất khác nhau.


Đồng tỏi Lý Sơn nhìn từ miệng núi lửa.

Trong 5 ngọn núi ấy thì Hòn Tai và Tới Lới mang dấu ấn rõ nhất về những cơn biến động của tạo hóa thuở khai thiên lập địa. Hòn Tai nằm ở phía tây, hiện còn sót lại một mỏm đá, trông xa như đầu con rùa đang chuẩn bị thụt vào cổ. Cách ngọn núi này chừng 3 cây số đường biển là đảo Bé. Có giả thiết cho rằng, sau một cơn địa chấn cực mạnh, hòn Tai bị vỡ ra. Một mảng của ngọn núi này văng về phía tây, hình thành nên đảo Bé.

Bằng chứng là, đảo Bé không có miệng núi lửa nào. Ở rìa phía đông của đảo Bé, hình thù của nó rất giống với hòn Tai. Nếu kéo đảo Bé “dính” lại với hòn Tai, chỗ khớp nối phần phía đông của đảo với nơi “đầu rùa” của hòn Tai sẽ vừa khít. Đó cũng chỉ là giả thiết của người trần mắt thịt, còn với các nhà khoa học, đi tìm câu trả lời vì sao đảo Bé lại không có miệng núi lửa, vì sao cấu tạo địa chất nơi phía đông của đảo lại giống với phía tây của hòn Tai, luôn là một thử thách. Còn núi Thới Lới, ngọn núi lớn nhất của đảo Lý Sơn lại hàm chứa trong lòng nó nhiều điều bí ẩn kỳ thú để nó mãi mãi trở thành điểm tựa cả về mặt địa lý lẫn tâm linh của hơn hai vạn dân trên đảo suốt nhiều thế kỷ qua.

Tiếp cận miệng núi lửa

Ngược đỉnh Thới Lới bằng xe máy bây giờ không một chút dễ dàng dù rằng đường lên miệng núi lửa này đã được tráng nhựa. Độ dốc quá lớn, lại cheo leo giữa lưng chừng vách đá nên nó luôn mang lại cho người đi xe máy một cảm giác bất an. Trên đường lên miệng núi lửa, lẫn trong những lớp đá điệp trùng xù xì da cá sấu là những “đốm sáng” thưa thớt. Chúng di động trên những mỏm đá cheo leo để nhấm nháp hương vị của các loại cây chịu hạn. Đó là những chú dê núi. Loài dê gắn với ngọn núi này ngay từ thuở lọt lòng nên “thuộc” từng viên cuội, nếu không, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ chúng sẽ phải trả giá đắt khi lăn từ độ cao hàng trăm mét xuống chân núi.


Chuẩn bị vào vụ tỏi ở Lý Sơn.

Khi lên tới đỉnh núi Thới Lới, bất ngờ hiện ra một lòng chảo khổng lồ. Trong lòng chảo ấy luôn có một đàn bò bình yên gặm cỏ. Chúng kết bạn với đàn cò “ăn theo”, tạo cái cảm giác bình yên đến vô ưu. Nhìn từ miệng núi lửa này, cánh đồng tỏi Lý Sơn đang vào vụ, trông chẳng khác nào một bức tranh với nhiều mảng màu đỏ - trắng rất bắt mắt. Màu đỏ là lớp đất bazan được lấy từ các miệng núi lửa về rải lên đồng tỏi, màu trắng là lớp cát được lấy từ biển về “bón lót” trước khi đặt những tép tỏi giống xuống đất, còn màu xanh là những luống cây phân định các bờ thửa bờ vùng. Hai loại đất cát trắng - đỏ ấy, với những đặc thù của nó đã làm nên hương vị độc đáo, không trộn lẫn của tỏi Lý Sơn với các loại tỏi ở những nơi khác.


Núi Thới Lới - nơi có miệng núi lửa lớn nhất.

Lòng chảo của núi Thới Lới lớn bằng một sân vận động cỡ vừa. “Sân vận động” này nguyên là một hồ nước được hình thành sau những đợt phun trào nham thạch. Thế nhưng, khi mực nước trong hồ đã đầy, chúng bèn xé toạc một bên, nơi có lớp địa chất yếu nhất để đổ ra biển. Hệ quả của việc này để lại cho Lý Sơn một địa danh: suối Chình. Đây là con suối duy nhất của đảo mà mỗi mét vuông đất dọc theo nó đều trầm tích một huyền thoại về lịch sử khai phá hòn đảo này của người xưa.

Những hiện vật thu được sau các đợt khai quật khảo cổ học dọc theo suối Chình đã giải mã nhiều điều về lớp cư dân cổ xưa cách nay cả ngàn năm trên đảo và để lại cho hậu thế những bài học quý giá về cách chống chọi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Các lão nông ở Lý Sơn kể rằng, trước năm 1945, miệng núi lửa trên đỉnh Thới Lới nguyên là một cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý. Tuy nhiên, cánh rừng nguyên sinh ấy giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người già.

Để lấp vào chỗ trống của miệng núi lửa giờ thành đồng cỏ cho đàn bò, người ta đã “bít” lối thoát nước xuống suối Chình, tạo ra một hồ nước nhân tạo với hy vọng nó sẽ trở thành chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ cho hòn đảo bốn mùa thiếu nước ngọt này.

Trông vời trời nước

Nhiều lần ra Lý Sơn rồi ngược núi Thới Lới để đặt chân lên miệng núi lửa, những lúc trời quang, tôi cố nhìn về hướng đông bắc xem thử có một chấm nhỏ nào của mảnh đất thiêng liêng được mang tên Hoàng Sa không, nhưng chỉ thấy biển xanh xa tít tắp. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”.

“Không thấy về” nghĩa là “ở lại”, nghĩa là thành Tổ quốc. Dù vậy, câu ca đã làm thắt ruột bao người dân đảo suốt mấy trăm năm qua. Dù không nhìn thấy Hoàng Sa từ miệng núi lửa này, song những bậc tiền nhân của đảo Lý Sơn đã “thấy” Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước, thấy cả trong tâm tưởng lẫn trong thực tế. Chính mảnh đất một thời là “hỏa diệm sơn” ấy đã hun đúc nên sự can trường của ngư dân Lý Sơn.

Bằng những chiếc thuyền câu mỏng manh, chỉ dùng tay chèo thôi mà vượt trùng khơi để có mặt ở “dải cát vàng” ngay từ thời ông bà mình đi mở đất. Không phải ngẫu nhiên mà chúa Nguyễn, rồi các vua nhà Nguyễn, đã tin cẩn giao trách nhiệm cho dân Lý Sơn làm nhiệm vụ tiên phong trong việc chinh phục biển Đông, trong đó có Hoàng Sa.

Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi trầm tích những vỉa tầng văn hóa ngàn đời của cha ông. Lửa trên 5 ngọn núi của đảo đã tắt từ hàng triệu năm rồi nhưng ngọn lửa yêu nước thì vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng dân Lý Sơn, như hai tiếng Hoàng Sa chưa bao giờ lụi tắt trong tâm khảm của cả triệu triệu người dân Việt.

Theo Thanh Niên

Read More...

Vùng hoa Mê Linh khoe sắc trong giá rét

Ruộng cúc đủ màu sắc vàng, đỏ thẫm, trắng phau nở rộ bên vườn hoa violet tím ngắt tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ dưới ánh nắng hiếm hoi cuối đông tại vùng hoa Mê Linh, Hà Nội trong giá rét.

Gần 3 tuần nữa mới đến tết Quý Tỵ 2013, nhưng trên những cánh đồng hoa Mê Linh, Hà Nội nhiều ruộng hoa đã nở rộ, khoe đủ sắc màu trong cái rét hơn 10 độ C.



Ruộng hoa cúc đủ màu khoe sắc rực rỡ trong giá rét. Ảnh. Xuân Hải.

Cần mẫn ngắt những bông hoa cúc đóa nở vàng rực trên thửa ruộng, anh Nguyễn Văn Bình, ở thôn Hạ Lôi, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Ruộng hoa nhà tôi trồng để bán vào đầu tháng chạp (1/12), tuy nhiên do thời gian qua trời rét đậm nên hoa không nở đúng như theo mong muốn của gia đình. Gần 1 tuần nay, trời ấm dần hoa bắt đầu nở rộ nên tôi phải tranh thủ thu hoạch để đem ra chợ hoa của xã để bán, nếu thời tiết như mọi năm, hoa nở đúng như tính toán của gia đình khi bán sẽ có giá trị kinh tế cao hơn".



Anh Nguyễn Văn Bình, bên ruộng hoa nở vàng rực. Ảnh. Xuân Hải.

Khác với cảnh hoa nở rộ trên ruộng hoa nhà anh Bình, ruộng hoa cúc đóa vàng của nhà bà Trần Thị Hà, ở thôn Văn Lôi, xã Mê Linh, lại đang hé nụ. Đôi tay thoăn thoắt ngắt bỏ những mầm chồi đang mọc trên kẽ lá, bà Hà cho hay, thời tiết thay đổi, rét đậm kéo dài nên hoa nở không như dự kiến, chỉ còn gần 3 tuần nữa đến tết Nguyên đán nên bà phải ngắt bỏ những mầm chồi non để kích thích cho bông hoa cúc cành nở kịp để bán tết.


Bà Hà đang tỉa những mần chồi trên kẽ lá để kích thích cho hoa nở kịp vào dịp tết nguyên đán sắp tới. Ảnh. Xuân Hải.

“Do rét đậm kéo dài nên hoa nở không kịp đế bán tết, hiện tại giá mỗi bông cúc bán tại ruộng đã từ 1,5 – 2 nghìn đồng/bông, nhiều ruộng hoa trồng để bán vào mồng một tháng chạp nhưng do trời rét nên đến nay hoa mới nở rộ như vậy. Nếu rét đậm kéo dài như mấy tuần trước thì tết nguyên đán năm nay chúng tôi sẽ không có hoa đế bán như vậy đời sống sẽ người trồng hoa thêm khó khăn”, bà Hà than thở.

Cùng PV báo điện tử Infonet ngắm những sắc màu vùng hoa khoe sắc trong giá rét:















Xuân Hải

Read More...

Kiệt tác 10.000 hang động trong vách núi

10.000 hang động cổ xưa trong lòng núi là kiệt tác bí ẩn của người dân Nepal cổ đại.

Mustang, vương quốc cổ xưa nằm ở miền Bắc đất nước Nepal là một trong những di chỉ khảo cổ bí ẩn nhất mọi thời đại. Trong những nơi trú ẩn đầy bụi, đá sa huỳnh, được gió cát ngàn năm bào mòn, nằm ẩn sâu trong dãy Himalaya, gần con sông Kali Gandaki là một hệ thống hang động hùng vĩ nhất, lạ kỳ nhất mà con người từng chứng kiến.





Những hang động này nằm trên vách núi, một số là hang động biệt lập, với cửa hang mở rộng. Một số khác nối liền với nhau thành các nhóm hang động thông qua những hốc nhỏ. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những hang động này đều có tuổi đời lên tới cả nghìn năm. Số lượng hang động ở Mustang cũng khiến mọi du khách và nhà nghiên cứu choáng ngợp: 10.000 hang động.

Điều bí ẩn nhất của các hang động này là không ai biết được chính xác những người đã xây dựng nên kiệt tác trong núi đá này hay lý do vì sao họ xây chúng. Làm thế nào để những con người thời cổ đại làm nên một số lượng khổng lồ nơi trú ẩn trên vách và làm sao để leo lên đó cũng là bí ẩn không lời giải đáp, bị lớp bụi thời gian che mờ.





700 năm trước, khi Mustang được phát hiện, bỏ hoang, bụi mờ, người dân Nepal lập tức tôn vinh nơi đây như một thánh địa, một trung tâm Phật giáo và nghệ thuật. Người dân kéo đến khu vực dưới chân núi sinh sống bằng nghề buôn muối. Mustang trở thành một cửa ngõ buôn bán giữa Tây Tạng xa xôi và thế giới bên ngoài.

Đến thế kỷ 17, muối không còn quý hiếm như trước, việc kinh doanh, buôn bán từng một thời thịnh vượng của Mustang dần lụn bại. Người dân rời thị trấn, để lại Mustang ngày nay: những tàn tích vĩ đại hoang vắng của con người, ẩn sâu trong lòng núi cao hiểm trở.








Để vào được khu vực di chỉ Mustang, những nhà leo núi thám hiểm và nhà khoa học phải theo một đường mòn dọc bờ sông Kali Gandaki. Vì địa thế nơi đây quá hiểm trở, việc tìm kiếm, đào bới trở nên khó khăn. Theo ước tính của các nhà khoa học, còn rất nhiều hang động chưa được khám phá.







Theo Xzone

Read More...

"Thác trời" huyền bí giữa đại ngàn

"Thác trời" là dòng thác gắn liền với những truyền thuyết kỳ lạ giữa núi rừng trùng điệp. Từ trên cao, nước ào ào đổ tràn xuống những tảng đá nằm hàng ngang, tung bọt trắng xóa, nương theo bờ dốc chảy xuống triền đá bên dưới biến thành ngọn thác khác uy vũ, mạnh mẽ như chính cái tên thiên giới ban tặng.

Truyền thuyết về thác nước huyền thoại

Khánh Hòa được nhiều người biết đến với vùng biển xanh tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, dòng thác Yang Bay huyền bí tạo ra sự thú vị trong cuộc hành trình khám phá. Thác Yang Bay nằm giữa thung lũng núi rừng cách thành phố Nha Trang khoảng 45km (thuộc xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Thác Yang Bay - theo tiếng Raglay có nghĩa là "Thác Trời". Thác Yang Bay như dải lụa trắng từ trên bầu trời thả xuống giữa rừng nguyên sinh, được bao bọc bởi những dãy núi xanh bạt ngàn, tạo nên nét quyến rũ rất khó quên cho bất cứ ai từng đặt chân đến dòng thác huyền thoại này.

Truyền thuyết về dòng thác bí ẩn này từ bao đời vẫn là điều cuốn hút, được nhiều người già trong làng kể lại: Trên đỉnh núi Gia Kang cao khoảng 900m có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng. Lúc bấy giờ, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống trần dạo chơi. Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi. Thời gian trôi qua, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng tức giận hoá phép biến Cau Sơn thành đá nhưng nàng vẫn nhất quyết ở lại trần thế để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sinh sống và nuôi con.

Ngọc Hoàng đã trừng phạt Cau Sơn nhưng con gái vẫn không chịu quay về. Ngọc Hoàng cho rằng, hạ giới đã giữ nàng tiên út ở lại nên nổi trận lôi đình quyết ra tay trừng phạt. Từ đó, Ngọc Hoàng ra lệnh không cho giọt nước nào rơi xuống trần gian. Vì thế, trần gian xảy ra nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn.

Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện, ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đã đào, vừa nhảy vừa kêu than ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về, nó cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo. Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng hối hận và cảm động, nước mắt chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, còn chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út. Và để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời sau đã đặt tên cho thác nước lớn ấy là Yang Bay (Thác Trời).


Nhiều người tìm đến "Thác Trời" để được khám phá những điều huyền bí nơi đây.

Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Gia Kang đổ xuống chân núi lập tức chia làm hai, một dòng hoà với nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ cao hơn bình thường, một dòng giữ nguyên sự mát trong hoà vào sông suối. Người dân nơi đây thường ví hai dòng một nóng, một lạnh này như hai dòng sữa mẹ, tạo nên hình hài thác Yang Bay vừa hoang sơ mãnh liệt, vừa tiềm ẩn vẻ đẹp liêu trai của dòng chảy huyền bí "Thác Trời". Nằm lọt thỏm giữa cánh rừng đại ngàn, “Thác Trời” như một con rắn nhỏ uốn lượn quanh những bản làng, thôn ấp, trườn bò giữa rừng cây rậm rạp, vượt qua cồn đá lúc dựng ngược, lúc đổ dốc tạo thành những thác nước gập ghềnh nối tiếp nhau chảy ào ào tung bọt trắng xoá.

Vẻ đẹp huyền bí của "dòng thác tiên"

Người dân mở con đường đến thác, có đoạn phải xuyên ngang qua những ngọn núi bởi vậy mà cảnh vật trở nên thơ mộng giữa chốn mây ngàn. Thác từ trên cao, chen trong cánh rừng đại ngàn tạo ra những dốc thác khác nhau, mỗi dốc thác lại có nhiều hồ lớn nhỏ, nước trong veo. Kế tiếp dòng thác Yang Bay là một thác nhỏ với độ cao 10m trải dần xuống, chân thác là một hồ nước cạn, rộng mênh mông, có thể nhìn thấy lớp cát đá bên dưới. Hai bên bờ suối là những phiến đá lớn nằm dưới tán lá rừng, xung quanh là cây cảnh với nhiều sắc hoa rực rỡ. Men theo con đường dưới tán rừng xuyên qua những hàng cây rợp bóng là đường lên đến đỉnh thác. Đến đây, dòng thác dần hiện ra với những nét quyết rũ như một thiếu nữ làm duyên trên lưng chừng núi, rồi bỗng đột ngột chuyển mình thành dòng thác mạnh mẽ đổ ào xuống, nước tung trắng trời như suối tóc của nàng tiên, hay chiếc khăn hờ hững vắt ngang núi rừng.

Nước giữa lòng thác cuộn trong vắt chảy quanh năm, đứng trên sườn dốc có thể nhìn thấy những viên đá cuội xinh xắn, đủ màu khoe mình trên cát. Tôn tạo thêm nét đẹp của dòng thác là hàng ngàn, hàng vạn viên đá, khối đá lớn nhỏ với đủ mọi hình thù được tạo hóa sắp xếp một cách hài hòa, khéo léo. Ngoạn mục nhất có lẽ là những ngày nắng sau mưa, nước chảy mạnh, tung bọt trắng như những đóa hoa khổng lồ, những tảng đá lớn phản chiếu ánh mặt trời xuyên qua màn hơi nước tạo thành vô số cầu vồng nhấp nhô giữa rừng cây làm thành bức tranh tuyệt đẹp.

Từ bên dưới nhìn lên cao, "Thác Trời" cuồn cuộn chảy, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao đục màu phù sa như muốn nuốt chửng bình nguyên và những cánh rừng nơi đây. Tiếng nước va vào đá hoà với tiếng gió gào thét làm náo động cả một góc rừng. Mùa xuân, dòng thác êm đềm, nước trong mát, những tia nắng ban mai chiếu rọi khắp khu rừng, cảnh vật xanh tươi mơn mởn, hoa rừng nở rộ khoe sắc hai bên bờ sông. Về đêm, mặt thác lung linh dưới ánh trăng, cỏ cây, hoa lá và con người như hoà quyện với nhau, tiếng suối trong như tiếng hát...

Trên đỉnh thác Yang Bay cao khoảng 100m so với biển nên có khí hậu mát mẻ và trong lành. Từ đây có thể nhìn rõ vẻ đẹp tuyệt diệu của thác nước hùng vĩ, từ phía trên cao nước ào ào đổ tràn xuống những tảng đá nối hàng ngang, tung bọt trắng xóa rồi chảy xuống triền đá bên dưới thành ngọn thác khác hùng vĩ và quyến rũ. Cảnh thác nước vừa tạo nên vẻ kỳ bí vừa tạo nên những nét hoang sơ, thuần khiết nơi dòng suối trong mát đưa người thưởng lãm vào một thế giới hư hư thực thực.

Dòng nước dưới chân thác trong suốt, khiến ta có thể nhìn thấy rõ những tảng đá dưới tận đáy hồ. Nhiều người đến thưởng ngoạn đều thích thú trải nghiệm với dòng nước mát lạnh, thỏa thích vùng vẫy dưới làn nước trong xanh của thác Yang Bay huyền thoại. Khách bộ hành có thể theo đường đá lên đỉnh thác ngắm cảnh nước non, mây trời hùng vĩ, hoặc ngồi xuống những phiến đá lớn nhẵn bóng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiền hòa của dòng nước trước khi cuồn cuộn đổ xuống. Thảm thực vật ở hai bên bờ xanh ngắt, dòng nước êm đềm, nhẹ nhàng trườn qua những tảng đá già cỗi, đem lại cảm giác thật nhẹ nhõm cho người thưởng lãm chốn núi non tuyệt mỹ.

Nhưng sự hấp dẫn của Yang Bay còn ở ý tưởng chinh phục. Nhiều người đã từng tới đây và tạo ra con đường nhô lên cao dần, phải vượt qua những mỏm đá cheo leo để đi lên đỉnh thác. Khi tới đỉnh, vượt qua "hồ của thác" sẽ tới nơi tuyệt diệu nhất của dòng thác huyền thoại. Hồ nước sạch, nước chỉ chừng nửa mét. Vượt qua dòng nước ấy là bước vào thế giới của đại ngàn ở bờ bên kia, nơi đó có những cây đại thụ che rợp mát, dưới bóng cây là thảm lá rụng... khiến ta có cảm giác như lạc vào vườn thượng uyển, cảnh của xứ sở thần tiên.

Bên thác nước thơ mộng, người thưởng lãm còn được thưởng thức những món ngon của vùng núi rừng thật sự thú vị, hấp dẫn được chế biến từ thịt cá sấu, đà điểu. Bên cạnh đó, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc khi thưởng thức những bản nhạc rộn ràng từ nhiều loại nhạc cụ khác nhau của người dân nơi đây. Yang Bay trở thành địa danh nổi tiếng với cảnh vật thiên nhiên còn giữ được nét hoang sơ, quyến rũ với nét duyên của chốn đại ngàn hùng vĩ.

(Theo NĐT)

Read More...

Chiêm ngưỡng 10 kiến trúc “dị” nhất thế giới

Kiến trúc thời hiện đại đã sản sinh ra rất nhiều tòa nhà lạ lùng trên thế giới.


Ngôi nhà với những khối hình lập phương ở TP Rotterdam, Hà Lan được xây dựng bởi kiến trúc sư Piet Blom.



Tòa nhà nhảy múa nằm ở trung tâm TP Prague, CH Séc được hoàn thành vào năm 1996, do kiến trúc sư Vlado Milunić (người Croatian-Séc) và Frank Gehry (người Canada) lên ý tưởng.


Tòa nhà có hình dáng giống như những chiếc đĩa bay ở Sanjhih, Đài Loan.


Thư viện công cộng ở TP Kansas, Missouri, Mỹ được thiết kế giống hình những cuốn sách.



Lâu đài Ferdinand Cheval ở Pháp được xây dựng bởi một người đưa thư ở Hauterives, Pháp. Ông định sử dụng tòa lâu đài này để làm ngôi mộ của mình nhưng không được cấp phép.


Tòa nhà Forest Spiral Hundertwasser ở Darmstadt, Đức được xây dựng năm 2000 bởi kiến trúc sư và họa sĩ người Áo, Friedensreich Hundertwasser. Tòa nhà có 105 căn phòng, trang trí nhiều màu sắc.


Bảo tàng Guggenheim, Bilbao, Tây Ban Nha được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Canada Frank Gehry. Hình bóng của tòa nhà giống như một con tàu.


Nhà Thờ Baha'i, ở Delhi, Ấn Độ mang hình dáng một bông hoa sen, được xây dựng vào năm 1986 và là Đền Mẹ của tiểu lục địa Ấn Độ.


Tòa nhà Ripley, Ontario, Canada được thiết kế và xây dựng dựa trên ý tưởng một toà nhà bị rách toạc sau một cơn địa chấn. Ý tưởng ban đầu của nó là nhằm mô phỏng lại cơn đại địa chấn đến 8 độ richter năm 1982 tại nước này.


Tòa nhà Méo Mó, Sopot, Ba Lan được xây dựng và hoàn thành vào năm 2003.

Kim Minh (Theo Interiorholic)

Read More...

Giảm quy mô, tần suất tổ chức các lễ hội

Các lễ hội có quy mô lớn, mang tính sự kiện tổ chức 5 năm một lần theo phương thức xã hội hóa. Các nghi lễ lịch sử cách mạng tổ chức theo định kỳ ngày lễ lớn với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

Sáng 18/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013. Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết, 2012 là năm đầu thí điểm mô hình tổ chức lễ hội đền Trần mới với nhiều thay đổi. Ngày chính hội không còn tình trạng chen chúc đến ngạt thở để xin ấn và sau 3 ngày đã bán gần hết. Ông Bền giải thích do một số người đăng ký "ôm" từ 500 đến 1.000 bản ấn, chờ lúc hết bán ra với giá cao.

Năm nay, ấn đền Trần vẫn được in bằng giấy thường để giảm chi phí và số lượng in tăng lên, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số nghi lễ xưa kia như lễ rước cá gắn với dân chài diễn ra vào ngày 16/1 âm lịch sẽ được đề xuất khôi phục và tổ chức bên cạnh lễ khai ấn. Việc kinh doanh của các hộ dân cũng sẽ được kiến nghị đẩy lùi xa trung tâm lễ hội, quy hoạch lại, đưa vào những khu vực nhất định.


Năm 2013 Ấn đền Trần sẽ được in nhiều hơn để phục vụ người dân. Ảnh: Bá Đô.

Lễ hội đền Trần bắt đầu từ ngày 14/1 âm lịch với lễ rước theo đúng nghi lễ truyền thống. Sau đó là lễ dâng hương tưởng niệm của các đoàn đại biểu và hoạt động tế tự tại một số nơi. Lễ rước ấn được thực hiện vào lúc 22h, lễ khai ấn diễn ra sau đó một tiếng và phát chín ấn cho bảy di tích liên quan theo truyền thống. Ban tổ chức sẽ làm lễ cúng cho các ấn trước khi phát cho người dân. Để người dân không dồn hết về khu vực đền Trần, các chương trình nghệ thuật sẽ được tổ chức tại một số điểm khác ở thành phố.

Ngày 15/1 âm lịch, ban tổ chức phát ấn cho người dân tham dự lễ hội theo nguyên tắc phân luồng theo hai cửa vào ra và hệ thống hàng rào. Thời gian phát ấn kéo dài từ 7h ngày 15/1 đến 18h ngày 16/1. Mỗi cá nhân chỉ được nhận tối đa hai ấn (người dân địa phương nhận ấn vào 6h30 ngày 15/1), còn các đơn vị, cá nhân đăng ký thì nhận ấn vào thời gian thích hợp.

Ngoài lễ hội đền Trần, năm 2013 cả nước có gần 8.000 lễ hội. Cục Di sản văn hóa cho biết, sẽ giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương. Các lễ hội có quy mô lớn, mang tính sự kiện, lễ hội ngành nghề tổ chức 5 năm một lần theo phương thức xã hội hóa. Các nghi lễ lịch sử cách mạng tổ chức theo định kỳ các ngày lễ lớn với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

"Các địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với nhu cầu du khách. Hòm công đức, lư hương phải được sắp xếp hợp lý, hạn chế hoặc không đốt vàng mã. Nội dung và chương trình nghệ thuật được nâng lên", lãnh đạo Cục Di sản nói.

Cục Di sản văn hóa đánh giá năm 2012 hoạt động văn hóa lễ hội trên cả nước còn nhiều hạn chế, như tình trạng tắc nghẽn giao thông, tệ đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan. Cá biệt có hiện tượng gây bất bình trong dư luận, như diễn viên hát quan họ vừa hát vừa ngả nón xin tiền (hội Lim), dâng và đốt nhiều vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường (chùa Bà Chúa kho, Bắc Ninh).

Nguồn thu từ lễ hội và hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, tạo điều kiện thu lời cho một số cá nhân, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích tương ứng với nguồn công đức hảo tâm của nhân dân...

Hoàng Thùy

Read More...