Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Những mánh khóe lừa đảo chết người khi đi du lịch

Khi được ai đó nhờ cầm chai nước ở sân bay, bạn tuyệt đối không nên nhận lời bởi rất có thể bạn sẽ bị bắt vì tội vận chuyển ma túy trái phép.



Du lịch là một trong những cách giải trí, thư giãn phổ biến nhất hiện nay. Thế nhưng, trong một xã hội đầy phức tạp như ngày nay, nếu không cẩn thận, chuyến đi du lịch của bạn có thể bị "phá sản" bởi những chiêu thức lừa đảo, những mánh khóe “chết người".

Nhờ cầm hộ đồ có giấu hàng cấm qua hải quan sân bay

Mới đây, trên Internet có đăng tải một video cảnh báo khách du lịch về thủ đoạn lừa đảo của những kẻ vận chuyển ma túy qua sự kiểm soát an ninh ở sân bay.

Theo đó, mục tiêu của những kẻ này hướng tới các khách du lịch dễ tin người, tốt bụng, lợi dụng họ để qua mặt nhân viên an ninh.

Ma túy được giấu rất chuyên nghiệp giữa những chai nước được chế tạo đặc biệt, sau đó ngụy trang giống như một chai nước thông thường. Kế đó, những kẻ lừa đảo sẽ nhờ một khách du lịch bất kỳ cầm hộ, đi qua trạm kiểm soát an ninh, hoặc giả là khi chúng thấy nguy hiểm để cần tẩu thoát. Nếu nhẹ dạ cả tin, hành khách có thể vô tình tiếp tay cho tội phạm mà không hề hay biết.

Ở nhiều quốc gia, nếu bị phát hiện sở hữu thuốc cấm hay ma túy, bạn có nguy cơ đối mặt với án tử hình. Vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào, tốt nhất là không nên cầm hộ đồ cho người khác.

Nạn móc túi



Đây là một chiêu trò ăn cắp cổ điển vô cùng nổi tiếng và có cái tên tiếng Anh cực kì dễ thương: pickpocket. Trong những ngày Olympic London 2012 diễn ra, các nhà chức trách đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn lòe bịp khách du lịch này.

Hiện nay trên thế giới, một trong những thành phố nổi tiếng nhất về Pickpocket chính là Barcelona, Tây Ban Nha.

Các băng nhóm Pickpocket thường gồm khoảng 3 người hoặc nhiều hơn, hoạt động ở những khu vực vô cùng đông đúc, có mặt khách du lịch.

Chúng thường đóng giả là khách du lịch, có 1-2 tên áp sát nạn nhân, giả vờ hỏi đường, sau đó 1 trong 2 hoặc kẻ thứ ba lợi dụng sơ hở của nạn nhân để móc túi, ví, điện thoại di động… trong thời gian nháy mắt.

Vì vậy, lời khuyên dành cho bạn là hãy để những đồ vật quý giá ở trước mặt hoặc cất kĩ trong ba lô khi đi du lịch.

Giả vờ kết thân để "cuỗm" đồ



Khi đi du lịch xa, sẽ rất thú vị khi có được những người bạn phương xa tốt bụng. Nhưng hãy cẩn thận, tình bạn tốt “chớp nhoáng” cũng có thể làm đồ đạc quý giá của bạn bốc hơi trong chớp mắt.

Trong vai một người lịch lãm, có duyên, ăn nói cởi mở nhiệt tình, “người bạn tốt” khiến bạn cười tít mắt. Người đó trò chuyện và kể cho bạn nghe về nghề nghiệp, một chút về gia đình họ…

Lòng mến khách của người đó sẽ tặng bạn một món quà dễ thương để lấy lòng hay có giá trị tương đối, một chiếc áo jacket chẳng hạn.

Và rồi đột nhiên, thẻ tín dụng của người đó không thể sử dụng để mua một lon nước. Tất nhiên, anh/chị ta sẽ đề nghị bạn thanh toán hộ số tiền ấy. Nếu bạn đồng ý đưa thẻ tín dụng, rất có thể, bạn đã bị lừa và sẽ không bao giờ gặp lại người bạn tốt ấy nữa.

Lừa đảo công nghệ cao



Không chỉ có những kẻ xấu lởn vởn mới cần đề phòng mà ngay cả nhân viên ở một số cửa hàng với trình độ công nghệ cao cũng là các chuyên gia bịp bợm.

Nếu gặp phải một nhân viên ở cửa hàng lưu niệm có thói quen nói chuyện điện thoại ngay cả trong lúc tính tiền thì hãy cẩn trọng với thẻ tín dụng cá nhân. Rất có khả năng người bán hàng không chân thật ấy đang dùng điện thoại để ghi lại số thẻ tín dụng của bạn đó.

Khi ấy, chỉ cần tuồn vào tay những tội phạm chuyên nghiệp hoặc sử dụng công nghệ đơn giản tự chế, chiếc thẻ của bạn sẽ bị làm giả trong phút chốc. Nghiễm nhiên sau đó, nhân viên trên có thể tiêu xài một cách tùy ý mà toàn bộ số tiền bạn phải chi trả.

Lời khuyên dành cho bạn là nên rút tiền ở các thẻ ATM gần nơi mình mua đồ (nhớ để ý xem có camera quay trộm hay thiết bị điện tử không an toàn gắn theo dõi ở ATM hay không) hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.

Theo TTVN

Read More...

Phượt cùng khách Tây

Chắc bạn sẽ thắc mắc, Tây phượt thì có gì khác so với ta phải không? Câu trả lời dĩ nhiên là khác nhau rất nhiều. Bởi vì với “phượt ta” mà đa số là giới trẻ, phượt là một chuyến đi để trải nghiệm bản thân, chỉ cần có thời gian, thích là đi. Còn với khách Tây, hầu hết đều trong độ tuổi trung niên, để có một chuyến đi phượt ở Việt Nam, họ phải đăng ký một tour du lịch có chương trình mạo hiểm bằng xe máy.

Tour môtô này được gọi là “Leader’s Tour”, vì đồng hành cùng họ là những “phượt thủ” dày dạn kinh nghiệm, quen thuộc địa hình để làm người dẫn đường kiêm hộ tống. Vì vậy mà khách đặt tên gọi những “phượt thủ” dẫn đường là “Tour leader”, “Captain”. Tên gọi với họ không quan trọng, bởi họ nhận mình là “người phục vụ” và hoàn thành nhiệm vụ, với họ như thế đã là chinh phục một thử thách.

Đây là một công việc đặc biệt, không phải tay phượt nào cũng có thể đảm đương nếu thiếu niềm đam mê cùng sự kiên nhẫn. Với chúng tôi, nếu không có dịp chứng kiến một hành trình đầy cam go sẽ không hình dung ra công việc thầm lặng này lại nhiều gian khổ như vậy.

Chân dung “Tour leader”


Anh Bình (áo xanh) dẫn đoàn xuất phát từ Buôn Ma Thuột

Anh Phạm Văn Bình, một trong những người tập hợp nhóm anh em chơi môtô thuộc Đội Môtô quận 1 (TP.HCM) được biết đến là một “Tour leader” kỳ cựu nhất. Nhiều thành viên khác của nhóm như anh Đào Hoàng Mai, Nguyễn Xuân Hàm, Nguyễn Nam Xinh… cũng vì đam mê thú chơi này mà thường xuyên tham gia mỗi khi có “Tour”.

Hay “lão tướng” Nguyễn Hạnh đã ngoài bảy mươi, phải giải nghệ vì sức khỏe, nhưng mỗi lần nhắc đến những chuyến đi, ông lại hào hứng như thời đang sung sức. Anh Bình nhớ lại, cơ duyên để anh đến với thú vui này và gắn bó với nó cũng thật tình cờ.

Từ một người mê môtô từ nhỏ, anh sắm xe để thỏa mãn niềm đam mê của mình. “Chơi có bạn”, anh tập hợp những người cùng sở thích rong ruổi từ Nam ra Bắc, từ đường gần đến đường xa. Những cung đường miền Trung, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc… lộ trình nào các anh cũng chinh phạt đến “mòn đường chết cỏ”.

Từ một chiếc môtô “tầm tầm” chạy được, có điều kiện là các anh lại nâng cấp, mua thêm… Thế nên, đã chơi môtô, ai cũng phải có ít nhất hai con “chiến mã” để thay đổi địa hình.

Ngày ấy, đường sá còn hiểm trở, gồ ghề, bao nhiêu là dốc cao, vực sâu giăng bẫy trên đường nên những chuyến đi của các anh chẳng khác nào hành xác, có khi còn đối diện với tử thần mà sau đó chẳng dám kể lại với người thân.

Lúc đó cũng chưa có khái niệm đi phượt là gì cả, đời dân mê môtô lắm khi thời gian phơi sương dãi nắng trên đường nhiều hơn ở nhà. Nhiều người không hiểu nổi “mấy ông hầm hố” này đam mê kiểu gì mà lại sống khổ như thế!

Những năm đầu 1990, khách nước ngoài bắt đầu đến Việt Nam nhiều, thông qua những công ty du lịch lớn trong nước để đi du ngoạn, khám phá vẻ đẹp tự nhiên trên mọi miền đất nước.


Dừng chân trên đèo Hải Vân

Khách rất đa dạng, thuộc nhiều thành phần, nhiều giới, nhiều người có máu mê môtô nên khi đi qua những cung đường đẹp, thi thoảng thấy có người đi môtô, không ít khách bày tỏ ý muốn được trải nghiệm cảm giác cầm lái nơi xứ lạ.

Ở nước ngoài đây là một dịch vụ phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì thời điểm ấy và cho đến bây giờ, không có công ty du lịch nào dám mạo hiểm để khách tự chạy môtô, bởi có nhiều rủi ro không thể lường được.

Cái khó… ló cái sáng tạo khi người làm tour nghĩ ra cách mời các tay môtô cùng cộng tác để đảm bảo an toàn cho khách. Thế là nhóm anh em Đội Môtô quận 1 được nhắm đến, bởi các thành viên đã được tôi luyện qua mọi địa hình, đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để dẫn đoàn khách nước ngoài đi môtô.

Đoàn khách đi “Tour leader – tour môtô có người dẫn đường” đầu tiên là 50 người khách đến từ Pháp, họ đi xuyên Việt để tìm lại những ký ức của họ và người thân đã từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam.

Chuyến đi “trở về” ấy khiến ai cũng xúc động, đội ngũ “Tour leader” có 15 người, ai cũng hồi hộp như chính mình đi môtô lần đầu tiên chứ không phải là khách. Bởi cảm giác trải nghiệm một mình trên xe và khi gánh trên vai việc hướng dẫn rất khác nhau. Đó là một trách nhiệm lớn, không được phép sơ suất khiến các “Tour leader” phải tập trung rất cao.

“Nghề chọn mình nên cũng lắm vui buồn, nhưng rồi lòng tin, sự tín nhiệm của khách làm cho chúng tôi không dứt ra được cái nghiệp đã trót mang. Cái được lớn nhất của chúng tôi là được khám phá, được trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, con người ở nhiều nơi trên đất nước mình. Thấy cả những điều tốt xấu, được mất. Cái khó là công việc này như con đường chưa ai khai phá nên chúng tôi phải tự tìm tòi, hoàn thiện để khách có được những chuyến đi an toàn, thú vị, để lại ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam cho khách nước ngoài. Ngày nào còn bỡ ngỡ làm quen với công việc mới mẻ này, vậy mà đến nay đã 20 năm rồi, nhưng chuyến đi nào cũng cho mình nhiều điều để học hỏi” – anh Bình không giấu cảm xúc bồi hồi khi chia sẻ.

Là nghiệp, bởi anh em trong đội môtô không ai sống bằng công việc làm “Tour leader” mà phải làm việc khác để nuôi niềm đam mê của mình. Anh Bình có cơ sở sửa chữa, mua bán xe môtô, anh Hàm là kỹ sư xây dựng, anh Xinh, anh Mai đều làm kinh doanh, buôn bán…

Khách Tây mê môtô

Khách đi tour môtô đều là những người thích mạo hiểm, từng trải nghiệm cảm giác tự lái môtô ở nhiều nước nên họ ít nhiều đã có kinh nghiệm, chỉ khác nhau địa hình nên cũng dễ làm quen, thích nghi với loại hình du lịch này.



Họ hiểu sức khỏe là yếu tố quan trọng đảm bảo cho chuyến đi thành công nên tự chăm sóc mình rất cẩn thận, lại thường xuyên luyện tập nên sức khỏe của họ rất dẻo dai, ít gặp những sự cố trên đường đi. Còn những tai nạn nhỏ, “đo ván” nhẹ khiến trầy xước tay chân là điều không thể tránh khỏi.

Một người khách Mỹ đã từng bắt tay nói với các anh trước lúc khởi hành rằng “Mình là dân mê môtô, một khi đã ngồi lên môtô rồi thì ai cũng như nhau, đều là bạn bè”. Và ông đã xem các anh trong đội “Tour leader” như bạn bè thật sự chứ không phải người phục vụ mình.

Dân môtô có tính cách chung là mạnh mẽ, phóng khoáng, vui vẻ, biết chấp nhận khó khăn nên cũng rất dễ hòa đồng. Chính vì vậy, từ những ngày đầu còn xa lạ, chưa quen biết nhau, nhưng trải qua hành trình chừng vài ngày, những lúc dừng nghỉ trên đường, cùng chuyện trò, ăn uống là mọi người đã trở nên thân thiết hơn.

Để rồi khi kết thúc hành trình, lần chia tay nào cũng diễn ra trong lưu luyến, bịn rịn. Anh Bình cho biết, nhóm khách ít thì có khoảng chục người, còn nhiều thì năm, bảy chục người, có khi hơn cả trăm người đến từ nhiều nước.

Phần lớn là khách Mỹ,Úc,Canada, Pháp, Đan Mạch… Và đội ngũ “Tour leader” cũng dao động ít nhất là bốn người đến 15 người cho mỗi chuyến đi.


Những “bóng hồng” tham gia “Tour leader”.

Mục đích của khách đến với tour chỉ là được cầm lái môtô chứ không như khách thông thường là thích mua sắm, chụp ảnh… nên họ không mất thời gian cho những việc này. Thỉnh thoảng, họ chỉ mua vài món quà tặng, đồ chơi dễ thương như thú bông vui đùa trên đường đi, kết thúc hành trình họ tặng lại cho các “Tour leader” để làm kỷ niệm.

Cả khách nữ cũng thế. Họ cũng gan dạ, gai góc, có nhiều kỹ năng xử lý tình huống trên đường đi và luôn có tinh thần đồng đội, tính kỷ luật rất nghiêm túc.

Khách nữ chu đáo, trước khi vào bản làng, họ mua bánh kẹo để phát cho trẻ em. Khi mở vỏ bao bánh kẹo cho trẻ ăn xong, họ nhặt bỏ vào thùng rác và dạy các em cũng nên làm như thế. Một hành động nhỏ về ý thức bảo vệ môi trường của khách nước ngoài khiến nhiều người dân Việt Nam phải giật mình xấu hổ.

Có hai du khách tour môtô đặc biệt của kênh truyền hình Discovery đến Việt Nam vào năm 2008 làm tiền trạm cho một chương trình về du lịch khám phá mà các anh luôn nhớ đến về sự bài bản và chuyên nghiệp của họ. Bởi lần đầu tiên có khách đi tour môtô mà mang theo môtô từ Mỹ sang.


Hai con “chiến mã” của hai vị khách mang từ Mỹ sang.

Đó là hai chiếc BMW 1.200 phân khối cùng hệ thống định vị để lập trình đường đi một cách khoa học, chính xác. Có phương tiện nhưng họ vẫn cần đến “Tour leader” dẫn đường.

Cách tiếp cận, khai thác thông tin của họ rất tự nhiên, chân thật, không “tạo hiện trường” như thường thấy ở ta khiến nhiều người “ngoại đạo” như các anh “Tour leader” cũng phải khâm phục cách làm việc của họ.

Những cung đường mạo hiểm

Không ít người Việt Nam trong đời chưa được một lần đi dọc con đường thiên lý Bắc – Nam để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp của những cung đường tuyệt mỹ được thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, với các phượt thủ là “Tour leader”, được đi đã là một niềm hạnh phúc, tự hào không gì sánh bằng.

Cũng một cung đường ấy nhưng mỗi lần đi lại vẫn mang một cảm xúc khác nhau. Và mặc dù đã thông thuộc đường đi, người cầm lái môtô vẫn không được chủ quan vì thời tiết luôn là một cản ngại khó lường.

Anh Bình cho biết, tùy vào yêu cầu và thời gian của khách mà sắp xếp lộ trình cho hợp lý. Thường với tour dài ngày khoảng hai tuần trở lên, đoàn sẽ xuất phát từ TP.HCM đi dọc các tỉnh miền Trung, lên Tây Nguyên, hết lên rừng lại xuống biển rồi lại theo quốc lộ ra miền Bắc, đi lên các tỉnh Đông, Tây Bắc.


Sương mù trên đỉnh Hòn Giao khiến khách phải dừng lại mặc áo mưa.

Còn nếu xuất phát từ Hà Nội thì phải gửi xe từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe lửa, cũng đi các tỉnh miền Bắc rồi về lại TP.HCM. Có khi đi xuyên Việt nhưng khách chỉ chọn những cung đường đẹp để đi môtô, sau đó tiếp nối hành trình bằng ôtô hoặc phương tiện khác.

Chẳng hạn, có đoàn khách đi môtô từ TP.HCM ra Huế, rồi từ Huế bay ra Hà Nội mới đi tiếp bằng môtô lên Tây Bắc.

Ngoài đội ngũ “Tour leader”, chuyến đi nào công ty du lịch cũng phải trang bị xe hậu cần chở hành lý cho khách cùng phụ xe, thợ sửa xe. Phòng khi đoạn đường nào khách muốn lên ôtô nghỉ ngơi thì có thể “đổi tài”.

Anh Mai nhớ lại, những chuyến đi xuyên Việt đầu tiên cùng khách, nhiều đoạn đường còn rất xấu, toàn đá sỏi, lại hoang sơ, vắng vẻ. Đoạn quốc lộ 14 từ Đà Nẵng đi Kon Tum chỉ chạy được mỗi giờ khoảng 10km.

Có khách không dám đi ban đêm, phải dừng lại chờ trời sáng. Với khách nữ, nhiều người sợ nhất là đi qua đường rừng vào mùa mưa bởi con vắt dễ bám vào người hút máu.

Từ năm 2006, đường sá đã thay đổi nhiều, khang trang, đẹp đẽ hơn, không còn những “con đường đau khổ” nữa khiến ai cũng vui mừng. Những chuyến đi gian khổ trước đó vì vậy trở thành kỷ niệm mà các anh chia sẻ cùng khách để họ cảm nhận được những cung đường “nay đã khác xưa”.

Nhóm khách I.D Mug Shots có mười người gồm bốn khách nữ, sáu khách nam đến từ Úc đi xuyên Việt vào những ngày giáp Tết Tây là một chuyến đi thú vị, không quá đông như những chuyến đi “khủng” trước đó rất dễ bị căng thẳng.


Khách mua thú nhồi bông để làm quà lưu niệm

Thời điểm TP.HCM rộn ràng không khí mùa lễ hội, đường sá được trang hoàng và đông đúc hơn nên ai cũng thấy phấn khởi, háo hức chờ đợi chuyến khởi hành đón năm mới. Thủ tục cho khách làm quen với xe để chọn xe diễn ra nhanh chóng tại Thảo Điền (quận 2) và lên đường tại xa lộ Hà Nội thẳng hướng Madagui đến Đà Lạt.

Từ Đà Lạt, đoàn theo tỉnh lộ 723 qua đèo Hòn Giao để đi Nha Trang rồi lại lên Buôn Ma Thuột. Người dân không còn xa lạ với hình ảnh đoàn khách nước ngoài đi môtô, có “tiền hô, hậu ủng”, thi thoảng ghé qua mua bắp, khoai luộc, chuối của người dân bán bên đường, ghé trạm đổ xăng… rồi lại tề chỉnh lên đường.

Từ Buôn Ma Thuột đi phố núi Pleiku, khách được trải nghiệm trọn vẹn cung đường Tây Nguyên, rồi lại xuống thành phố biển Quy Nhơn để xuôi ra Bắc.

Từ Hà Nội, đoàn thẳng lên Yên Bái rồi đến Lào Cai vào buổi chiều muộn. Nghe nhắc đến SaPa- thị trấn trong sương mù là điểm dừng chân sắp đến khiến ai cũng hào hứng hẳn lên. Nhiều người đã tìm hiểu về SaPa trước đó nên tỏ ra thích thú khi cột mốc km bên đường đến SaPa cứ ngắn lại dần.

Lúc này thời tiết đỏng đảnh, thay đổi từng giờ nên dù đã được cảnh báo trước, khách vẫn bị một phen bất ngờ. Số là khách đang thong dong, lỏng tay ga ngắm cảnh đẹp thì đột ngột sụp xuống một cái dốc sương mù dày đặc, khí lạnh tràn về làm người lần đầu tiên trải nghiệm khó tin được hiện tượng này.

Có người sốc thời tiết, không kịp giữấm đã bị sốt. Bà Lyn Casey đã bị trượt té tại cây số 17 đường Lào Cai – Sa Pa. Khi ngồi dậy, bà còn hài hước bằng cách lấy viên đá ghi lên vách núi bà đã té ở đó. Xong rồi bà tiếp tục tự cầm lái, không chịu để cho bạn đồng hành chở mình.

Đến SaPa, mọi người thở phào, ôm chầm lấy nhau trong niềm vui và xúc động vì đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài vất vả. Phút giây ấy thật khó tả.SaPavề đêm nhiệt độ xuống thấp, trời càng lạnh.

Mọi người về khách sạn nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình vào ngày mai. Anh Bình cho biết, “Tour leader” có những nguyên tắc không tìm hiểu quá sâu về thân chủ để tập trung cho công việc.

Vì đảm bảo an toàn trên đường đi là việc của các anh, còn dừng lại cho khách tham quan là việc của hướng dẫn. Mọi việc đều được phân định rõ ràng và ai cũng phải hoàn thành, không để khách phải phàn nàn điều gì.

Mỗi điểm dừng, tùy nơi mà khách sẽ có thời gian tham quan, tìm hiểu theo yêu cầu. Còn các anh, mỗi khi dừng, việc đầu tiên là kiểm tra xe với sự hỗ trợ của thợ máy. Phải làm sao để khi khách tiếp tục hành trình thì xe cộ đều “ngon lành”.

Hành trình ở Sa Pa may mắn rơi vào thứ Ba, ngày có phiên chợ Cốc Ly ở Bắc Hà nên dù không nằm trong chương trình, các anh “Tour leader” vẫn đưa khách đi tham quan để thấy được sự độc đáo của văn hóa địa phương.

Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần, đồng bào quanh đó mang vật dụng làm được ra bày bán, từ quần áo thổ cẩm đến rau quả, trâu bò… Hàng quán bán những món ăn đặc sản, nổi tiếng nhất là món thắng cố luôn nhộn nhịp khách.

Dù đường xấu, Cốc Ly cách SaPa 60km mà có đến 10km đường rất khó đi nhưng SaPa đã nạp năng lượng cho mọi người nên ai không cảm thấy mệt mỏi nữa.

Sự nhiệt tình của các anh khi không làm khách bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ khiến cho khách rất vui, họ bảo thích cách làm việc tử tế và chuyên nghiệp như vậy. Chính vì thế mà có du khách khi trở lại, dù qua công ty du lịch nào cũng hỏi “có Mr. Bình đi Tour leader không?”.

“Bác sĩ” của xe – người không thể thiếu trên mọi hành trình

Với “Leader tour”, tour trải nghiệm chinh phục bản thân, chinh phục những cung đường là chính chứ không phải chinh phục tốc độ. Thế nên yếu tố an toàn phải được chú trọng hàng đầu.

Trước khi khởi hành, xe cộ phải được chăm sóc, bảo dưỡng cẩn thận từng chi tiết. Nhưng do địa hình phức tạp, đường xa nên “Tour” nào cũng phải có mặt một người đặc biệt – “bác sĩ” xe môtô.


“Bác sĩ” Trường Giang kịp thời khám chữa bệnh cho xe tại trạm đổ xăng.

Trường Giang là “con nhà nòi” có máu mê môtô, từ mê “vọc” xe mà trở thành “bác sĩ” của mọi “chiến mã”. Tham gia tour từ năm 16 tuổi với vị trí là thợ máy, đến nay anh đã có thâm niên 20 năm trong nghề.

Bình thường anh hay ngồi trên ôtô hậu cần để quan sát đoàn “chiến mã”, nhưng nếu cần thì anh cũng là một “Tour leader” có hạng. Mỗi khi lên, xuống dốc đèo, vào khúc cua, có khi khách chưa quen xe nên chưa nhận biết những dấu hiệu chớm bệnh của xe, nhưng anh thì đã nhận ra từ xa và tìm cách xử lý.

Có khi báo với khách để đổi xe, hoặc đến điểm dừng là khám chữa bệnh cho xe ngay. Nhiều lần bắt bệnh chính xác từ xa khiến không chỉ khách mà anh em trong đoàn môtô cũng phải “kiêng nể” tài của anh.


Trên quốc lộ 20 tiến vào Đà Lạt.

Với anh em môtô, niềm vui lớn nhất là được cùng những con “chiến mã” cưng rong ruổi nhiều nơi, những cung đường càng hiểm trở càng thú vị. Với công việc làm “Tour leader”, họ có niềm vui vì có thêm những người bạn mới cùng sở thích, được giới thiệu Việt Nam đến du khách quốc tế bằng một tinh thần rất Việt Nam: chân thành và cởi mở.

Đó cũng là cách mà các anh đóng góp để du lịch Việt Nam thu hút nhiều người biết đến hơn và phát triển hơn.

(Theo DNSGCT)

Read More...

Đón Tết cùng chuỗi chương trình ẩm thực dân gian

Khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng sẽ tổ chức các chương trình ẩm thực theo các chủ đề truyền thống, đưa du khách đến gần hơn với không khí đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Năm nay, các chương trình bao gồm chợ quê ngày Tết, món ngon Hà Nội và tiệc Tết tự chọn năm Quý Tỵ.

Chuỗi chương trình bắt đầu với đêm "Món ngon Hà Nội" vào đêm 18/1. Hà Nội là nơi có nhiều món ăn đường phố từ các loại bún, nộm, nem cho đến các món nướng, món ăn chơi hay các loại chè. Vì vậy, đêm món ngon Hà Nội tại khu nghỉ mát sẽ làm vơi đi nỗi nhớ của người Hà Nội đang ở Đà Nẵng. Những người chưa từng đến Hà Nội cũng sẽ được nếm trải ẩm thực thủ đô.



Bữa tối tự chọn sẽ giới thiệu đến du khách hơn 40 món, trình bày tại 7 quầy thức ăn chính, bao gồm các loại bún, nộm, phở, ốc, các món nướng, các món xào và chè. Thực khách sẽ tìm thấy những món đặc sản Hà Nội khoái khẩu cho riêng mình như bún ốc cua đồng, bún thang, bún mọc và dọc mùng, bún đậu mắm tôm, nem tai lợn trộn thính. Ngoài ra, tại đây còn có các món ăn như nộm rau muống bò, phở tươi cuốn, ốc om chuối đậu, thịt đông, xôi - chim câu xào, gà luộc, thịt quay kho nước dừa, cùng nhiều món ngon khác.

Chương trình "Chợ quê ngày Tết" sẽ diễn ra vào đêm thứ 6, 7 và chủ nhật. Ngày 1 đến ngày 3/2 (nhằm ngày 21, 22 và 23/12 âm lịch), khuôn viên khu nghỉ mát sẽ biến thành một làng quê Việt với mái nhà tranh, lũy tre làng, những bụi chuối xanh, đống rơm, cùng đứa trẻ mục đồng ngồi thổi sáo vắt vẻo trên lưng trâu.

Các hoạt động thường nhật đầu năm mới sẽ được diễn ra nhộn nhịp tại các gian hàng nhiều màu sắc của "Phiên chợ Tết" cổ truyền. Tại đây, bạn có thể tham quan và trải nghiệm gian hàng Trà Cô Lý, ẩm thực bánh, mứt, bánh chưng, gian đồ chơi trẻ em với "tò he", lồng đèn, chuồn chuồn tre, gian hàng Thư Pháp, xem bói đầu năm… Chỉ với 30.000 đồng một coupon mua hàng, "Chợ quê" tại Furama sẽ thu hút hàng trăm khách du lịch địa phương và quốc tế mỗi năm.



Tiệc Tết tự chọn sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/2 (nhằm đêm giao thừa, mùng một và mồng hai Tết âm lịch). Ấn tượng đầu tiên của du khách khi bước vào tiền sảnh chính là "tấm bình phong" lớn, được tạo nên từ hàng trăm chiếc đèn lồng lấp lánh, rủ xuống một "vườn hoa" với đủ màu sắc vàng, xanh, đỏ, cùng với một gốc mai lớn ở trung tâm và các dải pháo ở hai bên. Cách bày trí tạo nên một không khí thật xuân.

Ngay tại trung tâm còn treo những chiếc đèn lồng đường kính hơn 3m. Đây có thể xem là chiếc lồng đèn vẽ bằng tay trên lụa lớn tại miền Trung. Bữa tiệc mang phong vị cổ truyền Việt Nam với tục lì xì, lễ múa lân sáng mùng một, cùng mứt gừng, bánh chưng, trà nóng... sẽ làm ấm lòng du khách, đặc biệt là những người đang hưởng cái Tết nơi "đất khách quê người".

Ngoài ra, trong dịp này, khu nghỉ mát Furama Đà Nẵng cũng giới thiệu đến du khách chương trình khuyến mãi 3 ngày 2 đêm dành cho xuân Quý Tỵ, với mức giá 7,999 triệu đồng phòng hai khách.

Tại đây có các dịch vụ bao gồm hai đêm lưu trú tại Furama Resort, ăn sáng tự chọn hàng ngày, đưa đón tại sân bay Đà Nẵng bằng xe buýt. Khách sẽ được xe đưa đón tham quan phố cổ Hội An hàng ngày theo lịch trình của Furama, được lì xì một phiếu thanh toán trị giá 999.000 đồng cho dịch vụ ẩm thực tại các nhà hàng của Furama.



Mặt khác, khách sẽ được giảm 20% cho dịch vụ spa và giặt ủi nhân dịp đầu năm. Khách được đón khách tại sảnh với khăn lạnh và nước hoa quả tươi. Nơi đây miễn phí truy cập Internet không dây tốc độ cao trong phòng và các khu vực công cộng, miễn phí hoa quả tươi, bình đun nước, trà và café tự pha trong phòng. Khách còn được sử dụng miễn phí bể bơi, phòng tập thể hình, phòng tắm hơi, phòng chơi game, CLB trẻ em và tham gia miễn phí các lớp taichi vào mỗi buổi sáng

Nguồn: Furama

Read More...

Tuần lễ bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long

Từ ngày 12 đến 19/1, chương trình "Hành động vì Hạ Long" sẽ được diễn ra với các hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của thế hệ trẻ đối với di sản thiên nhiên thế giới.

Chương trình thu hút hơn 120 tình nguyện viên trong nước và quốc tế, đến từ hơn 30 quốc gia với nhiều hoạt động thiết thực như hội thảo, triển lãm, hoạt động từ thiện, làm sạch bờ biển và làng chài nổi.


Du thuyền Âu Cơ đưa các tình nguyện viên làm sạch các bãi biển trên vịnh Hạ Long.

Hàng năm, vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách thăm quan với hàng nghìn tàu lớn nhỏ hoạt động. Tuy nhiên, tại đây, ý thức bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững chưa cao, gây nhiều bất cập và vấn đề về ô nhiễm môi trường biển.


Chương trình giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường tại làng chài nổi Vung Viêng.

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long, Công ty du thuyền Bhaya đã chung tay với ban tổ chức chương trình "Hành động vì Hạ Long", cùng tổ chức hoạt động môi trường ý nghĩa này. 120 bạn tình nguyện viên được đi trên hai du thuyền Âu Cơ đến làng chài Vung Viêng, khu vực biển Vụng Hà, nhiều bãi biển xung quanh để vớt rác, làm sạch bãi biển. Ngoài ra, các bạn còn giao lưu với người dân địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.


Khu vực Vụng Hà với rất nhiều bãi biển đẹp lớn nhỏ cần được giữ gìn và bảo vệ.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du thuyền Bhaya chia sẻ: "Chương trình 'Hành động vì Hạ Long' có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao tầm nhận thức về bảo vệ môi trường biển, góp phần phát triển du lịch tại vịnh Hạ Long. Với phương châm gắn với phát triển du lịch bền vững ngay từ ngày đầu thành lập, công ty luôn tìm kiếm mọi cơ hội và ủng hộ, đóng góp công sức của mình để chung tay giữ gìn cảnh quan vịnh Hạ Long cho các thế hệ sau. Với sự đóng góp nhỏ bé nhưng thường xuyên và tích cực, công ty sẽ góp phần cải thiện từng ngày cảnh quan tuyệt đẹp của di sản thiên nhiên thế giới".

Nguồn: Du thuyền Bhaya

Read More...

Vietravel nhận giải 'Thương hiệu Quốc gia 2012'

Công ty du lịch Vietravel vừa được vinh danh "Thương hiệu Quốc gia 2012", sau khi khẳng định vị trí tại các giải thưởng, danh hiệu quốc tế như TTG Travel Awards 2011, 2012 và được Bộ Du lịch các nước công nhận.

Thương hiệu do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia bình chọn và đề xuất Chính phủ trao tặng. Đây là giải thưởng tầm vóc quốc gia dành tặng cho những doanh nghiệp xuất sắc, thuộc các nhóm ngành nghề trong cả nước, theo các tiêu chí uy tín - chất lượng - đổi mới và sáng tạo - năng lực tiên phong… Đây còn là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu quốc gia, thông qua thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Điều này góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.


Bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel vinh dự nhận giải thưởng "Thương hiệu Quốc gia 2012".

Chỉ riêng năm 2012, Vieravel đã gặt hái những thành công lớn với các giải thưởng "Du lịch Việt Nam 2011", "The Guide Awards 2011 - 2012", "Nhân tài đất Việt", "Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2011". Ngoài ra, đơn vị này còn nhận được các giải thưởng trong chương trình "Lễ tôn vinh Thương hiệu Du lịch hàng đầu TP HCM", "Thương hiệu Việt yêu thích nhất năm 2012" của báo Sài Gòn Giải Phóng, "Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2012".

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, Vietravel nhận các giải thưởng như "Tourism Alliance Awards" do Hiệp hội Du lịch của các nước Việt Nam - Lào - Campuchia và Myanmar trao tặng, giải thưởng "TTG Travel Awards 2012" do độc giả báo TTG Asia - tờ báo chuyên ngành lữ hành lớn tại châu Á bình chọn và trao tặng. Năm qua, Vietravel đã đạt mức doanh thu trên 2.400 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty xác lập kỷ lục về doanh thu trong lĩnh vực lữ hành tại Việt Nam.

Những giải thưởng đạt được là động lực để công ty quyết tâm phấn đấu, không ngừng đóng góp cho sự phát triển của xã hội và cộng đồng, theo triết lý kinh doanh "Du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường". Đây là mục tiêu và thông điệp Vietravel gửi đến cộng đồng, cùng nhau đồng hành và phát triển theo xu hướng bền vững, tất cả vì khách hàng. Vietravel đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu dài dạn đến năm 2015, trở thành công ty lữ h
ành đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam và top 10 công ty lữ hành hàng đầu châu Á vào năm 2020.


Thời tiết dịu mát hòa cùng cảnh đẹp thơ mộng, lãng mạn của núi rừng Tây Bắc... sẽ là điểm đến thu hút du khách trong mùa xuân năm nay.

Nhân sự kiện này, công ty triển khai chương trình "Tri ân khách hàng" với nhiều ưu đãi. Theo đó, khi đăng ký tour nước ngoài từ ngày 7 đến hết 27/1 theo các tuyến Đài Loan - 6 ngày (khởi hành mùng 4, 5), Ấn Độ 11 ngày (khởi hành mùng 1, 3), Philippines - 4 ngày (khởi hành mùng 1, 6), Jakarta - 4 ngày (khởi hành mùng 1), Liên tuyến Nhật - Hàn - 8 ngày (khởi hành mùng 3), khách sẽ được nhân ba hạn mức tặng coupon (với 3 triệu đồng được tặng 150.000 đồng).

Đối với các tuyến miền Bắc, khi đăng ký tour khởi hành từ ngày 10 đến 19/2, khách sẽ được nhân ba hạn mức tặng coupon. Vì vậy, với 3 triệu đồng, khách được nhận ngay coupon trị giá 150.000 đồng. Các tour trong nước có ngày khởi hành từ 14/2 (mùng 5 Tết Nguyên đán) đến 19/3, khách sẽ được nhận ngay coupon trị giá 100.000 đồng cho 3 triệu đồng khi thanh toán.

(Nguồn: Vietravel)

Read More...

'Năm 2013 cần giải quyết triệt để nạn chèo kéo du khách'

Dịch vụ, môi trường du lịch, giải quyết tình trạng chèo kéo, lừa đảo khách và xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn... là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2013.


Hội nghị trực tuyến diễn ra tại các điểm cầu Hà Nội, Phú Thọ, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Gia Lai. Ảnh: Cinet.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2013 ngày 10/1, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong bối cảnh chịu tác động của suy thoái kinh tế năm 2012, du lịch Việt Nam thu hút hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 32,5 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt khoảng 160 tỷ đồng. Cùng với việc vịnh Hạ Long đón nhận danh hiệu kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và triển khai tốt các hoạt động năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch hấp dẫn và giàu bản sắc văn hóa.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng chỉ ra những hạn chế. Đó là Việt Nam chưa có những sản phẩn du lịch đặc thù, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, nhiều chương trình còn đơn điệu, trùng lặp chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Chất lượng dịch vụ thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với một số nước trong khu vực.


Đại biểu tham gia báo cáo tại hội nghị. Ảnh: B.M.

"Sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm bản sắc dân tộc còn thiếu, chưa xây dựng được thương hiệu du lịch quốc gia có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tình trạng lừa đảo, nâng giá, ép giá dịch vụ, cướp giật của khách du lịch tại một số địa bàn trọng điểm chưa được khắc phục, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam", Thứ Trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

Để tăng cường chất lượng sản phẩm du lịch, một số đại biểu cho rằng mỗi địa phương cần có một sản phẩm riêng, đặc trưng cho vùng đó. Được xem là thị trường du lịch lớn ở phía Nam, TP HCM triển khai triển lãm ảnh chợ Sài Gòn - hoa Đà Lạt và biển Mũi Né. Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa TP HCM, ông Lã Quốc Khánh, ngoài liên kết TP HCM - Lâm Đồng - Bình Thuận, TP HCM còn mở rộng hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước. Biến sự kiện văn hóa Sài Gòn - 100 điều thú vị thành sản phẩm du lịch cũng là cách tạo sự khác biệt của TP HCM.


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các mục tiêu cần chú trọng trong năm 2013. Ảnh: B.M.

Sau khi lắng nghe các báo cáo và thảo luận của đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo đẩy mạnh du lịch vùng có sản phẩm du lịch đặc trưng, các địa phương cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để có nhiều tour chung...

"Trong năm tới, tình trạng chèo kéo, chèn ép và lừa đảo khách du lịch phải được giải quyết triệt để. Đồng thời các điểm đến du lịch cần nâng cấp các nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần phối hợp với các ngành khác như giao thông vận tải, công an hay công thương tốt hơn nữa để hỗ trợ khách về xuất, nhập cảnh, đi lại và lưu trú", Phó thủ tướng nói.

Trong năm 2013, mục tiêu của du lịch Việt Nam là đón 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 5% so với năm 2012), phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa (tăng 7% so với năm 2012), thu nhập du lịch đạt 170 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2012)

Bình Minh

Read More...

10 vịnh biển không thể bỏ qua ở Việt Nam

Lăng Cô, Xuân Đài, Vân Phong... đều là những vịnh biển mang vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn.

1. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Vịnh Hạ Long như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động. Hàng nghìn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khỏe khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Ngày 11/11/2011, Vịnh Hạ Long chính thức lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do Tổ chức New7Wonders tổ chức.



2. Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế)

Vịnh Lăng Cô, huyện Phú Lộc là một vùng đất giàu tiềm năng bởi thiên nhiên, phong cảnh đẹp. Phía trên vịnh là đèo Hải Vân, núi chạy dài ra sát mép biển. Bên dưới là bãi tắm Lăng Cô phẳng lì, nước xanh trong. Lăng Cô là một vùng biển hiền hòa, nguyên sơ với một dải cát trắng mịn, mặt nước biển xanh trong. Hiện nay, vịnh Lăng Cô đã chính thức trở thành thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays Club).



3. Vịnh Xuân Đài (Phú Yên)

Cách thành phố Tuy Hòa về hướng bắc chừng 45km, vịnh xuân Đài được tạo thành bởi một dãy núi chạy dài ra biển trông giống hình đầu của một con kì lân. Ít có vịnh nào sự đa dạng đan xen về địa hình như vịnh Xuân Đài. Ghềnh nối tiếp vũng, vũng nối tiếp bãi, bãi nối tiếp núi, uốn lượn trùng điệp. Chỉ riêng vũng đã có hàng chục cái, to nhỏ, nông sâu khác nhau.

Xuân Đài cũng có rất nhiều núi, đảo và bán đảo, nơi nào cũng đẹp một cách hoang sơ. Một nét độc đáo khác của vịnh Xuân Đài là những bãi cát sạch mịn màng, tinh khiết. Nằm trong danh sách đề cử những vịnh đẹp nhất thế giới, Vịnh Xuân Đài là một trong những thắng cảnh tiêu biểu ở Phú Yên.



4. Vịnh Vũng Rô (Phú Yên)

Vịnh Vũng Rô rộng 1.640ha mặt nước, với phong cảnh quyến rũ tuyệt vời cho du khách tham quan, tắm biển. Trong lòng biển của Vũng Rô có nhiều loài hải sản, dưới đáy biển là những rạn san hô màu rất hấp dẫn cho các loại hình du lịch câu cá, bơi, lặn. Các bán đảo này ôm lấy Vũng Rô, tạo nơi đây thành một cảng biển tốt, để tàu thuyền neo đậu, tránh bão, đánh bắt cá.

Vũng Rô được các dãy núi Đèo Cả, Đá Bia, Hòn Bà che chắn cả 3 hướng bắc, đông, tây. Phía nam là cửa biển có đảo Hòn Nưa cao 105m như một pháo đài canh gác cho tàu bè ra vào.



5. Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa)

Được che chắn bởi 19 đảo lớn nhỏ, vịnh Nha Trang khá kín gió, không có sóng lớn. Trong vịnh Nha Trang có gần mười đảo yến, hàng năm việc khai thác yến sào mang về hàng triệu USD cho tỉnh Khánh Hòa. Dưới mặt vịnh Nha Trang lại có một thế giới kỳ thú khác, đó là thế giới của 350 loài san hô, 190 loài cá, các loài nhuyễn thể, giáp xác, cỏ biển…



Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Tháng 7/2003, cùng với Vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang chính thức được công nhận và xếp hạng là một trong 29 vịnh đẹp nhất trên thế giới.

6. Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)

Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, cách thành phố Nha Trang khoảng 80km về phía Bắc. Vịnh có địa hình rất phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu kín gió, các bờ cát, cồn cát hấp dẫn và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật ven biển…. Trong những năm gần đây, vịnh Vân Phong đã tạo được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu và khai thác du lịch trong, ngoài nước.



7. Vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa)

Ninh Vân là một hòn đảo xinh đẹp nằm trong quần thể vịnh Nha Trang, thuộc bán đảo Hòn Hèo, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cảnh thiên nhiên ở Ninh Vân gần như được giữ nguyên bản với những gì tự nhiên và hoang sơ nhất. Ninh Vân yên bình, xanh mướt hoa cỏ, thiên đường này sở hữu những rặng núi cao, rừng cây xanh ngút tầm mắt.

Bãi biển cát trắng mịn, biển xanh như ngọc hay những rạn san hô ngầm đầy kỳ thú cũng là những yếu tố chính thu hút khách du lịch đến với Ninh Vân. Nơi đây chỉ thấy những ngôi nhà gỗ nhỏ nằm ngay sát bờ biển, trên đá hoặc chếch trên đồi…



8. Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa)

Vịnh Cam Ranh nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 60km về hướng nam, là một vùng “non xanh nước biếc”. Mặt vịnh trong xanh, mênh mông, hầu như phẳng lặng quanh năm. Trong lòng vịnh có nhiều rạn san hô, những đàn cá màu sặc sỡ lôi cuốn những ai đam mê môn lặn biển. Vịnh còn có nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, bên cạnh những hàng dừa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của miền duyên hải Trung Bộ. Vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch biển quốc tế như: bơi thuyền, câu cá, lặn biển ngắm san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi... không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới.



9. Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận)

Vịnh Vĩnh Hy thuộc làng Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách trung tâm thành phố Phan Rang chừng 40km. Vịnh Vĩnh Hy được bao bọc bởi những ngọn núi có nhiều hang động kì thú, khí hậu thiên nhiên trong lành, đặc biệt là làn nước xanh và trong đến mức du khách có thể nhìn thấy từng đàn cá cơm bơi quanh mạn thuyền. Vĩnh Hy là nơi sơn thủy hữu tình, cuộc sống của con người nơi đây, cũng như những chuyến dừng chân ngắn của du khách là những nét chấm phá làm thơ mộng thêm cho chốn này. Trên hành trình, mỗi du khách sẽ dành thời gian ghé thăm, để một lần được nhận thật trọn vẹn món quà đơn sơ và tuyệt vời mà biển trời cuối Trung ban tặng.



10. Vịnh Hà Tiên (Kiên Giang)

Vịnh Hà Tiên có đến 105 đảo lớn nhỏ, trong đó có xã đảo Hòn Nghệ, nơi đang phát triển nghề nuôi cá bè trên biển và có nhiều thắng cảnh du lịch. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hà Tiên một tổng thể hài hòa: núi, biển, đảo và đồng bằng kết hợp thành một vùng đất đẹp như tiên cảnh. Vịnh Hà Tiên thu hút lượng khách tham quan đông nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long bởi cảnh sắc tuyệt đẹp và nhiều đặc sản.



Theo Eva

Read More...

Nhớ vẻ đẹp mùa thu trong công viên xứ sương mù

London không chỉ được biết đến là một trong những thành phố hiện đại và đắt đỏ của thế giới, mà còn nổi tiếng với hệ thống các công viên tuyệt đẹp.

Đến đây, du khách được tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành và những trải nghiệm khó quên. Đặc biệt, sự chuyển biến của các mùa không chỉ được thể hiện bởi khí hậu mà còn phản ánh rất rõ nét qua sự thay đổi cảnh sắc trong các công viên này. Mỗi mùa mang lại một nét đẹp riêng nhưng nhiều người đặc biệt ấn tượng với mùa thu London khi các công viên chuyển mình từ sắc xanh sang vàng và đỏ quyến rũ.







Được xem là một trong những điểm cao nhất thành phố, kéo dài từ Hammstead đến Highgate với các triền cỏ mênh mông, Hampstead Heath là một công viên lâu đời và rộng lớn của London. Bước vào giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa hè và mùa thu, công viên này trở nên cực kỳ ấn tượng với những rừng cây bạt ngàn cũng bắt đầu chuyển màu dần sang sắc vàng và đỏ.













Tọa lạc tại trung tâm phía bắc London với một phần thuộc thành phố Westminster và một phần thuộc khu Camden, công viên Regents được xem như là một trong những công viên đẹp nhất London thuộc quyền quản lý của Hoàng gia Anh. Khi thu về, màu vàng và màu đỏ gần như chiếm lĩnh toàn bộ không gian nơi đây, tạo nên khung cảnh rất lãng mạn.





Công viên Clissold thuộc Stoke Newington và được ví như trái tim của quận Hackney. Các sân tập thể thao cùng quán cà phê được xây dựng trong công viên nhằm phục vụ cho các hoạt động ngoài trời của người dân. Khi thu về những bờ rào được phủ kín bởi lá đỏ hay những hàng cây vàng rợp là điểm hấp dẫn của công viên này.







Cũng là một trong những công viên hoàng gia, công viên Greenwich được xem là một trong những không gian xanh lớn nhất ở phía đông nam của London. Điểm đặc biệt của công viên này là bao quát cảnh đẹp bên bờ sông Thames. Chính vì thế sẽ rất thú vị khi ngồi trên những triền cỏ để ngắm thành phố trong nắng thu vàng.

Độc Giả Ngô Huyền
Ngohuyen...@gmail.com

Read More...

Bí kíp du lịch leo núi an toàn

Không tùy tiện ăn hoa quả, lá cây trong rừng, mang theo đồ dự trữ năng lượng cao (sô-cô-la, bánh snicker) là những điều bạn cần biết khi tham gia một hành trình leo núi.

Để đảm bảo chuyến đi an toàn, trước khi muốn chinh phục những đỉnh cao, bạn cần lưu ý những điểm sau.

Thời gian

Ttại Việt Nam, mùa khô từ tháng 11 hằng năm đến tháng 4 năm sau là thời điểm thích hợp cho các chuyến leo núi, băng rừng. Cần thiết phải nghiên cứu địa hình để quyết định thời gian di chuyển phù hợp nhằm đạt được mục đích cuối cùng. Đặc biệt phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đi trước hoặc từ dân địa phương.



Đồ dùng

Đồ dùng cá nhân cho các hành trình leo núi phải tối giản nhưng đầy đủ. Quần rộng rãi, áo thun, áo khoác chống thấm, chống lạnh và thoát hơi, giày nhẹ, đế mềm, bám đường tốt, miếng bọc gối, cổ chân, khuỷu tay, mũ có vành mềm, áo mưa bền, nhẹ.

Các hành trang khác phụ thuộc vào cung đường dự kiến: có lối mòn sẵn hay phải mở đường, có người vác đồ và dẫn đường hay không, thời gian của chuyến đi. Dao và đèn pin cũng là những vật dụng không thể thiếu.

Thực phẩm

Ngoài các đồ ăn cần thiết cho cả hành trình, cần thiết phải có đồ ăn dự trữ năng lượng cao (sô-cô-la, bánh snicker) luôn mang theo người. Nước uống vô cùng quan trọng, nên có một bình nước với vòi hút để có thể uống từng ngụm nhỏ trong quá trình di chuyển liên tục. Uống nước đúng cách giúp bạn tiết kiệm sức lực và bù đắp lại năng lượng đúng lúc. Nước chanh pha với đường glucose, một chút muối là lựa chọn hoàn hảo cho hành trình leo núi.



Chú ý khác

Không tùy tiện ăn hoa quả, lá cây trong rừng nếu không biết chắc chắn về công dụng của nó. Đi rừng rậm nhiệt đới phải có thuốc phòng chống côn trùng như muỗi, vắt. Thuốc DEP khá phổ biến với dân đi, giá cả rẻ, tuy vậy tác dụng trong thời gian ngắn và không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Với những lộ trình khó, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng chuyến đi bằng máy định vị GPS, khi di chuyển phải đánh dấu đường phòng trường hợp bị lạc. Trên núi cao có thể mất sóng điện thoại, việc liên lạc bằng máy bộ đàm cũng là một lợi thế.

Tổ chức nhóm đi nhỏ, gọn, phù hợp cho những lộ trình hiểm hóc. Đừng bao giờ quên đặt an toàn cá nhân lên hàng đầu, không được phép đưa ra các quyết định liều lĩnh, nguy hiểm cho mình và các thành viên khác trong đoàn.

Theo Tuổi Trẻ

Read More...

Thêm 2 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng

Gần 1 năm sau khi mở các chuyến bay thử nghiệm, chiều 8/1, hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) đã chính thức đưa vào khai thác đường bay thẳng trực tiếp Pakse (Lào) - Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần (thứ 3, thứ 5 và Chủ nhật)


Máy bay của hãng Lao Airlines hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng chiều 8/1 với gần 70 khách- Ảnh: HC

Trước mắt, Lao Airlines sử dụng loại máy bay ATR 72 với 68 chỗ ngồi cho đường bay này. Theo lịch trình, chặng bay đi sẽ xuất phát từ Vientian - Savannakhet - Pakse (Lào) - Đà Nẵng và chặng về là Đà Nẵng - Pakse - Savanakhet - Vientian. Thời gian khởi hành từ Pakse lúc 14h05, đến Đà Nẵng lúc 14h55; sau đó xuất phát từ Đà Nẵng lúc 15h55 và đến Pakse lúc 16h45 (thời gian bay 50 phút). Giá vé một chiều là 2.200.000đ (106 USD), khứ hồi là 4.010.000đ (191USD).

Theo ông Huỳnh Đức Trung, Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở VH-TT-DL Đà Nẵng), quyết định mở đường bay thẳng trực tiếp Pakse - Đà Nẵng là kết quả của hàng loạt nỗ lực xúc tiến giữa 2 địa phương trong việc tham gia các roadshow, hội chợ, hội thảo, triển lãm… thời gian qua cũng như nỗ lực của Lao Airlines sau quá trình khảo sát và mở 2 chuyến bay thử nghiệm vào các ngày 29/3 và 1/4/2012.

Bên cạnh đó, việc mở đường bay trực tiếp Pakse - Đà Nẵng không chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách về địa lý khá dài nếu đi bằng đường bộ hiện nay mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách Việt kiều tại Pakse, Savanakhet, Vientian, khách đi theo tour du lịch từ Bangkok, Mukdahan và khu vực đông bắc của Thái Lan đến TP Đà Nẵng.


Những hành khách đầu tiên trên đường bay thẳng trực tiếp Pakse - Đà Nẵng - Ảnh: HC

Cùng ngày, hãng hàng không Dragonair (thuộc hãng hàng không Cathay Pacific) cho biết sẽ mở đường bay mới Hồng Kông - Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần kể từ ngày 28/3/2013. Trên đường bay này, Dragonair sẽ sử dụng máy bay loại lớn Airbus A320, khởi hành từ Hong Kong (Trung Quốc) vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần.

Được biết, hiện mỗi tuần Dragonair có 10 chuyến bay tuyến Hong Kong - Hà Nội và ngược lại. Đà Nẵng là điểm đến thứ hai của hãng tại Việt Nam. Việc mở đường bay mới này nhằm góp phần đẩy mạnh mạng lưới bay của hãng tại châu Á, đồng thời giúp hành khách có thêm nhiều lựa chọn và sự tiện lợi trong việc di chuyển đi và đến Việt Nam.

Theo ông Patrick Yeung, Giám đốc điều hành Dragonair, Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng về kinh tế lẫn du lịch. Tuyến bay mới đến Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh lượng khách du lịch giữa Hong Kong và Việt Nam

Bên cạnh việc đưa du khách thế giới đến với Đà Nẵng, việc khai trương đường bay mới Hồng Kông - Đà Nẵng còn giúp du khách Việt Nam có thêm sự lựa chọn kết nối với mạng lưới bay rộng khắp của Dragonair tại Trung Quốc hoặc mạng lưới đường bay quốc tế của Cathay Pacific thông qua điểm trung chuyển Hong Kong.

HẢI CHÂU

Read More...