Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Vì đi vào rừng người ta dễ yêu nhau

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng. Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ. Đó là câu chuyện về chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Hồi chưa biết tới rừng rú và chỉ đắm đuối trong những chuyến du lịch được sắp sẵn, tôi đã nghe ông thầy tôi, một “người rừng” sống giữa thành phố khuyên rằng: Này, đi rừng thú vị lắm. Đôi nào chỉ cần hơi thinh thích nhau là sẽ yêu nhau liền. Còn đôi nào từng yêu nhau thì sau này có xa nhau cũng chẳng thể nào quên nhau được.

Bắt đầu những chuyến đi từ hai ả đàn bà phiêu lãng. Tôi, một người luôn mang trong mình sự chán chường và não nề của nhiều cảm xúc đan xen khó tả, luôn muốn phá bung những rào cản của xã hội. Ả kia, những mối tình không níu giữ nổi bằng những chuyến khám phá. Ả đi như một con điên, đi tới mức rồ dại, tới mức nhiều khi quên chính cả bản thân mình.

Ả gặp tôi khi tôi vừa lang thang 2 tuần ở TP HCM. Hất cằm: "Đi ngược dòng sông Mã bằng đường bộ không? Có xế rồi. Ôm đã có hai “em” xếp lịch. Nhưng nếu gái thích, chị loại thẳng. Cho gái lên luôn. Xế hơi bị ngon nhé! Cao to, đẹp giai. Mới ở nước ngoài về".


Thiên nhiên hoang sơ trên đường tre Suối Muống.

Cao to ư? Đẹp trai ư? Điều đó tôi chẳng quan tâm. Những mối tình trải qua tôi đã quá mệt nhọc khiến trái tim tôi như một miếng bánh bị gián gặm nham nhở. Tôi chỉ muốn có một chuyến đi cho nhẹ lòng. Ôi làm sao cho quên sự đời! Chỉ đơn giản là thế.

Xế - người mà tôi không ngờ sẽ là chồng và cha của con gái tôi - là một chàng thanh niên cao lớn, người hơi đậm cùng chiếc răng khểnh khá duyên. Hình ảnh đầu tiên níu giữ tôi duy nhất chỉ là như thế. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nước để thống nhất chuyện đi lại. Tôi ném phịch tờ báo xuống trước mặt gã, bảo: "Đọc báo đi". Rồi khinh khỉnh chúi mũi vào đó, mặc kệ người sắp đèo mình mặt buồn tiu nghỉu.

Xế đèo tôi có cái lưng to bản như con trâu, mặc chiếc áo màu ghi xám. Tôi ngồi đằng sau, tóc nhuộm đỏ đã phai chuyển sang màu vàng sẫm. Xe bên này: Tôi – 1983; xế 1979. Xe bên kia, ả - 1978; xế 1983. Một sự lệch pha đầy đáng tiếc.

Cung đường của chúng tôi lần này là cung đường mà mọi phe phái du lịch đều “chê”. Người nào đi du lịch thuần túy thì hẳn là chê rồi còn những dân “phượt” sành điệu cũng chẳng coi là đáng để thử thách tay lái. Cụ thể: đường Hà Nội - Hòa Bình - Mai Châu - Co Lương, rồi rẽ tại chợ, sau đó đi hết qua bản này bản kia, và điểm dừng chân là Mường Lát. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Đoạn đường rẽ từ Co Lương là đoạn vừa ngập sau cơn mưa. Chưa kịp khô, đường nhão nhoét bùn. Từng tảng bùn ngoạm vào bánh xe như muốn nuốt chửng. Vừa vào ngã rẽ, xế bất ngờ xòe ngay một vòng 180 độ. Ôm ngồi sau lưng nhanh người, nhảy phắt xuống đường, cười sảng khoái.


Những em bé dân tộc với ánh mắt không thể quên.

Những bản làng bình dị đầu tiên lướt qua và những rừng tre đầu tiên cũng hiện ra trước mắt đoàn khách hiếu kỳ. Suốt dọc con đường độc đạo đang nhỏ dần là những rừng tre bạt ngàn và bên kia sông Mã cũng một màu xanh của những cánh rừng tre. Ánh nắng sớm xuyên qua những tán tre rậm rạp, vẽ những đường ánh sáng xuống con đường đất đỏ.

Một ngày vất vả mà không được mãn nhãn. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, đường đi vất vả. Bữa tối dừng tạm tại một ngôi nhà bán bánh kẹo ven đường. Rau mùng tơi, trứng rán và dưa chuột chẻ là ba món duy nhất. Nhưng vẫn thấy ngon đáo để. Lần đầu tiên, tôi được biết tới vị của hạt xẻn nướng, ớt nướng giã cùng ớt hột. Thơm hắc hắc, vị thơm đúng kiểu miền núi. Món chấm này thường được điểm thêm cùng món gà luộc hay thịt lợn nướng.

Đêm. Chúng tôi xin ngủ trọ tại một gia đình trẻ ở xã Trung Sơn. Chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuối ngày, tôi và anh bạn 83 cùng tuổi ngồi tán phét ngoài hiên nhà. Xế tôi cùng ả kia nói chuyện cùng chủ nhà. Đối với tôi, ngày đầu tiên trải qua bình thường không có gì đặc biệt. Giữa tôi và xế vẫn có một khoảng cách trắng xóa.

Nhưng sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt được nhau những tín hiệu đáng kể. Xế tôi tuy lần đầu tiên đi “phượt”, nhưng rất tháo vát và chịu khó, tay lái cũng đằm. Tôi ngồi sau xế sướng hơn ả kia ở chỗ, nhiều đoạn khó xế vẫn trụ vững được trên yên. Còn xế 83 kia ngã xòe, khiến ả hơi tẹo phải nhảy phóc xuống đất, đỡ, ẩn, ủn đít xe. Tôi bắt đầu luyên thuyên nói chuyện. Từ đó biết được không nhiều thì ít về anh chàng này: Đó là một người nhiệt tình, chân thành, cởi mở, có nhiều sở thích những cũng có một quá khứ nhiều khúc khủyu. Tôi gọi đùa xế là “Nghé”. Giữa chúng tôi đã có một sự gắn kết ngầm. Qua con suối rửa mặt, tôi lấy khăn màu xanh vắt ướt sũng, sau đó đặt lên cổ xế để chữa nóng.


Đường đẹp thế, đến xe còn yêu nhau.

Vượt lên đỉnh con dốc cao, thiên nhiên hùng vĩ khiến bạn có cảm giác đang chạm tay tới mây. Đoạn đường men chân núi có bề ngang chừng ba mươi cm là nguy hiểm nhất. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Mồ hôi bám rịn nhỏ giọt trên từng khuôn mặt vì căng thẳng và vì cái nắng gay gắt của buổi trưa hè. Những ánh mắt đầy ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chúng tôi chạy qua. Những em bé dân tộc với ánh mắt quyến rũ của con thú hoang dại. Những con người này chẳng biết gì tới internet, ít khi bị làm phiền bởi tivi, ít bị những triết lý quấy nhiễu tâm hồn và sống một cách thanh bình đến tẻ nhạt tại nơi này.

Nhưng sự vất vả cũng đã được hưởng thành quả. Chúng tôi đã gặp được cái khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận nơi này. Đó là một đoạn đường tre cong vòng một cách hết sức tự nhiên. Những thân tre mảnh mai đan vào nhau kéo dài hàng trăm mét tạo thành một chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhìn từ xa, vòm tre như đôi mắt nhấp nhánh cười, hút sâu. Phía dưới, lá tre khô bay xào xạc như trong phim “Thập diện mai phục” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ánh nắng mùa hè gắt gỏng len chen qua rặng tre, hắt vào mặt, vào xe chúng tôi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục giữa tiết trời oi ả. Chúng tôi thả xe nhảy ùa vào giữa con đường tre, ngồi bệt trên thảm lá tre nghỉ ngơi.

Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở huyện Mường Lát với cơ thể mệt bã. Sau bữa ăn no nê và tắm táp sạch sẽ, bốn người chúng tôi đi bộ ngắm trăng trên cầu treo Mường Lát. Hôm ấy trăng mười sáu thì phải, to và rạng rỡ hơn hẳn trăng rằm. Tôi dựa người vào thành cầu, để toàn bộ cơ thể và tâm hồn mình ngập trong trăng. Cơ thể tôi như mất trọng lượng, chơi vơi giữa trăng và làn hơi nước mát dịu. Bỗng dưng…có một luồng điện chớp qua tôi. Hình như có một bàn tay hơi chạm vào bàn tay mình…


Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Thiên nhiên quả là người thầy vĩ đại. Người thầy dạy ta biết cách tự vấn chính mình. Trong suốt chuyến đi, không một lần tôi nhớ tới công việc, không một lần tôi nhớ tới sự phiền muộn cố hữu. Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng. Tôi nhìn thấy tôi. Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị và giản đơn.

Chuyến đi đó sau này được nhóm chúng tôi đặt tên là Đường tre Suối Muống. Nhiều dân “phượt” trên mạng thấy ảnh đẹp quá cũng đi cung này, nhưng hình như chẳng có đôi nào yêu nhau, cũng chẳng có bức ảnh nào nhiều nắng đẹp dường ấy.

Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.

Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành bố, thành mẹ.

Giờ đây, những chuyến đi trôi ngược về phía tôi, lẩn sâu trong quá khứ. Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng còng đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò, con dê lững thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê mất rồi”. Chồng tôi có lẽ cũng như vậy.

Còn bạn. Bạn đã sẵn sàng đi rừng chưa?

Mitchit

Read More...

Những quán ăn đêm ở Đà Lạt

Quán ăn đêm ở Đà Lạt. Đà Lạt nhỏ xíu và xinh xắn, không kể những khu danh lam thắng cảnh phục vụ ngành du lịch, hầu như toàn bộ đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây đều xoay quanh trung tâm thành phố nơi có hồ Xuân Hương lãng mạn và thanh bình. Quanh hồ có khu Hòa Bình nổi tiếng với cà phêe Tùng cùng nhiều hàng cháo, phở, quán ăn sáng, nhưng cũng có khu chợ đêm Đà Lạt hay còn gọi là chợ Âm Phủ chuyên phục vụ những món ăn khuya, tạo nên một không gian văn hóa ẩm thực muôn màu muôn vẻ ngay trung tâm thành phố. Dạo chơi ở thành phố sương mù vào mùa hè, bạn sẽ không thể bỏ qua khu chợ đêm với nhiều hoạt động ẩm thực sôi động.

Ngoài những rừng thông xanh rì âm u cùng mặt hồ lấp lánh, thành phố tình yêu lãng mạn bậc nhất Việt Nam còn được biết đến với khu chợ đêm sầm uất, tạo nên nét văn hóa ăn quà ban đêm rất thú vị, độc đáo cho ẩm thực nơi này.

Thiên đường ẩm thực giữa lòng thành phố



Mang cái tên khá “ghê rợn”, nhưng chợ Âm Phủ ở Đà Lạt không ảm đạm hay ma quái mà trái lại, nó vô cùng thú vị và náo nhiệt. Chợ hoạt động liên tục gần 12 tiếng đồng hồ từ 6-7 giờ tối đến 6-7 giờ sáng hôm sau, đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, vải vóc, quà lưu niệm cho đến vô số các món ăn khuya thơm ngon hấp dẫn.

Ban đầu, chợ chỉ là một nhóm những gánh hàng quà vặt tụ tập dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt, hàng quán bán về khuya lại chưa có đèn điện như hiện nay nên người ta tạm gọi là chợ Âm Phủ. Sau một thời gian dài phát triển, dù về quy mô lẫn mặt bằng đều được mở rộng song khu chợ đêm vẫn được giữ cái tên cũ Âm Phủ – như một cách gọi hài hước lẫn thân thuộc của người dân bản xứ và dần dần của cả du khách.



Ăn gì ở chợ đêm?

Nếu bụng đang cồn cào và muốn tìm một món ăn ngon miệng, chắc dạ, bạn đừng quên ghế những hàng bánh canh, hủ tíu, bún riêu ở chợ Âm Phủ. Các món nước ở đây luôn thơm lừng, nóng hổi, tạo ra sự cộng hưởng tuyệt vời với thời tiết se lạnh ở thành phố tình yêu. Ngoài ra, trong các món ăn tưởng chừng quen thuộc ấy, ta sẽ bất ngờ khi bắt gặp những biến tấu rất riêng của ẩm thực Đà Lạt như bún riêu với thịt viên, hoặc bánh canh với giò, chả…




.
Thịt nướng cũng là một lựa chọn tốt để vừa nhâm nhi, vừa tán gẫu giữa không khí lành lạnh quanh khuôn viên hồ Xuân Hương. Thịt nướng ở chợ đêm đa dạng về chủng loại, có đầy đủ heo, bò, gà, cho tới chân gà, cánh gà, gan gà, sườn non, bò lá lốt, xúc xích, cá viên, bò viên… Khi mua, thịt sẽ được người bán nướng lại trên lò than làm tăng độ nóng giòn cũng như dậy mùi thơm hấp dẫn.



Nhắc đến những món ăn vặt trứ danh của Đà Lạt, ta không thể bỏ qua bánh tráng nướng. Đây là món ăn được bày bán nhiều nhất chợ đêm. Chỉ với một lò than nhỏ cùng ít nguyên liệu bày biện xung quanh, từng mẻ bánh tráng nướng giòn rụm dần được hình thành. Bánh tráng nướng Đà Lạt không nhiều nhân như bánh ở Sài Gòn, nhưng bù lại có độ nóng giòn từ lửa than và béo ngậy từ trứng.



Nếu đã chán những món mặn, bạn hãy thử khám phá mảng đồ ngọt kỳ thú và độc đáo của chợ đêm Đà Lạt. Nổi bật nhất có lẽ là sữa đậu nành nóng nguyên chất, sóng sánh trong những nồi thiếc con con đầy hấp dẫn. Ngoài sữa đậu nành, ở đây còn bán sữa đậu xanh, đậu phụng và đặc việt là sữa hột gà thơm nức.



Kết hợp với ly sữa đậu nóng hổi ngọt ngào là những món bánh độc đáo của đà Lạt. Ngay từ đầu chợ, bạn sẽ bắt gặp một dọc những hàng bánh trái gồm bánh su, bánh bông lan… đủ mùi đủ vị, còn giữ được vẻ tươi ngon của bánh làm tại nhà thay vì sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp.



Hoặc nếu không thích bánh Tây, bạn có thể thử món bánh ống bảy màu được bày bán trên những gánh hàng rong khắp chợ. Đây vốn là đặc sản Sóc Trăng nhưng với hương vị thơm ngon của mình, bánh ống đã mau chóng “xâm chiếm” nền ẩm thực chợ đêm Đà Lạt. Vỏ bánh là bánh tráng có độ mỏng vừa, dai dai và không quá ngọt, nhân bánh là những sợi bột gạo tơi mịn được xây nát trộn với đường, cốt dừa, thơm mùi lá dứa. Bánh được cuốn thành hình ống, mang nhiều màu sắc sặc sỡ và hấp dẫn khó quên nhờ vị béo béo của dừa, hương thơm của lá dứa kết hợp cùng vị ngọt thanh nhẹ nhàng.



Được mệnh danh là xứ sở của tình yêu, là vùng đất lãng mạn và thanh nhã bậc nhất Việt Nam, từ lâu Đà Lạt đã khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng có phần u sầu, buồn bã. Song bên dưới nét u buồn lãng mạn của những rừng thông tít tắp và mặt hồ bình thản ấy, đời sống Đà Lạt vẫn vận hành thật tươi mới, náo nhiệt theo cách riêng của mình, điển hình là hình thức sinh hoạt cùng nhau tụ tập mua bán, ăn uống thật vui vẻ tại chợ đêm Đà Lạt sầm uất.

Theo TTVN

Read More...

Biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) được du khách Australia ưa thích

Mỹ Khê là một trong 10 bãi biển ở châu Á được người Australia ưa thích nhất (theo tờ Sunday Herald Sun của Australia). Nơi đây mang đến cho du khách nhiều ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên phong phú.



Ấn tượng lần đầu tới biển Mỹ Khê là làn nước trong xanh đến mát mắt, bãi cát dài trắng mịn quyến rũ mọi du khách. Mỹ Khê, Đà Nẵng đang là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ yêu khám phá trong mỗi mùa hè.

Vẻ đẹp giữ nguyên được nét hoang sơ, tự nhiên cộng thêm sự thân thiện hòa đồng của người dân Đà Nẵng là điều níu kéo mỗi bước chân khám phá của giới trẻ. Trong mùa hè này, đồng hành cùng các bạn trẻ Việt Nam, Clear My Kool Vietnam sẽ thiết lập một kỷ lục mới trên bãi biển Mỹ Khê.

Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển Mỹ Khê, nét đẹp hùng vĩ của núi Sơn Trà, cũng như những thanh âm sôi động của một Đà Nẵng đang đổi mới, một màn trống nước hoành tráng với hơn 30 vũ công, diễn viên cùng người mẫu Thanh Hằng sẽ được diễn ra tại bãi biển Mỹ Khê vào tối ngày 4/8.

Read More...

Khám phá “Cung đường xanh” Tiền Giang - Bến Tre

Đó là cách gọi của du khách khi tham gia tour sông nước liên kết các tuyến điểm Tiền Giang - Bến Tre. Chỉ mươi phút rẽ sóng sông Tiền từ thành phố Mỹ Tho, du khách bắt đầu trải nghiệm cuộc sống miệt vườn và nét văn hóa bao đời nay của vùng sông nước Cửu Long. Chuyến đi đã tạo được ấn tượng tốt cho du khách trong và ngoài nước


Với du khách miền Trung, miền Bắc, nhất là du khách nước ngoài, "cung đường xanh" là chuyến đi thú vị.

Điểm đến đầu tiên là cù lao Thới Sơn. Chúng ta vào thăm một vườn sinh thái. Nơi bến thuyền là những chòi, sạp bán trái cây, sinh hoạt dân dã như chợ quê. Những người làm du lịch chính là dân bản địa được đào tạo bài bản, tươi cười chào mời khách. Một vài người bán trái cây còn nói được vài câu mời mọc bằng tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Khu sinh thái này luôn đông kín người dù mới 9 giờ sáng. Chủ vườn sẽ pha trà mật ong kèm với phấn hoa mời khách. Từng ly trà nóng có vị ngọt và thơm đậm đà, đầy quyến rũ. Vừa mời khách, họ vừa giới thiệu cách nuôi ong lấy mật và tác dụng của mật ong, phấn hoa đối với sức khỏe người dùng. Đó là cách marketing rất thuyết phục. Không ít người đã mở hầu bao mua ngay sản phẩm từ điểm dừng chân đầu tiên.

Tiếp theo, chúng ta được mời sang khu vực khác để thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử. Từ xa, đã nghe tiếng nhịp song loan, tiếng đờn cò và tiếng đờn tranh réo rắt. Giọng hát của những cô gái miệt vườn trong vắt, ngân lên mấy câu vọng cổ. Du khách vùng khác lấy làm hào hứng. Người nước ngoài không hiểu được bài hát nhưng cũng rất thích thú nghe. Cái hay của nhà vườn là có được bài hát tiếng Anh chào mừng du khách đầy ấn tượng hát theo làn điệu dân ca Nam Bộ, nghe rất gần gũi mà lạ lẫm. Du khách nước ngoài khoái chí vỗ tay tán thưởng.

Khi đã nghe thỏa thích mấy bài vọng cổ, du khách được hướng dẫn ra cuối vườn trái cây để lên xuồng ba lá dạo quanh con rạch dừa nước xanh mượt. Trên con rạch nhỏ rộng chừng vài mét, xuồng ba lá tấp nập qua lại. Có đến 300 chiếc hoạt động thường xuyên đi lại như trẩy hội. Đây là những người dân địa phương, mỗi nhà sắm một chiếc xuồng tham gia đưa du khách tham quan. Các xuồng xếp hàng chờ tới lượt, không có cảnh tranh giành, chèo kéo. Du khách cảm thấy hài lòng.

Đi hết con rạch chừng 30 phút, du khách được đưa ra cầu phao trên sông Tiền để lên ghe, tiếp tục hành trình. Ghe lại túc tắc trên sông, vượt sang bờ bên kia để đến làng nghề làm kẹo dừa xứ Bến Tre. Trước mắt khách công nghệ làm kẹo dừa được trình diễn đầy thú vị. Chảo lá sen chế biến kẹo dừa nằm trên bếp đun trấu tỏa mùi thơm lừng. Những cô gái Bến Tre trong chiếc áo bà ba ngồi miệt mài gói kẹo. Bên cạnh là khu vực bán hàng mỹ nghệ làm từ phụ phẩm của dừa. Nhiều người biết tiếng xứ dừa Bến Tre, nhưng khi tận mắt chứng kiến địa phương khai thác thế mạnh của mình làm du lịch đều không khỏi ngỡ ngàng. Tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng. Du khách thoải mái cầm những vật phẩm lên xem, hỏi han cách làm, công dụng rồi để lại mà từ người làm đến chủ cơ sở đều vui vẻ.

Tiếp theo hành trình chúng ta sẽ lại lọc cọc trên chiếc xe ngựa dọc theo đường quê. Từ ngày phà Rạch Miễu ngừng hoạt động, những nẻo đường quê ở huyện Châu Thành – Bến Tre càng trở nên yên tĩnh. Hầu như không có tiếng động cơ lớn ngoài xe máy, xe đạp, nên du khách có thể nghe được tiếng vó ngựa gõ lọc cọc trên đường rất vui tai. Điểm đến là một khu du lịch sinh thái chuyên về ẩm thực. Tại đây, du khách thư thả dạo chơi, thưởng thức các món ăn dân dã Nam Bộ. Sau đó lại lên một ghe máy đi dọc con rạch dừa nước trở lại bến thuyền ở đầu làng nghề kẹo dừa truyền thống để tiếp tục hành trình…

"Cung đường xanh" đi theo vòng tròn như thế. Cứ khoảng 20-30 phút, du khách đặt chân đến một điểm khác, thưởng thức một sản phẩm du lịch mới. Cái hay của "cung đường xanh" là sự kết hợp chặt chẽ giữa các khu du lịch với nhau, tạo thành một tuyến tham quan thú vị. Quả thật, nếu không có sự kết hợp giữa chính quyền hai tỉnh Tiền Giang – Bến Tre và sự đồng lòng của nhà vườn thì khó hình thành được tuyến du lịch hoàn chỉnh như vậy. Một tour kéo dài khoảng 3-4 giờ tùy theo khách, chúng ta đã có được hành trình thú vị, trải nghiệm nét dân dã miền sông nước. Đó chính là ấn tượng để lại trong lòng du khách khi rời xa xứ này./.

Read More...

Đưa lễ hội Phủ Dầy vào Di sản văn hóa quốc gia

Để tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của quần thể di tích Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu, tỉnh Nam Định đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Phủ Dầy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống đầy tính nghệ thuật, mỹ thuật của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy có bộ ba kiến trúc liên quan chặt chẽ tới mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu. Ngoài ra, còn có một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo luôn hiện hữu nơi đây là Hầu bóng và hát Chầu văn.

Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một bậc "Thiên hạ mẫu nghi," vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Liễu Hạnh đã được phụng thờ ở nhiều nơi như Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, Phủ Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác nhưng Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội lớn nhất, quy mô nhất.

Tỉnh Nam Định hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần và liên quan đến “nghi lễ Chầu văn;” trong đó quần thể di tích Phủ Dầy vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, vừa là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn tiêu biểu của Nam Định.

Phủ Dầy được Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) cấp bằng xấp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia năm 1975. Tháng 12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận nghi lễ Chầu văn của người Việt ở tỉnh Nam Định và Hà Nam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết để tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị của quần thể di tích Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu, năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định giao Bảo tàng tỉnh kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội phủ Dầy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Thư, đây là cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng làm tiền đề để lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận quần thể Phủ Dầy là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt và tiến tới đề nghị Bộ cho phép Nam Định đại diện các địa phương có di sản lập hồ sơ nghi lễ Chầu văn của người Việt trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quá trình kiểm kê, lập hồ sơ Phủ Dầy được thực hiện trong ba tháng, có sự đồng thuận, cam kết của cộng đồng và chính quyền địa phương. Dự kiến, hồ sơ sẽ được hoàn tất và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay trong tháng Tám này./.

Read More...

Tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2013

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Liên bang Nga tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2013, diễn ra từ ngày 11 đến 17/11/2013 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.



Đây là một trong các hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga giai đoạn 2013 – 2015.

Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2013 gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và trình chiếu các tác phẩm điện ảnh của Nga. Trong đó, lễ khai mạc với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 12/11/2013; chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra vào ngày 15/11/2013; chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra vào ngày 16/11/2013.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn) bố trí đón đoàn nghệ sỹ Nga và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật nói trên; đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tạo điều kiện giúp đỡ Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa của phía Nga tại địa phương mình./.

Read More...

Khai trương câu lạc bộ làng ẩm thực dê núi Ninh Bình

Sáng 1/8, xã Gia Sinh (Gia Viễn) tổ chức khai trương câu lạc bộ (CLB) làng ẩm thực dê núi Ninh Bình. Đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, thể thao và du lịch, huyện Gia Viễn, các doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ trên địa bàn xã Gia Sinh… đến dự.



Trước thực tế chất lượng phục vụ du khách ở một số nhà hàng, quán ăn kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn xã Gia Sinh còn hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương, các nhà hàng đã thảo luận và thống nhất đề nghị UBND xã Gia Sinh thành lập CLB ẩm thực dê núi Ninh Bình.

Theo đó, CLB bầu Ban chủ nhiệm, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, xây dựng logo biển hiệu (đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận).

Trên 20 thành viên CLB đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc các nội dung cơ bản như: Phải có Giấy đăng ký kinh doanh; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ban chủ nhiệm CLB về kinh doanh dịch vụ ăn, nghỉ; Các nhà hàng là hội viên của làng ẩm thực bán và làm thức ăn cho khách đúng chất lượng theo thực đơn; Giá các món ăn phải thống nhất theo quy định và niêm yết công khai tại các nhà hàng thành viên CLB; Cấm các hình thức tiếp thị không lành mạnh như trả tiền hoặc tặng quà cho lái xe…

Việc khai trương CLB làng ẩm thực dê núi Ninh Bình nhằm nâng cao ý thức và năng lực phục vụ khách du lịch trên địa bàn xã Gia Sinh, hình thành ý thức văn minh lịch sự trong kinh doanh thương mại, xây dựng uy tín với du khách, tạo điều kiện cho khách du lịch đến tham quan, chiêm bái khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An được thưởng thức những món ăn đặc sản của quê hương Ninh Bình…/.

Read More...

Bắn pháo hoa chào mừng 10 năm Festival Biển Nha Trang

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa đồng ý UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút, vào tối 08/8/2013 tại Chương trình nghệ thuật chào mừng 10 năm tổ chức Festival Biển Nha Trang.



Việc tổ chức bắn pháo hoa thực hiện theo đúng Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; bảo đảm an ninh trật tự và tuyệt đối an toàn; không dùng ngân sách nhà nước.

Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2003, cứ 2 năm một lần, Festival Biển được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, du lịch.

Thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển được Festival đặc biệt quan tâm. Thông điệp thứ 2 của Festival Biển là việc quảng bá hình ảnh du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa đối với du khách trong nước và quốc tế.

Với quan niệm lễ hội là của nhân dân nên Festival Biển có sự tham gia rất rộng rãi và có hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân. Bờ biển, công viên biển được phép sử dụng để quảng bá thương hiệu, thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật. Những sự kiện như: Ngày thu nhặt rác, thể dục cổ động; ngày tắm biển… đã thu hút hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Mới đây, Festival biển Nha Trang năm 2013 đã diễn ra từ ngày 1 – 11/6/2013 với 68 chương trình đặc sắc, nổi bật nhất là các chương trình Liên hoan nhạc Rock - Hiphop toàn quốc; lễ hội hoa Quả Sơn; giải thuyền buồm toàn quốc; Nhà cổ và ẩm thực dân gian NhaTrang xưa; hội chợ du lịch biển quốc tế Nha Trang - Việt Nam 2013; tuần lễ phim Festival Biển Nha Trang; triển lãm ảnh về Trường Sa; thi dù bay quốc tế, lễ hội đường phố…

Du khách trong và ngoài nước về Nha Trang trong những ngày diễn ra Festival Biển tăng cao, chỉ trong 4 ngày diễn ra Festival Biển 2013, lượng khách đến Nha Trang đã đạt 450.000 lượt khách./.

Read More...

Tổ chức triển lãm “Thủ công mỹ nghệ Việt Nam” tại Pháp

Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp tham gia Hội chợ châu Âu Strasbourg - Cộng hoà Pháp và cử đoàn 4 người sang Pháp dàn dựng, tổ chức triển lãm “Thủ công mỹ nghệ Việt Nam”.



Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 6/9 đến ngày 16/9/2013.

Trước đó, Lễ khai mạc Năm Việt Nam – Pháp 2013 – 2014 đã được tổ chức từ tháng 4. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động nhân dịp 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chương trình Năm Việt Nam - Pháp được chia làm 2 giai đoạn. "Mùa Pháp tại Việt Nam" sẽ được tổ chức đến hết tháng 12/2013. Sau đó từ tháng 1 đến tháng 9/2014, hai bên sẽ tổ chức "Mùa Việt Nam tại Pháp".

Được biết, quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng phát triển năng động, toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện nay, Pháp là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Sự hỗ trợ hiệu quả của Pháp trong lĩnh vực hợp tác phát triển đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được gắn kết thông hợp tác giáo dục - đào tạo và văn hóa, thể hiện qua con số hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học tại Pháp và con số này tăng trung bình 30%/năm trong hơn một thập kỷ qua, đưa sinh viên Việt Nam trở thành cộng đồng châu Á thứ hai trong các trường đại học Pháp./.

Read More...

Hội chợ thương mại và du lịch Hành lang Kinh tế Đông Tây 2013

Tiếp nối thành công của Hội chợ Quốc tế Thương mại và Du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2012, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội chợ Quốc tế Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2013.



Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 08/8 đến ngày 13/8/2013 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng. Hội chợ lần này có sự tham gia của 280 đơn vị, với 500 gian hàng đến từ các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mục đích Hội chợ nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp các địa phương của Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và liên kết mở rộng thị trường.

Tại Hội chợ, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu các sản phẩm du lịch, thương mại và đầu tư trên các lĩnh vực bất động sản, công nghệ thông tin, điện tử, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, trang trí nội thất, thủ công mĩ nghệ, ẩm thực…

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chợ còn có nhiều hoạt động như: Hội thảo về kêu gọi đầu tư trên tuyến EWEC, chương trình giao lưu ca nhạc hàng đêm, hoạt động trò chơi, bốc thăm trúng thưởng, các chương trình khuyến mại dành cho người tiêu dùng…/.

Read More...