Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

5 nhà ga đáng dừng chân nhất thế giới

Khi tới một ga tàu, mọi người đều hiếm khi dừng lại để thưởng ngoạn khung cảnh xung quanh. Nếu đầu tuần này bạn có những chuyến công tác ghé qua 5 ga tàu dưới đây thì không nên tiếc thời gian để ngắm nhìn chúng kỹ hơn.

Ga Grand Central, New York

Vừa tròn 100 tuổi vào tháng 2 vừa qua, ga Grand Central là biểu tượng lâu đời của New York, thành phố sôi động bậc nhất thế giới đón hơn 700.000 lượt khách du lịch mỗi ngày. Vào những năm 70, nhà ga từng suýt bị phá bỏ khi Chính phủ ban hành chính sách giải tỏa các khu nhà cũ. Nhưng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis đã kêu gọi bảo vệ công trình này đến cùng, cứu Grand Central thoát khỏi kết cục bị phá hủy như một sân ga nổi tiếng khác năm 1963 - Pennsylvania Station.


Nhà ga Grand Central ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: CNN.

Quá trình đổi mới và phát triển của nhà ga khởi sắc hơn bao giờ hết từ khi có sự góp mặt của bà Onassis. Một mốc đáng nhớ nữa của sân ga là khi hoàn thiện trần phòng đợi lớn bằng đá xanh có dát vàng lá hình các cung hoàng đạo và được gắn thêm đèn LEDs năm 2010 để đánh dấu các chùm sao. Sân ga còn có một Bảo tàng Giao thông nhỏ trên phòng chờ chính và các sảnh quầy ăn đa dạng ở tầng dưới, ngay cả những người dân trong thành phố cũng đến đây ăn.

Để kỷ niệm 100 năm tuổi của nhà ga này, một loạt hoạt động biểu diễn, hội chợ, trưng bày nghệ thuật... sẽ được tổ chức trong suốt năm 2013.

Bên trong nhà ga Grand Central. Ảnh: CNN.

Ga Liège-Guillemins, Bỉ

Được kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha Santiago Caltrava thiết kế, nhà ga có cấu trúc tuyệt đẹp từ thép và thủy tinh, vừa được khai trương năm 2009. Đây là công trình nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc cầu kỳ, được xây dựng trong suốt 10 năm mà vẫn duy trì đều đặn hoạt động của các tàu đến và đi từ Liège.

Nhà ga Liège-Guillemins, Bỉ. Ảnh: CNN

Trước khi thiết kế nhà ga Liège, Calatrave đã thiết kế ga Saint Exupéry ở Lyon, ga Oriente ở Lisbon và đang tiếp tục xây dựng ga Mons (Bỉ), sẽ mở cửa trước khi thành phố này trở thành Thủ đô Văn hóa châu Âu vào năm 2015.

Ga Liège tinh tế từ mái kính cao 35 mét, đến kiến trúc nhẹ nhàng của các cửa tiệm, quán café trong sân ga chính cho tới khu chăm sóc trẻ đầu tiên của châu Âu được đặt trong sân ga. Điều đặc biệt khác ở nhà ga là không hề có sự xuất hiện của áp phích, poster quảng cáo hay bất cứ buồng điện thoại công cộng nào.
Ga Marunouchi, Tokyo

Vào trước sinh nhật lần thứ 100 của mình, ga Marunouchi đã được phục hồi lại đúng hình dáng cổ kính ban đầu của năm 1914. Tòa nhà gạch đỏ thanh lịch đã vượt qua nhiều biến động lịch sử, kiên cường như bản tính nổi tiếng của người dân Nhật Bản. Năm 1923, trận động đất Kanto đã làm rung chuyển nền móng nhà ga. Năm 1945, Marucouchi đã bị không kích làm hỏng mái nhà và nội thất. Và lần thứ ba, trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Marunouchi tiếp tục bị phá hủy hoàn toàn 2 mái nhà.


Nhà ga Marunouchi ở Tokyo sau khi được phục hồi dáng vẻ ban đầu. Ảnh: CNN


Kingo Tatsuno, kiến trúc sư nổi tiếng thời Meiji đầu thế kỷ trước, thiết kế nhà ga theo phong cách phương Tây, thể hiện rõ nét cảm hứng từ quãng thời gian ông học tập tại châu Âu. Nhà ga từ lâu đã trở thành một địa điểm gắn bó, không một công trình nào có thể thay thế nó trong tâm trí người dân thành phố Tokyo.

Tháng 10/2012, Maruchino được khôi phục lại hoàn toàn các mái vòm và kiến trúc nguyên thủy, ngoài ra còn được bổ sung hệ thống cách ly địa chấn lớn nhất Nhật Bản, để hạn chế ảnh hưởng của các trận động đất tiềm ẩn tới công trình này. Nhà ga sẽ kỷ niệm 100 tuổi vào năm 2014.

Nhà ga nhìn về đêm. Ảnh: CNN.

Ga Trung tâm Helsinki, Phần Lan

Năm 1923, kiến trúc sư Eliel Saarinen chuyển từ Phần Lan đến Mỹ và giảng dạy tại ĐH Michigan. Thời điểm đó, ông đã để lại một công trình di sản là Nhà ga Trung tâm Helsinki. Nhà ga hoạt động từ năm 1919, được coi là điển hình tuyệt vời cho phong cách thiết kế 'nouveau' (phong cách nghệ thuật ứng dụng phổ biến cuối thế kỷ 19 và đầu thể kỷ 20) hay còn được biết đến ở Phần Lan với cái tên Jugend.

Nhà ga trung tâm thành phố Helsinki, Phần Lan. Ảnh: CNN.

Như nhiều tòa nhà mang tính bước ngoặt khác ở Helsinki, nhà ga có kiến trúc tráng lệ và bắt mắt nhưng không sặc sỡ, lòe loẹt. Một sự kết hợp hài hòa giữa các kiến trúc chức năng cần có và thiết kế nghệ thuật đặc trưng của Phần Lan. Điểm hấp dẫn nhất của công trình là bốn người đá khổng lồ ở cạnh cửa chính, cầm chiếc đèn cầu lớn chiếu sáng cho hơn 200.000 hành khách qua lại mỗi ngày. Bên trong nhà ga, hành khách không nên bỏ qua cơ hội đến nhà hàng Eliel để vừa thưởng thức bữa ăn nhẹ và ngắm nhìn khung cảnh Phần Lan tuyệt đẹp trên tường nhà hàng, một tác phẩm của nghệ sĩ Eero Jarnefelt.

Hai trong số bốn bức tượng đá cầm đèn. Ảnh: CNN.

Ga Chhatrapati Shivaji, Mumbai

Nhà ga Chhatrapati Shivaji, thành phố Mumbai Ấn Độ từng có tên là Ga Victoria, theo tên của nữ hoàng Anh, người đồng thời là Nữ hoàng Ấn Độ năm 1987. Lễ khai trương của nhà ga diễn ra năm 1997 - năm Kỷ niệm vàng của Nữ hoàng -nhưng chỉ hoạt động chính thức một năm sau đó. Hiện, nhà ga trung tâm Mumbai được biết đến với cái tên Chhatrapati Shivaji - vị hoàng đế Maratha đầu tiên.

Nhà ga Chhatrapati Shivaji, Mumbai. Ấn Độ. Ảnh: CNN

Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Anh Frederick William Stevens và trở thành biểu tượng đặc trưng cho phong cách kiến trúc Gothic Revival. Dựa theo một mô hình thời Trung Cổ ở Italia, Stevens mang đến cho nhà ga những chi tiết, đồ trang trí từ thời Victoria: mái vòm và vòm cửa bằng đá ấn tượng theo phong cách Ấn Độ; các mái vòm đối xứng cùng các trụ gạch, tượng phù điêu trang trí với những con sư tử tượng trưng cho nước Anh; những con hổ tượng trưng cho Ấn Độ.

Thiết kế bên trong tòa nhà giống một nhà thờ chỉ khác từ vòm trần đến các cửa sổ kính màu đều có hình các đầu máy xe lửa thay vì hình ảnh các nhân vật tôn giáo. Với lối kiến trúc Á - Âu pha trộn trộn hài hòa, nhà ga này đã trở thành biểu tượng của Mumbai, đồng thời là công trình đường sắt nổi bật thế kỷ 19 và trở thành Di sản thế giới năm 2004 do UNESCO công nhận.

Hàn Hạnh (Theo CNN)