Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Trải nghiệm Tết Việt tại Victoria Hotels & Resorts

Bạn sẽ được khám phá nét độc đáo của lễ hội và thưởng thức các chương trình đặc biệt trong dịp Tết Quý Tỵ tại các khu nghỉ dưỡng của Victoria Hotels & Resorts.

Tại Sapa, vào mùng 10 tháng giêng hàng năm, du khách được hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội xuống đồng ở Tả Van. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao để cầu mong một năm mới sung túc. Bạn sẽ có dịp chứng kiến màn tái hiện phong tục rước dâu của người Giáy và các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, đẩy gậy…

Victoria Sapa đón Tết với sắc cam rực của những cây quất, sắc hồng của đào, cùng sắc màu của nhiều loại trái cây đặc trưng khác. Khách đến với tàu Victoria hay Victoria Sapa còn được nhận những bao lì xì chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về Tết.



Mùa xuân, những bãi biển Phan Thiết thường ngập tràn nắng ấm. Bạn có thể thả bộ trên những đồi cát mênh mông trải dài, khám phá văn hóa mừng Tết cổ truyền thú vị tại các làng chài hay đắm mình trong sắc xuân của các vườn thanh long xanh mướt, vãn cảnh chùa núi Tà Cú để cầu may mắn đầu năm.

Tết này, Phan Thiết sẽ sáng trong ánh đèn, trăm hoa đua sắc khắp các con đường. Những nhà hàng và quán cà phê mở cửa suốt đêm, mang không khí lễ hội tưng bừng len lỏi khắp xứ biển. Đón nắng xuân từ một trong 57 bungalow tại Victoria Phan Thiết, bạn sẽ được thưởng thức tiệc buffet hội tụ các món ngon truyền thống của ngày Tết và những giai điệu rộn rã của tiết mục múa lân, dưới trời pháo hoa đủ sắc.

Đón Tết ở Hội An, bạn sẽ cảm nhận được làn gió xuân mang bao lời chúc ngọt ngào từ biển. Bạn được hòa mình vào không khí đón Tết tại chợ hoa nhiều sắc màu hay trên những con đường lung linh đèn lồng đủ sắc. Nơi đây, bạn có thể trải nghiệm một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa, với cảm giác ấm áp khi quây quần bên nhau vào ngày xuân, bên nồi bánh chưng, bánh tét tỏa khói đêm giao thừa, tự tay trang trí nhà cửa...



Ngoài ra, nơi đây sẽ giúp bạn khám phá nét độc đáo của những ngày hội bài chòi, một trò chơi dân gian đặc thù của miền Trung. Tết đến, không gian hoài cổ của Victoria Hội An sẽ khoác lên mình trăm sắc hoa và những nét trang trí đặc sắc của Tết Việt. Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức những đặc sản ngày xuân của tiệc buffet tại khu nghỉ dưỡng và các ca từ, vũ điệu từ những nghệ sĩ.

Đến Cần Thơ Tết này, bạn còn được đón mừng với sắc mai vàng rực màu phú quý và trời đêm Tây Đô bừng sáng pháo hoa trong khoảnh khắc giao thừa. Mùa xuân sẽ đặc biệt hơn với không gian sang trọng bên bờ sông Hậu, tại Victoria Cần Thơ. Tết cổ truyền nơi đây sẽ lưu lại ấn tượng khó quên với những nét thư pháp tinh tế, tiết mục múa lân sôi động và chương trình hướng dẫn cách làm các loại bánh Tết truyền thống.

Với đất thiêng Châu Đốc, vũ điệu mùa xuân là bản giao hưởng của hàng trăm loài chim quý hiếm trên rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi và khám phá hệ động thực vật độc đáo. Ngày đầu năm, bạn cũng có thể hành hương đến miếu Bà Chúa Xứ, Tây An Cổ Tự hay lăng Thoại Ngọc Hầu để cầu bình an và may mắn cho năm mới.



Xuân về, Châu Đốc rực rỡ với chợ hoa trăm sắc, cùng những hoạt động truyền thống phong phú như vẽ thư pháp, hội đờn ca tài tử, biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng… Dịp này, dòng sông Bassac sẽ được khoác chiếc áo sặc sỡ từ hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ họp chợ hoa Tết. Chính bên dòng sông này, bạn sẽ được tận hưởng những ngày Tết cổ truyền ý nghĩa tại Victoria Châu Đốc. Bạn sẽ được học cách làm bánh tét, hòa nhịp xuân trong tiếng múa lân rộn rã, nhận những phong lì xì may mắn hay thưởng thức hương vị Tết trong nhà hàng Bassac.

Nguồn: Victoria Hotels & Resorts)

Read More...

Xem Tây rạch bụng, cắn đứt phựt, nuốt sống tim rắn VN

Cảnh một anh chàng Australia nghiến răng cắn đứt rời quả tim ra khỏi cơ thể một con rắn ở làng Lệ Mật của Hà Nội đã được giới thiệu trên trang tin News.com.au.


Sau khi thực khách chọn một chú rắn ưng ý, nhân viên nhà hàng sẽ đưa nó ra giữa sàn và bắt đầu quá trình giết thịt.


Con rắn bị rạch một đường dài vào bụng bằng lưỡi dao nhỏ sắc bén. Nếu đủ can đảm, thực khách có thể trực tiếp làm điều này dưới sự hướng dẫn của nhân viên nhà hàng.


Quả tim còn đập của rắn lộ ra từ vết cắt. Một anh chàng Australia được giao nhiệm vụ “xơi tái” quả tim này ngay trên cơ thể con rắn.


Hẳn là một cảm giác rất… Việt Nam khi miệng anh chạm vào cơ thể lạnh ngắt của con rắn.


Quả tim vẫn dính vào lồng ngực rắn nhờ những thớ cơ rất dẻo dai.


Rốt cục người Australia dũng cảm đã cắn đứt quả tim và nuốt chửng nó vào bụng ngay sau đó.


Máu rắn được hứng vào li rượu, tạo nên một thứ đồ uống có màu đỏ tươi rất ấn tượng…

Theo Kiến thức

Read More...

Chiêm ngưỡng công trình kiến trúc ấn tượng của năm

Kiến trúc ấn tượng theo phong cách "độc và lạ" của khu vườn Gardens by the Bay (Singapore) đã giành được giải "Công trình kiến trúc của năm" theo bình chọn của Hiệp hội Kiến trúc Thế giới.


Nằm ở vịnh Marina, Garden by the Bay là một trong những dự án trọng điểm của Singapore trong việc biến thủ đô nước này trở thành khu vườn sinh quyển với một khu vườn khổng lồ rộng 101 héc-ta. Nơi đây bao gồm ba khu vườn trông ra cảng với những đặc trưng thiết kế riêng.


Ba khu vườn nhỏ bao gồm vườn phía Nam Bay South, phía Đông – Bay East, vườn trung tâm – Bay Central. Mỗi khu lại được chia thành những nhà kính nhỏ hơn, như ở khu Bay South có hai nhà kính, một có không khí khô mát và một có không khí mát ẩm để trồng những loại cây đặc trưng với nhiệt độ, khí hậu đó.


Mục tiêu của chính phủ Singapore khi xây dựng công trình này là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng việc tạo ra một công trình xanh trong lòng thành phố.


Năm 2005, Thủ tướng Lý Hiển Long chính thức phát động việc xây dựng công trình với mong muốn biến nơi đây trở thành không gian thiên nhiên ngoài trời hàng đầu của Singapore và Gardens by the Bay sẽ trở thành biểu tượng của đảo quốc sư tử.


Khi mời các kiến trúc sư trên khắp thế giới tham gia cuộc thi thiết kế, đã có 70 phác thảo của 170 công ty đến từ 24 quốc gia gửi về. Đội kiến trúc sư của hai công ty Grant Associates và Gustafson Porter đã được giao trách nhiệm thiết kế công trình.


Khu vườn trung tâm là điểm nối giữa khu vườn phía Nam và phía Đông, có diện tích 15 héc-ta với một lối đi dạo ngắm cảnh dài 3 km để du khách có thể thưởng ngoạn khung cảnh ngoài vịnh.


Khu vườn phía Đông rộng 32 héc-ta và có một hồ chứa nước. Nơi đây đặc trưng với những cây cối miền nhiệt đới. Khu vườn có 5 vịnh nhỏ và một hệ thống điều khiển hướng gió giúp giảm nhiệt cho khu vực. Ở đây, du khách sẽ được nhìn ngắm quang cảnh chân trời thành phố mà không gặp phải bất cứ vật cản nào.


Khu vườn phía Nam rộng 54 héc ta, là nơi trồng những loại thực vật đẹp nhất của miền nhiệt đới với loài cây đại diện là họ nhà lan – quốc hoa của Singapore.


Những cây khổng lồ này cao từ 25-50 m với nhiều chức năng, chúng tỏa bóng mát và là nơi leo mọc của những cây dây leo, cây phong lan… Trên thân cây có những tế bào quang điện tích năng lượng từ ánh sáng mặt trời để phục vụ cho việc chiếu sáng, ngoài ra nó còn lưu giữ nước mưa để phục vụ cho việc tưới cây và có thể trở thành đài phun nước.


Có một lối đi trên không kết nối giữa hai cây khổng lồ để du khách có thể thưởng ngoạn toàn cảnh khu vườn.


Vào buổi tối, những cây này sẽ phát ra ánh sáng lung linh và tiếng nhạc du dương bằng năng lượng mà nó đã tích được từ ban ngày.

(Theo Telegraph/DT)

Read More...

Bí ẩn trong chùa cổ Võng La

Chùa Võng La, một ngôi chùa cổ vẫn còn giữ được nét cổ kính, nguyên sơ vốn có, cảnh vật chùa đẹp thơ mộng, hữu tình làm say đắm lòng người.

Ngôi chùa này còn là nơi chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khá độc đáo, trong đó có dấu tích người Chăm Pa cổ.

Từng là căn cứ kháng chiến

Trong không gian thanh tịnh của chốn cửa thiền, sư thầy Thích Đàm Hòa kể cho chúng tôi nghe về những truyền thuyết gắn liền với ngôi chùa. Chùa Võng La được nhân dân thuộc tổng Võng La xưa xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, trên mảnh đất rộng gần 1000m2 nằm ven sông Hồng với cảnh vật khá hữu tình. Tương truyền Đức Thánh Tổ của chùa giỏi y thuật, từng chữa khỏi bệnh cho mẹ Chúa Trịnh, nên được nhân dân tạc tượng bằng đá để thờ cúng trong chùa. Chùa chính được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lê, nhưng qua chiến tranh đã bị tàn phá nhiều, sau đó được nhân dân tôn tạo lại.


Bức tượng Bà Mẹ xứ sở tại chùa Võng La mang đậm phong cách Chăm Pa.

Chùa được xây dựng theo lối chữ đinh, với đầy đủ các hạng mục công trình như bảy gian tiền đường, ba gian thiêu hương và thượng điện, hậu cung, thờ các bậc thần thánh, vua chúa như: Đức Ông, Thánh Tăng, A Di Đà, Quan Âm, Ngọc Hoàng…v.v. Phía sau chùa chính còn có điện thờ Mẫu, thờ Tổ cùng các công trình phụ. Hiện nay trong khuôn viên chùa vẫn còn lưu giữ được 14 bia đá, phần lớn được tạc vào thời Nguyễn. Một số tạc vào thời Lê, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý, có giá trị. Những bia đá này có lối chạm khắc đặc trưng của thế kỷ 17-18.

Về nguồn gốc của chùa cổ Võng La, chúng tôi còn được nghe các cụ già trong làng kể, nó gắn liền với một truyền thuyết khá thú vị. Trước đây chùa từng có nhiều tên gọi như: Chùa Chài, chùa Ba, Bạch Sam Tự, rộng 100 gian, thời chiến tranh loạn lạc chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ lại một bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm. Sau đó, Đức Thánh Tổ bảo với nhân dân trong vùng, ở đâu muốn có chùa thì về san đất, Ngài sẽ dựng chùa cho. Sau một trận lũ, nước sông Hồng dâng lên, phù sa bỗng san bằng nền chùa cũ trước đây. Sau đó, Ngài sang làng Gạ phía bên sông, dùng phép thuật chuyển chùa từ bên đó về làng Võng La. Từ đó, làng Võng La có chùa để thờ cúng. Khi ngôi chùa xin từ bên làng Gạ về đây vẫn y nguyên, không có gì thay đổi, rong rêu vẫn bao phủ khắp mái ngôi chùa.

Không chỉ là một địa chỉ tâm linh lý tưởng, trước Cách mạng tháng 8-1945 chùa Võng La còn được Đảng chọn là căn cứ kháng chiến quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa từng là nơi nuôi giấu cán bộ, trong chùa có căn hầm bí mật nằm dưới ngay bức tượng Đức Thánh Tổ.

Hiện vật Chăm cần được giữ gìn

Ở chùa Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện còn giữ được 2 bức tượng Chăm “nguyên chất”, đó là bức tượng Siva và Bà Mẹ xứ sở. Hai bức tượng này đã được các nhà nghiên cứu phát hiện từ trước đó khá lâu, nhưng phải đợi đến năm 2004, hai nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông và Nguyễn Hữu Thiết mới công bố. Tượng thần Siva được tạc dưới dạng phù điêu trên mặt phiến đá sa thạch có kích thước cao khoảng 50cm.

Tượng ngồi trong tư thế bán kiết già (một tư thế trong giới nhà Phật) phần thân cởi trần, bụng phẳng để lộ rốn ngay trên cạp sampot (cạp quần). Mặt tượng được tạo vuông vức giao nhau nổi rõ, trên trán có 3 con mắt. Trên miệng tượng có hàng ria mép lớn vểnh lên, miệng rộng, môi dày như đang nở một nụ cười bí ẩn. Tai của tượng lớn, đeo đôi hoa tai chảy dài. Đầu tượng đội mũ kirata mukata được chia làm tầng với các chuỗi hạt lớn và các đường xoắn móc khá cầu kỳ.

Về bức tượng Bà Mẹ xứ sở còn ẩn chứa nhiều điều chưa được giải mã. Trong lòng bức tượng có khắc chữ Lê Văn Điều 1/1966. Theo khảo sát của thạc sĩ Đinh Đức Tiến (tác giả luận văn Văn hóa Chăm ở Hà Nội) thì đây chính là tên của người mang tác phẩm đi từ năm 1966 và trả lại chùa bức tượng phiên bản này. Ông Điều là một nhà điêu khắc đã mất do tai nạn sau khi mang bức tượng đi. Bức tượng phiên bản ở chùa được trang trí trên mộ đồ án lá nhĩ lớn, khá cầu kỳ với nhiều hoa văn, điêu khắc mang đậm phong cách Chăm Pa.

Nhìn tượng rất giống với tượng Pô Naga ở Tháp Bà, Nha Trang. Tượng có chiều cao khoảng 70cm, được tạc trong tư thế kiết già. Mặt tượng được tạc khá giống với khuôn mặt người Việt, gần gũi với tượng Quan âm Bồ tát trong chùa. Phần trang trí nền tượng là một mảng lớn cầu kỳ, với những hình chạm nổi lớn các linh vật có nguồn gốc từ Chăm Pa như rahu, kala và makara…


Ảnh tượng thần Siva tại chùa Võng La.

Sự xuất hiện của 2 bức tượng Chăm nguyên chất ở chùa Bạch Sam cho đến nay vẫn là một ẩn số. Theo thạc sĩ Đinh Đức Tiến, vùng đất này xưa kia có người Chăm sinh sống nên 2 bức tượng được người dân mang theo về. Còn theo giải thích của ông Phan Thế Kiên, Phó chủ tịch hội người cao tuổi xã Võng La, một người nghiên cứu lâu năm về chùa và đình Võng La thì hai bức tượng này do một vị tướng của thời nhà Lý sau khi Nam chinh, mang theo về và cung tiến vào chùa.

Bên cạnh những pho tượng mang dấu tích Chăm Pa, có một pho tượng ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, đó chính là pho tượng Đức Thánh Tổ, làm bằng đá. Theo sư thầy Thích Đàm Hòa, dù trời nắng hay trời rét, pho tượng này vẫn thường xuyên đổ mồ hôi. Nguồn nước xuất phát từ trên mặt pho tượng, chảy xuống, nước rất trong, mọi người cũng không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ này.

Trong quần thể khu di tích chùa Võng La ngày nay vẫn còn lưu giữ tổng cộng 24 pho tượng, chủ yếu làm bằng gỗ, một số ít bằng đá và đất nung.

Với giá trị văn hóa độc đáo, chùa Võng La được chính quyền cũng như nhân dân nơi đây giữ gìn, tô điểm. Những ngày lễ hội, Tết người dân địa phương cũng như khách thập phương kéo về rất đông để cúng bái. Hiện nay, chùa Võng La trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh khá thú vị cho du khách tham quan.

(Theo PL&XH)

Read More...

Hoa anh đào nở rực rỡ đất trời Sa Pa

Sa Pa đang chìm vào cái lạnh dưới 10 độ C nhưng những bông hoa anh đào vẫn khoe sắc rực rỡ, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến vùng đất này.

Sa Pa mùa đông mưa phùn lạnh cóng người nhưng vẫn không ngăn được bước chân của du khách kéo đến khám phá nơi đây. Lang thang trên những con đường mờ ảo vì sương, thưởng thức những món nướng thơm phức nóng hổi và đặc biệt sắc đỏ của hoa anh đào những ngày này đang rất hút du khách.

Có hai địa điểm hoa anh đào nở đẹp trong dịp này là khu vực cổng trụ sở UBND huyện Sa Pa trước hồ du lịch trung tâm thị trấn (do Hội Hữu nghị Nhật - Việt tặng huyện Sa Pa tròn 100 tuổi vào tháng 10 năm 2003) và trong vườn hoa châu Âu trên khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng phía sau nhà thờ Sa Pa.





Mưa phùn, gió rét vẫn không ngăn được bước chân của du khách.


Du khách thích thú thưởng thức cái lạnh dưới 10 độ C.


Chụp ảnh trước nhà thờ đá.


Món bánh cuốn nóng hổi…


...và các món nướng được nhiều du khách lựa chọn để xua đi cái lạnh.




Hàng hoa anh đào khu vực cổng trụ sở UBND huyện Sa Pa đang nở rộ.


Thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh.


Giới trẻ thích thú với sắc đẹp của hoa anh đào.


Người dân ở đây cho biết, hoa anh đào sẽ nở hoa rực rỡ từ nay đến qua rằm tháng giêng.

Bài và ảnh Kim Minh

Read More...

Lãng đãng dạo bước nơi thơ mộng nhất Paris

Ghé Pont des Arts, du khách được chiêm ngưỡng những biểu tượng tình yêu trong không gian đậm chất Pháp.

Paris là thành phố của những đại lộ rợp bóng cây, những nghệ sĩ kéo arcordeon dập dìu và của những đôi tình nhân. Ở bất cứ góc phố nào tại Paris, người ta cũng cảm nhận được sự lãng mạn, và có một nơi được mệnh danh là “nơi thơ mộng nhất thành Paris”. Đó là cây cầu Pont des Arts.



Pont des Arts trong tiếng Pháp có nghĩa là “cây cầu nghệ thuật”. Cầu đi bộ này được xây dựng từ năm 1802, bắc qua dòng sông Seine êm đềm, nối với bảo tàng Louvre, được gọi là “cung nghệ thuật” dưới thời Đệ nhất đế chế.



Ban đầu khi mới xây dựng, cầu có 9 nhịp, là cây cầu bằng kim loại đầu tiên ở Paris. Ý tưởng của cây cầu khi mới thực thi là tạo nên một chốn qua lại hệt như trong công viên với các vườn treo, bồn hoa, ghế dài.



Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và thiên nhiên: bị đánh bom, bị đứt gãy, Pont des Arts được xây dựng lại vào năm 1981 với 7 nhịp thay vì 9 nhịp như ban đầu. Từ sau khi xây dựng lại, cầu trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai yêu mến vẻ đẹp hư vô, mơ mộng của thành Paris.



Sở dĩ cầu được mệnh danh là “nơi thơ mộng nhất thành Paris” là vì trong những năm gần đây, những đôi tình nhân Pháp thường xuyên tới đây và gắn những móc khóa có ghi lời yêu thương lên thành cầu.



Hình thức bày tỏ tình yêu này bắt nguồn từ Rome, Italy, nhưng chẳng có gì lạ khi dân tộc lãng mạn nhất thế giới như người Pháp nhanh chóng “học tập”. Cây cầu Pont des Arts ngay lập tức ngập trong móc khóa, với những lời lãng mạn bậc nhất, bằng đủ mọi thứ tiếng, chủ yếu vẫn là những mỹ từ trong ngôn ngữ của tình yêu: tiếng Pháp.





Các đôi tình nhân đến đây để cùng dạo bước, trao nhau nụ hôn và cùng móc khóa lên cầu trước khi ném chìa khóa xuống sông Seine. Theo truyền thuyết, nếu móc khóa không bao giờ bị tháo ra, tình yêu đó cũng vững bền mãi mãi. Chẳng biết lời đồn đại này đúng được bao nhiêu phần trăm, chỉ biết số lượng móc khóa ở Pont des Arts đã chẳng thua kém gì “người tiền nhiệm” của nó là cây cầu Milvio ở Italy.



Không chỉ là nơi lui tới của các cặp tình nhân, Ponts des Art còn là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng đủ mọi loại nghệ thuật đường phố ở Paris. Bởi đây là nơi tụ tập thường xuyên của những người nghệ sĩ, những người muốn bắt trọn phần hồn của thủ đô hoa lệ. Các họa sĩ đến đây để thu sông Seine vào tấm voan trắng và các nghệ sĩ saxophone thổi những bản nhạc Pháp lãng mạn, tạo nên một khung cảnh rất Pháp, khiến ai cũng say lòng, nhớ mãi chẳng quên.











Theo Xzone

Read More...

Chợ 'tình cũ' Việt Nam trên báo nước ngoài

Reuters đăng bài giới thiệu chợ tình Khâu Vai của Việt Nam, khiến cộng đồng mạng thế giới đặc biệt quan tâm và thích thú.


Chợ tình Khâu Vai ở tình Hà Giang của Việt Nam sau khi được giới thiệu trên báo và trang mạng nước ngoài đã khiến cộng đồng mạng thế giới rất thích thú.

Trong bài giới thiệu chợ tình Khâu Vai tại tỉnh Hà Giang của Việt Nam, tác giả viết, phần lớn mọi người khó lòng chấp nhận dù trong suy nghĩ về chuyện bạn đời của mình “qua lại” và tâm tình với “người cũ” vào một dịp nhất định trong năm. Tuy nhiên, một cộng đồng nhỏ trong đại gia đình Việt Nam là một ngoại lệ.

Với phiên chợ “tình yêu” thường niên được tổ chức vào ngày 26/3 và 27/3 theo lịch âm của người Việt tại sườn đồi làng Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 500 km và giáp biên giới với Trung Quốc, hàng trăm cặp tình nhân một thời thuộc các dân tộc thiểu số miền núi khác nhau như Nùng, Tày, Sán Chỉ, Lô Lô, Dao, Giáy và Hmong lại có cơ hội đoàn tụ và tâm tình với nhau.

Từ đó, tác giả bài viết cũng tỏ lòng cảm phục đối với những người không ngại đi bộ từ các huyện miền núi lân cận để tham dự phiên chợ tình kéo dài 2 ngày nhằm có cơ hội gặp lại “người tình cũ” mà trước kia vì một hoặc nhiều lý do nào đó, họ đã không thể nên duyên vợ chồng.

Theo tác giả bài viết, chuyện này rõ ràng lạ lùng đối với hầu hết mọi người trên thế giới và nếu được tổ chức ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chợ tình như trên nhiều khả năng sẽ khởi nguồn cho một cuộc chiến hỗn loạn. Tuy nhiên, người dân Khâu Vai có lý do vững chắc và thuyết phục để tổ chức và duy trì phiên chợ tình có một không hai trên thế giới đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Phiên chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ một truyền thuyết đẹp, lãng mạn nhưng đượm buồn của một đôi trai gái ở địa phương. Chuyện kể lại rằng, xưa kia vào thời ở đất Khâu Vai có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy xinh đẹp ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa của núi rừng thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người trong dân tộc ấy. Hơn nữa, việc dựng vợ gả chồng thời đó cũng là việc của các bậc cha mẹ nên việc đôi trai gái yêu nhau là trái với lệ làng…

Tồi tệ hơn, cuộc tình của họ đã dẫn đến xích mích và sau đó là cuộc chiến đẫm máu giữa hai dân tộc Nùng – Giáy. Chứng kiến cảnh tượng đó, đôi trai gái rất đau lòng và đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Tuy nhiên, tình yêu mà họ dành cho nhau không bao giờ nguôi ngoai. Do đó, hai người bí mật hẹn ước, do không thể se duyên vợ chồng nhưng mỗi năm họ sẽ gặp lại nhau một lần vào ngày 27 của tháng âm lịch thứ 3.

Từ đó đến nay, “đến hẹn lại lên”, cứ mỗi dịp chợ tình mở, người Khâu Vai và cư dân ở các huyện lân cận lại lục tục kéo nhau tới tham dự, tìm lại “người tình cũ” để trò chuyện, tâm tình. Vào dịp này, các nghệ sĩ địa phương trong trang phục sặc sỡ sắc màu cũng diễn lại câu chuyện tình yêu bị cấm đoán của đôi nam nữ xưa kia. Lau Minh Pao, một cư dân địa phương cho biết, năm nào anh cũng tham dự chợ tình Khâu Vai để gặp lại và có dịp tâm tình với “người tình cũ” của mình.

“Trước đây, chúng tôi yêu nhau nhưng không thể nên duyên vợ chồng vì chúng tôi ở quá xa nhau. Chợ tình là cơ hội để chúng tôi gặp lại nhau, ôn lại chuyện cũ”, anh Pao chia sẻ.

Người vợ hiện tại của anh Pao không có bất cứ ý kiến gì về chuyện này khi cũng như chồng mình, hàng năm cô đều tham dự chợ tình Khâu Vai để gặp lại người đàn ông mà cô từng yêu thương.

Phương Đăng

Read More...

Tránh rét, người Hà Nội du xuân phương Nam

Nhiều du khách miền Bắc đã đặt tour vào TP HCM dịp Tết để tận hưởng không khí sôi động và đón ánh nắng chói chang của xứ nhiệt đới.

"Được nghỉ dài ngày nên gia đình tôi đã lên kế hoạch vào nam tránh rét, kết hợp cho bọn trẻ đi chơi công viên Đại Nam (Bình Dương), nghỉ biển Vũng Tàu... TP HCM không quá đông người vào dịp Tết, các hàng quán mở cửa nhộn nhịp, điểm vui chơi nhiều, rất thích hợp cho tụi trẻ", chị Hà Mai, cán bộ một công ty xây dựng cho biết.

Gia đình anh Nguyễn Minh, giám đốc một công ty viễn thông, lại chọn Phú Quốc (Kiên Giang) là điểm nghỉ dưỡng dịp Tết. Theo anh Minh, mới có đường bay thẳng Hà Nội - Phú Quốc nên chặng bay không vất vả cho người già và trẻ nhỏ, giá tour Phú Quốc khoảng 10 triệu đồng, tương đương đi biển Nha Trang, Mũi Né.

"Miền Bắc dịp Tết rất lạnh, người già, trẻ nhỏ rất dễ ốm, gia đình tôi chỉ ở nhà ăn Tết qua ngày mùng 1 là lên đường đến vùng biển nắng ấm, vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa tránh rét", anh Nguyễn Minh chia sẻ.


Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch hấp dẫn khách miền Bắc. Ảnh: Đoàn Loan.


Trên các diễn đàn, topic bàn về một số vùng biển ấm áp như Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né được sôi nổi bàn luận, song nhiều người lo ngại dịch vụ tại đây sẽ quá tải. Nick Thanhan chia sẻ: "Tết âm lịch năm nay, phòng nghỉ tại Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt đều đầy hết rồi... Bà con hăng hái đi ăn chơi thật. Nói chung các vùng miền đến mùng 5 mới có thể có phòng. Ai lùi được thời gian thì cố gắng, vẫn ăn chơi được từ mùng 5 đến hết mùng 7".

Thành viên Info gợi ý: "Những điểm đến ngày Tết phù hợp cho du khách là Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Ninh Thuận. Ngoài ra có thể phát triển thành lộ trình liên tuyến đi lên cao nguyên Gia Lai - Kon Tum - Đăk Lăk - Đà Lạt. Thời điểm Tết, tại những điểm trên khách ít so với mùa hè. Được khám phá tập tục các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khá thú vị".

Mấy ngày này, văn phòng Công ty du lịch Vietrantour tại Hà Nội đón khá nhiều khách đến đặt tour dịp Tết. Hút khách nhất là tour đi Nha Trang, Mũi Né, TP HCM... "Thời tiết miền Bắc lạnh kéo dài nên lựa chọn của du khách dịp Tết là những nơi nắng ấm. Tết này được nghỉ dài và giá tour không cao nên các gia đình có thu nhập ổn định vẫn giữ thói quen đi chơi xa. Có đoàn khách trên 20 người là người nhà, bạn bè cùng đặt tour đi với nhau", bà Nguyễn Thị Huyền, Phó giám đốc Vietran Tour, cho biết.

Bà Huyền cho hay, do khách đặt tour đông nên dịch vụ khách sạn, vé máy bay đến những điểm này không thể đáp ứng. Thay vào đó, đơn vị này phải hướng du khách đến các vùng biển khác như Quy Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng... với giá cả thấp hơn.

Để phục vụ du khách miền bắc vào mùa đông, Công ty Du lịch Việt xây dựng tour "Nắng ấm phương Nam" khởi hành hàng tuần. Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Du lịch Việt, năm nay du khách đặt tour từ Hà Nội đi TP HCM khá đông, đa số là người già. Du khách đi bằng máy bay từ Hà Nội đến TP HCM trong 6-8 ngày, được tham quan TP HCM, sau đó xuống miền Tây, hoặc nghỉ ngơi ở các resort tại Mũi Né, Phan Thiết.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour, nhận xét giá tour nội địa dịp Tết này không tăng so với ngày thường, chỉ tăng so với các tour khuyến mại vào lúc thấp điểm. Nhiều người lo ngại các điểm vui chơi quá tải trong nước dịp Tết nên đã đặt tour đi Thái Lan, Singapore, Hong Kong. Năm nay, du khách có nhiều cơ hội lựa chọn ngày khởi hành, giá cả linh hoạt, như tour Thái Lan khởi hành mùng 2 Tết giá 559 USD, song sang ngày mùng 3 là 459 USD mỗi khách.

Đoàn Loan

Read More...

10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận di sản văn hóa thế giới; Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18; ngành du lịch đón 6,8 triệu khách quốc tế... là những sự kiện tiêu biểu được bình chọn.

Ngày 5/1, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong năm. Mảng văn hóa có các sự kiện như UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 và khánh thành cụm tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam...


Việc đăng cai tổ chức ASIAD gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngành thể thao ghi nhận sự kiện Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019 và thành công của thể dục, thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế như 18 vận động viên chính thức tham dự Olympic 2012, 11 vận động viên tham dự Paralympic 2012, 271 huy chương vàng, 234 huy chương bạc và 154 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế.

Ngành du lịch đạt những kết quả như Vịnh Hạ Long là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; Du lịch Việt Nam đón 6,847 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.

Trả lời báo chí về việc không lựa chọn những sự kiện tiêu cực như việc phá hoại chùa Trăm Gian, ông Phan Đình Tân, Phó chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trước đây, bên cạnh các sự kiện tiêu biểu, cơ quan này cũng tổng kết các sự kiện “nổi cộm” trong năm. Tuy nhiên, trong năm qua, các sự kiện tiêu cực đều đã bị khiển trách, xử lý nên cuối năm không nhắc đi nhắc lại mà chỉ đưa các sự kiện tích cực.

Đoàn Loan
Tổng hợp: Du lịch 48h

Read More...

Lý Nhã Kỳ: 'Làm Đại sứ Du lịch vì tự ái dân tộc'

"Khi tôi đi các nước, gặp nhiều đối tác, bạn bè khen tôi đẹp, cởi mở. Khi tôi nói đến từ Việt Nam, họ hỏi "Việt Nam là ở đâu?", có người nghĩ Việt Nam vẫn còn đang chiến tranh" Lý Nhã Kỳ chia sẻ với VnExpress.net.

- Sau một năm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam, chị thấy vai trò và hiệu quả công việc của mình ra sao?

- Để nói rằng mình đã có những thành tích xuất sắc thì tôi không dám, bởi thời gian một năm không dài để có thể làm được nhiều việc lớn. Hơn nữa, để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thì cần một quá trình lâu dài, cần sự chung tay của người dân cả nước. Tôi chỉ là người tham gia thêm bằng cách dùng hình ảnh của mình quảng bá các hoạt động mang tính chất cộng đồng.

- Vậy niềm vui chị nhận được khi ở cương vị người đại diện, quảng bá hình ảnh cho du lịch Việt Nam là gì?

- Mỗi lần được giao nhiệm vụ, tôi đều mong muốn đóng góp, cùng mọi người chung tay làm nên thành công. Tôi nhận chức khi cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long chỉ còn một tháng. Tôi đã đến các trường đại học trên cả nước và ra nước ngoài để quảng bá. Thật vui vì vịnh Hạ Long được bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Hay khi Việt Nam được đọc tên đăng cai thế vận hội ASIAD, tôi sướng lắm, chỉ muốn nhảy lên ôm lấy mọi người. Mỗi lần Việt Nam thắng cuộc mình cảm thấy như được sống lại bởi trước mỗi nhiệm vụ đều cảm thấy lo lắng.

Lý Nhã Kỳ nhận bằng khen của Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch vì hoàn thành tốt nhiệm vụ Đại sứ Du lịch năm 2012. Ảnh: Hải Bá.

- Vai trò Đại sứ du lịch gây áp lực như thế nào đối với chị?

- Nói áp lực công việc thì không có bởi vị trí này do tôi ứng cử, hơn nữa, tôi là Đại sứ đầu tiên nên luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Tôi cũng biết mọi người đều kỳ vọng, quan tâm đến từng bước chân của mình. Có người nói, vai trò của Đại sứ Du lịch còn quan trọng hơn đại sứ đặc mệnh toàn quyền vì dù không đi sâu vào chính trị nhưng lại đại diện cho hình ảnh của đất nước. Tôi luôn ý thức được điều đó, và cố gắng làm tốt.

Nhưng áp lực về dư luận thì có bởi lần đầu tiên có người ứng cử Đại sứ Du lịch nên nhiều người chú ý. Tôi đã vượt qua được và làm tốt công việc, được mọi người công nhận. Nhiều người ủng hộ tôi tiếp tục làm Đại sứ Du lịch năm 2013 nhưng cũng có nhiều người phản đối. Qua một năm, mọi người có thể thấy Đại sứ Du lịch chẳng làm cho tôi giàu hơn hoặc nổi tiếng hơn. Tôi chưa bao giờ dùng danh hiệu này để kinh doanh hay làm những việc khác. Tôi chỉ muốn thể hiện lòng yêu nước, làm cho mọi người thấy Việt Nam là đất nước xinh đẹp và giàu văn hóa.

- Chị nói rằng danh hiệu Đại sứ Du lịch không đem lại tiền bạc hay sự nổi tiếng, vậy đâu là lý do khiến chị sẵn sàng đảm nhận vị trí này năm 2013?

- Không chỉ không thu được tiền bạc, tôi còn bỏ tiền túi và thời gian để hoàn thành tốt vai trò Đại sứ Du lịch. Để dự lễ tổng kết hợp tác quốc tế và xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch năm 2012 tôi đã 48 tiếng không ngủ và chỉ ăn hai ổ bánh mì. Tôi kinh doanh công ty ở Hong Kong nên phải làm hết công việc rồi bay thẳng về Hà Nội, xong việc lại phải bay lại Hong Kong.

Tôi từng đề xuất với Bộ Văn hóa rằng Việt Nam cần có đại sứ du lịch và tự ứng cử vị trí này vì lòng tự hào đất nước. Tôi yêu văn hóa, lịch sử, và con người Việt Nam bởi tôi mang dòng máu Việt nên không thể đi khen một nước khác, tình yêu Việt Nam quá lớn. Ngoài ra, tôi làm việc này còn vì sự tự ái dân tộc.

Khi tôi đi các nước, gặp nhiều đối tác, bạn bè, họ khen tôi đẹp, cởi mở. Họ hỏi "Bạn ở nước nào", tôi nói "Việt Nam". Có người hỏi "Việt Nam là ở đâu?", hay "Ôi Việt Nam ghê lắm, cứ bùm bùm bùm bùm", họ nghĩ Việt Nam vẫn còn đang chiến tranh. Lúc đó lòng tự ái của tôi lên rất cao, không phải là tự ái cá nhân mà tự ái cả một dân tộc.

Chính vì vậy, tôi muốn đóng góp một phần cho đất nước, để một ngày nào đó rất gần khi đi khắp nơi trên thế giới, tôi sẽ được nghe rằng Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, thân thiện, phát triển và con người Việt Nam nhân hậu, chân tình, yêu thương lẫn nhau. Không cần họ hỏi mình mà chỉ cần tôi ngồi bên cạnh nghe được, lúc đó tôi sẽ thực sự hạnh phúc, hạnh phúc hơn rất nhiều những gì tôi đang có, thứ mà mọi người suốt ngày xoi mói.

Lý Nhã Kỳ sẵn sàng đảm nhận vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam năm 2013. Ảnh: Hoàng Hà.


- Nhiều người cho rằng chị không phù hợp để tiếp tục làm Đại sứ Du lịch bởi chị có nhiều Scandal. Chị suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Scandal không phải do tôi tạo ra. Những nhận xét mang tính chất cá nhân, không đại diện cho tất cả mọi người không giúp một đại sứ, một diễn viên tốt hơn. Đó chỉ là những sự chê bai ác ý, xúc phạm, làm tôi tổn thương và mệt mỏi. Thử nghĩ xem, một người đang hừng hực ngọn lửa, nỗ lực cống hiến nhưng lại bị tạt nước vào và trù dập thì liệu người ta còn làm được nữa hay không? Họ làm không vì mục đích nào nhưng có người cứ áp đặt họ vụ lợi, như thế có công bằng không?

Ai cũng có thể không hoàn hảo, mọi người muốn góp ý với tôi có thể nói "Kỳ ơi, theo tất cả mọi người, ở vai trò đại sứ du lịch Kỳ không nên làm như thế", hay "chúng tôi khuyên bạn..." như thế sẽ dễ chịu hơn nhiều và mới đúng là anh em chảy chung một dòng máu. Dù đi đâu, tôi vẫn luôn cảm nhận con người Việt Nam nhân hậu, vậy tại sao một số người cứ thích làm tổn thương tôi như vậy.

Sự đóng góp phải mang tính chất tích cực thì mới làm cho người ta tốt hơn được. Tại sao tôi đi gặp quan chức nước ngoài đều được mọi người yêu thương, ngay cả tổng thống Philippines còn tự hào khoe với Chủ tịch nước Việt Nam là đã chụp ảnh chung với Đại sứ Du lịch. Quan điểm của tôi là "Người bạn thân nhất là sự vị tha, còn kẻ thù lớn nhất là lòng đố kỵ. Thiếu hiểu biết sẽ giết đi một nửa cuộc đời mình". Tôi làm diễn viên, doanh nhân, hay Đại sứ Du lịch đều làm tròn trách nhiệm của mình.

Tôi rất yêu đất nước, yêu con người Việt Nam. Tôi biết số đông người Việt Nam vẫn ủng hộ mình. Còn những scandal tôi không quan tâm. Tôi sẽ cho mọi người biết sự cố gắng của mình và đó là là cách đáp trả tốt nhất.

- Nếu tái đắc cử vị trí này, kế hoạch công việc mà chị sẽ làm là gì và nếu không đắc cử, cảm giác của chị ra sao?

- Tái đắc cử, tôi vẫn trực thuộc Cục hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa và sẽ cố gắng hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Cục giao cho. Ngoài ra, việc làm thiết thực nữa là tôi sẽ dùng sức ảnh hưởng của mình trong công chúng, nghệ thuật để kêu gọi mọi người đều tham gia làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Cứ như vậy, nước ta đã có hàng triệu người quảng bá du lịch Việt Nam rồi.

Còn nếu không được làm Đại sứ Du lịch 2013, tôi không có gì phải nuối tiếc cả vì theo quy chế Đại sứ Du lịch chỉ kéo dài một năm. Nếu tôi không là đại sứ đương nhiệm mà chỉ là cựu đại sứ thì vẫn có thể hỗ trợ cho đại sứ mới làm những kế hoạch hoạt động, cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm việc với những chính khách, doanh nhân nước ngoài như mình cần nói những gì, thể hiện thế nào để họ hiểu rõ bản sắc dân tộc Việt Nam. Không ở vai trò đại sứ, tôi vẫn có thể tham gia quảng bá hình ảnh đất nước, như vậy thì có gì đáng nuối tiếc chứ!


Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh biểu dương Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đại sứ Du lịch năm 2012. Ông khẳng định, bằng các mối quan hệ cá nhân, Lý Nhã Kỳ đã tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt có các chính khách Philippines ủng hộ Việt Nam.

Khi Chủ tịch nước sang thăm Philippines, Tổng thống nước này đã khoe được chụp hình với Đại sứ Du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ. Trong đợt bầu chọn nước đăng cai ASIAD, cô cũng đã vận động nước này bầu chọn cho Việt Nam. "Lý Nhã Kỳ là một người rất nổi bật", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế Nguyễn Văn Tình thì khẳng định Lý Nhã Kỳ đã đóng vai trò rất lớn trong việc việc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long và quảng bá để Việt Nam đăng cai ASIAD năm 2019.

"Lý Nhã Kỳ không chỉ thu hút được sự quan tâm của giới nghệ sĩ, công chúng mà còn có khả năng về tài chính. Các hoạt động quảng bá du lịch hầu hết cô đều tự bỏ tiền ra tổ chức, khi mời tham gia vận động để Việt Nam đăng cai ASIAD, cô chủ động đề xuất tự lo vé máy bay, chỗ ở để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước", ông Tình cho biết.

Hoàng Thùy thực hiện
Tổng hợp: Du lich VN

Read More...