Vẻ đẹp những cây cầu xứ sương mù
written by TrungLun0112
at Jun 11, 2013
Dù cổ kính hay hiện đại, được xây dựng bằng đủ các chất liệu khác nhau, nhưng mỗi cây cầu ở xứ sương mù luôn là một câu chuyện thú vị về thiết kế, mang một vẻ đẹp độc đáo, khác lạ về kiến trúc, là điểm nhấn kỳ thú cho các dòng sông và vịnh biển trên đất nước Anh.
Trong suốt những ngày dài ở xứ sương mù, một trong những điều thú vị nhất là giờ phút tản bộ bên các dòng sông hay vịnh biển để khám phá vẻ đẹp những cây cầu. Hành trình như được đi ngược dòng lịch sử khi diện kiến những cây cầu cổ trăm năm tuổi ở sông Thames – London, ở vịnh biển Forth trên miền cao Edinburgh, hay bất ngờ với những kiến trúc cầu mang đầy hơi thở đương đại trên dòng Tyne ở Newcastle… Đi qua những cây cầu trải dọc trên đất nước Anh, mới thấy rõ nó không chỉ đơn thuần làm nhịp nối giao thông giữa hai bờ cách trở, mà còn là một sự đột phá, là biểu tượng kiến trúc, là một sự thách thức về chất liệu trong thiết kế, hình thành nên vẻ đẹp vẹn toàn theo dòng chảy thời gian.
Cầu Tháp ở London với các chi tiết xây dựng trang trí rất độc đáo và tinh tế
Cây cầu di sản
Nói về những cây cầu trên đất nước Anh, xin được mở đầu với một cây cầu sắt xây dựng đầu tiên ở Anh, và đã được công nhận là di sản thế giới, hình tượng cây cầu được in trên đồng cắc 1 bảng, đó chính là cầu đường sắt Forth cách Edinburgh – thủ phủ Scotland khoảng 15km theo hướng tây.
Ở Anh, ngay khi cầu Forth khánh thành năm 1890, với chiều dài 2.528,7m, đã phá vỡ kỷ lục cây cầu sắt đầu tiên trên thế giới là cầu vòm Eads (1874) bắc ngang dòng Mississippi ở Mỹ với chiều dài 1.964m, giữ danh hiệu cầu dầm hẫng nhịp đơn dài nhất thế giới lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng khối lượng sắt thép xây cầu Forth là 54.160 tấn, gấp gần mười lần số lượng sắt thép xây tháp Eiffel ở Paris. Sự kiên cố của chiếc cầu được giải thích rằng bốn năm trước khi cầu Forth khởi công (1883), một công trình khác là cầu Tay do Thomas Bouch xây dựng gặp sự cố vì kết cấu yếu, thiết kế kém. Cầu Forth được John Flower và Benjamin Baker thiết kế phần cấu trúc, khi xây dựng để rút kinh nghiệm từ công trình cầu Tay, tính chịu lực và độ bền của cầu được chú trọng nhiều hơn. Công trình ngốn khối lượng nhân công đến gần 5.000 người, và trong bảy năm kể từ khi xây dựng đến khi hoàn thành, đã có đến 63 công nhân thiệt mạng.
Ngày nay, cầu Forth là một biểu tượng của Scotland, với không dưới 200 chuyến xe lửa tải hàng và hành khách qua lại mỗi ngày, người ta ước tính sức chịu lực tải của cầu gấp đôi so với nhu cầu thực tại của nó ở mọi thời đại. Với màu sơn nâu đỏ nổi bật, cùng kiến trúc rất độc đáo, cầu Forth trở thành một điểm nhấn đẹp trên vịnh biển Scotland.
Cầu cong ở Newcastle
Dòng sông Tyne đoạn chảy qua thành phố Newcastle thêm phần duyên dáng và nổi bật hơn chính nhờ những cây cầu nối giữa Newcastle và Gateshead của đôi bờ sông Tyne. Mỗi kiến trúc cầu mang một vẻ khác biệt, được xây dựng trong từng thời điểm khác nhau và đem lại cho thành phố này một tên gọi khác là thành phố của những cây cầu. Có thể kể đến những tên gọi như cầu đi bộ Millennium (2001), cầu sông Tyne (1928), Swing (1876), High Level (1850), Queen Elizabeth (1981), King Edward (1906), Redheugh (1983), Scotswood (1967), cầu đường sắt Scotswood (1871), Blaydon (1990), Lemington (2001), Newburn (1893)…
Nhịp cong nổi tiếng của cầu sông Tyne ở Newcastle
Trong số những cây cầu trên dòng Tyne kể trên, có hai điểm nhấn nổi bật hơn cả, đầu tiên là cầu sông Tyne, một trong những biểu tượng của Newcastle với kết cấu vòm cong độc đáo, độ tĩnh không cao đến 26m so với mực nước sông, toàn bộ kết cấu thép của cầu được phủ sơn xanh, tạo cho cây cầu thêm nổi bật trong số những cây cầu còn lại của sông Tyne.
Cạnh cầu sông Tyne, kiến trúc có độ cao xếp thứ 16 của thành phố Newcastle là cây cầu đi bộ Thiên niên kỷ, được ví như “mí mắt biết nháy” bởi kết cấu vòm độc đáo và hoạt động của nó giống như mí mắt con người. Ở chế độ thông thường, cây cầu dài 126m với chiều rộng 8m được dành cho khách bộ hành và người đi xe đạp. Khi có thuyền bè qua lại, cầu sẽ được nâng lên một góc tối đa 40 độ bằng hai động cơ thuỷ lực đặt ở hai mố cầu, tạo cho cầu có độ tĩnh không lên đến 25m. Sự vận hành độc đáo cùng kiến trúc đương đại của cầu đi bộ Thiên niên kỷ đã giành được rất nhiều các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, trong đó có giải “Kiến trúc nổi bật” của hiệp hội Cầu và công trình kiến trúc quốc tế (IABSE) năm 2005.
Bên dòng sông Thames
Trong số những cây cầu ở London, nổi bật và dễ nhận dạng nhất trong tất cả kiến trúc cầu không chỉ riêng London mà với cả thế giới chính là cầu Tháp (Tower), được xây dựng từ năm 1894, và đây cũng là cây cầu duy nhất trên dòng sông Thames có gắn động cơ nâng hai phần mặt sàn cầu, với trọng lượng mỗi bên lên đến 1.000 tấn, tạo độ tĩnh không cho thuyền bè qua lại. Được xây dựng ngoài thiết kế độc đáo, cầu tháp London cũng là sự tập hợp các chất liệu gồm sắt thép, bêtông, đá granit và cả đất nung dùng trong trang trí cho kiến trúc cầu, tạo thành một biểu tượng về kiến trúc, đại diện cho vẻ đẹp của tất cả những cây cầu trên đất nước Anh.
Lối đi bộ với kết cấu giàn treo lạ mắt của cầu Golden Jubilee ở London (ảnh trái). Kiến trúc cầu độc đáo với vòm cong như mi mắt ở cầu đi bộ Thiên niên kỷ tại Newcastle (ảnh phải trên). Kiến trúc của cây cầu đương đại có tên Thiên niên kỷ bắc ngang sông Thames ở thủ đô London (ảnh phải dưới)
Sau cầu Tháp London là cầu London – cây cầu của lịch sử, huyền thoại, nhưng cũng là cầu xấu nhất hiện nay bắc ngang sông Thames, bởi rằng vẻ đẹp nguyên bản của cầu đã thay đổi, nhưng đây chính là nơi khai sinh ra luật đi đường bên trái vào năm 1733 và sau đó trở thành luật giao thông của Anh cho đến tận bây giờ.
Cây cầu dành cho người đi bộ đẹp nhất bắc ngang sông Thames ở London là cầu Thiên niên kỷ, đây là một sự thử thách về việc sử dụng chất liệu trong xây dựng cầu. Cầu Thiên niên kỷ mang kiến trúc đương đại, độc đáo gồm hai mố cầu hình chữ Y và hệ thống dây văng mỗi bên bốn sợi chạy song song đỡ phần sàn cầu bằng nhôm rộng 4m, chịu lực tải ở hai đầu cầu đến 2.000 tấn, đủ để cùng lúc 5.000 người có thể đi bộ trên cầu.
Sông Thames đoạn chảy qua thủ đô London sở hữu đến 24 cây cầu, những tên gọi tiêu biểu có thể kể đến như: Chelsea (1937), Grosvenor (1859), Wesminter (1862), Lambeth (1932), Vauxhall (1906), Albert (1874) hay Golden Jubilee (2002)… đều mang những nét đặc trưng và vẻ đẹp rất riêng từ kiến trúc, chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, cùng cách thức trang trí vô cùng đa dạng và phong phú, tô điểm cho diện mạo đôi bờ sông Thames đoạn chảy qua London thêm phần lãng mạn, đáng yêu, hình thành một điểm đến kỳ thú với những ai yêu thích chiêm nghiệm và khám phá vẻ đẹp các cây cầu trong những ngày du ngoạn London và đất nước Anh.
Bốn sợi cáp chịu lực chạy song song phần sàn cầu cũng là chi tiết đẹp của cây cầu Thiên niên kỷ ở London
Vẻ đẹp của các cây cầu nổi bật ở chi tiết trang trí, tượng trang trí ở cầu Vauxhall, London, xây năm 1906
Cầu cổ Albert ở London với các chi tiết xây dựng và trang trí bằng kim loại rất đẹp và tinh tế (ảnh trái). Những nhịp cong duyên dáng của cầu Grosvenor bên dòng sông Thames (ảnhp phải dưới)
Cầu Lambeth hài hoà với các kiến trúc cổ kính khác nằm ven dòng sông Thames
Cây cầu sắt di sản ở Edinburgh Theo Nguyễn Đình (Sài Gòn tiếp thị)
Trong suốt những ngày dài ở xứ sương mù, một trong những điều thú vị nhất là giờ phút tản bộ bên các dòng sông hay vịnh biển để khám phá vẻ đẹp những cây cầu. Hành trình như được đi ngược dòng lịch sử khi diện kiến những cây cầu cổ trăm năm tuổi ở sông Thames – London, ở vịnh biển Forth trên miền cao Edinburgh, hay bất ngờ với những kiến trúc cầu mang đầy hơi thở đương đại trên dòng Tyne ở Newcastle… Đi qua những cây cầu trải dọc trên đất nước Anh, mới thấy rõ nó không chỉ đơn thuần làm nhịp nối giao thông giữa hai bờ cách trở, mà còn là một sự đột phá, là biểu tượng kiến trúc, là một sự thách thức về chất liệu trong thiết kế, hình thành nên vẻ đẹp vẹn toàn theo dòng chảy thời gian.
Cầu Tháp ở London với các chi tiết xây dựng trang trí rất độc đáo và tinh tế
Cây cầu di sản
Nói về những cây cầu trên đất nước Anh, xin được mở đầu với một cây cầu sắt xây dựng đầu tiên ở Anh, và đã được công nhận là di sản thế giới, hình tượng cây cầu được in trên đồng cắc 1 bảng, đó chính là cầu đường sắt Forth cách Edinburgh – thủ phủ Scotland khoảng 15km theo hướng tây.
Ở Anh, ngay khi cầu Forth khánh thành năm 1890, với chiều dài 2.528,7m, đã phá vỡ kỷ lục cây cầu sắt đầu tiên trên thế giới là cầu vòm Eads (1874) bắc ngang dòng Mississippi ở Mỹ với chiều dài 1.964m, giữ danh hiệu cầu dầm hẫng nhịp đơn dài nhất thế giới lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng khối lượng sắt thép xây cầu Forth là 54.160 tấn, gấp gần mười lần số lượng sắt thép xây tháp Eiffel ở Paris. Sự kiên cố của chiếc cầu được giải thích rằng bốn năm trước khi cầu Forth khởi công (1883), một công trình khác là cầu Tay do Thomas Bouch xây dựng gặp sự cố vì kết cấu yếu, thiết kế kém. Cầu Forth được John Flower và Benjamin Baker thiết kế phần cấu trúc, khi xây dựng để rút kinh nghiệm từ công trình cầu Tay, tính chịu lực và độ bền của cầu được chú trọng nhiều hơn. Công trình ngốn khối lượng nhân công đến gần 5.000 người, và trong bảy năm kể từ khi xây dựng đến khi hoàn thành, đã có đến 63 công nhân thiệt mạng.
Ngày nay, cầu Forth là một biểu tượng của Scotland, với không dưới 200 chuyến xe lửa tải hàng và hành khách qua lại mỗi ngày, người ta ước tính sức chịu lực tải của cầu gấp đôi so với nhu cầu thực tại của nó ở mọi thời đại. Với màu sơn nâu đỏ nổi bật, cùng kiến trúc rất độc đáo, cầu Forth trở thành một điểm nhấn đẹp trên vịnh biển Scotland.
Cầu cong ở Newcastle
Dòng sông Tyne đoạn chảy qua thành phố Newcastle thêm phần duyên dáng và nổi bật hơn chính nhờ những cây cầu nối giữa Newcastle và Gateshead của đôi bờ sông Tyne. Mỗi kiến trúc cầu mang một vẻ khác biệt, được xây dựng trong từng thời điểm khác nhau và đem lại cho thành phố này một tên gọi khác là thành phố của những cây cầu. Có thể kể đến những tên gọi như cầu đi bộ Millennium (2001), cầu sông Tyne (1928), Swing (1876), High Level (1850), Queen Elizabeth (1981), King Edward (1906), Redheugh (1983), Scotswood (1967), cầu đường sắt Scotswood (1871), Blaydon (1990), Lemington (2001), Newburn (1893)…
Nhịp cong nổi tiếng của cầu sông Tyne ở Newcastle
Trong số những cây cầu trên dòng Tyne kể trên, có hai điểm nhấn nổi bật hơn cả, đầu tiên là cầu sông Tyne, một trong những biểu tượng của Newcastle với kết cấu vòm cong độc đáo, độ tĩnh không cao đến 26m so với mực nước sông, toàn bộ kết cấu thép của cầu được phủ sơn xanh, tạo cho cây cầu thêm nổi bật trong số những cây cầu còn lại của sông Tyne.
Cạnh cầu sông Tyne, kiến trúc có độ cao xếp thứ 16 của thành phố Newcastle là cây cầu đi bộ Thiên niên kỷ, được ví như “mí mắt biết nháy” bởi kết cấu vòm độc đáo và hoạt động của nó giống như mí mắt con người. Ở chế độ thông thường, cây cầu dài 126m với chiều rộng 8m được dành cho khách bộ hành và người đi xe đạp. Khi có thuyền bè qua lại, cầu sẽ được nâng lên một góc tối đa 40 độ bằng hai động cơ thuỷ lực đặt ở hai mố cầu, tạo cho cầu có độ tĩnh không lên đến 25m. Sự vận hành độc đáo cùng kiến trúc đương đại của cầu đi bộ Thiên niên kỷ đã giành được rất nhiều các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, trong đó có giải “Kiến trúc nổi bật” của hiệp hội Cầu và công trình kiến trúc quốc tế (IABSE) năm 2005.
Bên dòng sông Thames
Trong số những cây cầu ở London, nổi bật và dễ nhận dạng nhất trong tất cả kiến trúc cầu không chỉ riêng London mà với cả thế giới chính là cầu Tháp (Tower), được xây dựng từ năm 1894, và đây cũng là cây cầu duy nhất trên dòng sông Thames có gắn động cơ nâng hai phần mặt sàn cầu, với trọng lượng mỗi bên lên đến 1.000 tấn, tạo độ tĩnh không cho thuyền bè qua lại. Được xây dựng ngoài thiết kế độc đáo, cầu tháp London cũng là sự tập hợp các chất liệu gồm sắt thép, bêtông, đá granit và cả đất nung dùng trong trang trí cho kiến trúc cầu, tạo thành một biểu tượng về kiến trúc, đại diện cho vẻ đẹp của tất cả những cây cầu trên đất nước Anh.
Lối đi bộ với kết cấu giàn treo lạ mắt của cầu Golden Jubilee ở London (ảnh trái). Kiến trúc cầu độc đáo với vòm cong như mi mắt ở cầu đi bộ Thiên niên kỷ tại Newcastle (ảnh phải trên). Kiến trúc của cây cầu đương đại có tên Thiên niên kỷ bắc ngang sông Thames ở thủ đô London (ảnh phải dưới)
Sau cầu Tháp London là cầu London – cây cầu của lịch sử, huyền thoại, nhưng cũng là cầu xấu nhất hiện nay bắc ngang sông Thames, bởi rằng vẻ đẹp nguyên bản của cầu đã thay đổi, nhưng đây chính là nơi khai sinh ra luật đi đường bên trái vào năm 1733 và sau đó trở thành luật giao thông của Anh cho đến tận bây giờ.
Cây cầu dành cho người đi bộ đẹp nhất bắc ngang sông Thames ở London là cầu Thiên niên kỷ, đây là một sự thử thách về việc sử dụng chất liệu trong xây dựng cầu. Cầu Thiên niên kỷ mang kiến trúc đương đại, độc đáo gồm hai mố cầu hình chữ Y và hệ thống dây văng mỗi bên bốn sợi chạy song song đỡ phần sàn cầu bằng nhôm rộng 4m, chịu lực tải ở hai đầu cầu đến 2.000 tấn, đủ để cùng lúc 5.000 người có thể đi bộ trên cầu.
Sông Thames đoạn chảy qua thủ đô London sở hữu đến 24 cây cầu, những tên gọi tiêu biểu có thể kể đến như: Chelsea (1937), Grosvenor (1859), Wesminter (1862), Lambeth (1932), Vauxhall (1906), Albert (1874) hay Golden Jubilee (2002)… đều mang những nét đặc trưng và vẻ đẹp rất riêng từ kiến trúc, chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, cùng cách thức trang trí vô cùng đa dạng và phong phú, tô điểm cho diện mạo đôi bờ sông Thames đoạn chảy qua London thêm phần lãng mạn, đáng yêu, hình thành một điểm đến kỳ thú với những ai yêu thích chiêm nghiệm và khám phá vẻ đẹp các cây cầu trong những ngày du ngoạn London và đất nước Anh.
Bốn sợi cáp chịu lực chạy song song phần sàn cầu cũng là chi tiết đẹp của cây cầu Thiên niên kỷ ở London
Vẻ đẹp của các cây cầu nổi bật ở chi tiết trang trí, tượng trang trí ở cầu Vauxhall, London, xây năm 1906
Cầu cổ Albert ở London với các chi tiết xây dựng và trang trí bằng kim loại rất đẹp và tinh tế (ảnh trái). Những nhịp cong duyên dáng của cầu Grosvenor bên dòng sông Thames (ảnhp phải dưới)
Cầu Lambeth hài hoà với các kiến trúc cổ kính khác nằm ven dòng sông Thames
Cây cầu sắt di sản ở Edinburgh Theo Nguyễn Đình (Sài Gòn tiếp thị)