Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Những người thích phiêu du dịp Tết

Coi ngày Tết là dịp xả stress, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch đi chơi thay vì ở nhà ăn Tết cùng gia đình. Các diễn đàn du lịch nhộn nhịp với chủ đề phượt trên mọi miền tổ quốc và cả nước ngoài.

Ngay khi cơ quan công bố lịch nghỉ Tết âm lịch, Hương Giang, nhân viên một công ty truyền thông đã lên kế hoạch phượt Lào và Campuchia với nhóm bạn trong 7 ngày. Theo Hương Giang, cả năm đã bận rộn đi làm, đi học nên ngày Tết phải xả hơi. Lý do nữa là cô chưa có người yêu, đi chơi là cách để tránh bị "tự kỷ" khi nghỉ Tết dài ngày và tránh phải nghe câu hỏi nhàm chán "bao giờ lấy chồng?".

"Đi chơi là dịp xốc lại tinh thần, cũng là để mở mang vốn kiến thức, vốn sống. Mặc dù bố mẹ không đồng tình nhưng cũng không ngăn cản em trốn Tết. Lâu rồi em chưa ăn Tết tại nhà. Tiền kiếm được cả năm lại dồn cho những đợt đi chơi dịp Tết và dịp hè", Hương Giang nói.


Du lịch là để trải nghiệm và thể hiện ý thức với cộng đồng. Ảnh: Đoàn Loan.


Văn Thái, tay phượt chuyên nghiệp từng đi hết châu Âu, cho biết chỉ ăn Tết ở nhà 3 ngày sau đó sẽ phượt Campuchia. Bạn bè anh chỉ ở nhà vào mùng 1, mùng 2 rồi cũng tỏa đến các vùng biển phía nam như Mũi Né, Nha Trang... "Vì Hà Nội không có gì đặc sắc để chơi nên bạn bè tôi tận dụng thời gian đi đây đó, vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Các giá trị văn hóa truyền thống cũng phải dần biến đổi để phù hợp với thời đại", Văn Thái bày tỏ.

Càng cận Tết Nguyên đán, trên các diễn đàn xuất hiện càng nhiều lời kêu gọi du xuân trong dịp Tết. Các topic như “Cần tìm người đi Campuchia dịp Tết", “Có ai đi xuyên Việt không?” "Singapore dịp Tết", "Phượt miền Tây dịp Tết âm lịch 2013" nhận được nhiều chia sẻ.

Thành viên Windy viết: "Tết càng ngày càng chán, chỗ nào cũng đông nghẹt toàn người là người. Đường hoa Nguyễn Huệ thì năm nào cũng giống nhau. Ở nhà còn tệ hơn, khách khứa thăm viếng liên miên, lì xì cho đám con nít nên viêm túi nghiêm trọng. Do vậy, năm nay mình quyết tâm phải bỏ trốn khỏi địa phương, làm một chuyến Singapore trốn Tết. Mình đi Sing 3 lần rồi, chủ yếu là đi công tác, mà ý thích của mình là đi đâu cũng phải được tự cầm bản đồ mò mò thì mới thấy vui và cảm nhận thật sự về đất nước đó".

Đón năm mới, các bạn trẻ miền Bắc thường muốn đến Hà Giang thăm cao nguyên đá với đỉnh Lũng Cú, với Mã Pì Lèng hay hòa trong sương mù và đào rừng Sapa, Sơn La, ngắm thiếu nữ dân tộc xúng xính váy áo diện Tết. Nhiều gia đình trẻ thích cái nóng phương Nam nên chọn điểm đến là Vũng Tàu, Phan Thiết, Tây Nam Bộ. Còn bạn trẻ phương Nam thì có xu hướng phượt Đông Nam Á, một số lại thích ra Bắc đi lễ chùa, thăm thú phong cảnh trong cái se lạnh.

Du lịch bụi còn là dịp để bạn trẻ thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng bên cạnh thỏa mãn thú vui xê dịch. Thanh Minh, phiên dịch tại một dự án của Đức vẫn ám ảnh cuộc sống người vùng cao trong cái Tết năm trước ở Mù Căng Chải (Yên Bái). Trẻ em ở đây mặt tái mét, co ro trong gió lạnh đi lấy củi dùng cho ngày Tết. Mùa đông năm nay, Thanh Minh và những người bạn đã lên kế hoạch trở lại vùng cao này để tặng sách, quần áo, giúp các em có cái Tết ấm áp hơn.

"Đi là để trải nghiệm, sau mỗi lần trở về em thấy thêm yêu cuộc sống", Hà Phương nhớ lại chuyến đi Trung Quốc năm nào. Cô đi thành cổ Lệ Giang, Đại Lý, hòa với người dân địa phương nhảy múa, được gia chủ tiếp đãi nhiều món ngon ngày Tết, được tặng tranh, đèn lồng rực rỡ...

Miền Tây Nam Bộ nắng ấm thu hút du khách miền Bắc. Ảnh: Đoàn Loan.


Không chỉ bạn trẻ độc thân muốn trốn Tết mà nhiều cặp vợ chồng ưa "chủ nghĩa xê dịch" cũng trốn quê hương để thỏa mãn thú vui. Thành viên Mouse viết: "Ngày Tết thấy các mẹ, các chị suốt ngày chui vào bếp nấu nướng, rửa bát làm mình thấy sợ, ông xã thì lúc nào cũng say xỉn. Năm nay, vợ chồng mình quyết tâm đưa cả nhà đi Thái Lan du hý. Các cụ ban đầu chưa đồng ý nhưng rồi cũng gật đầu".

Một thành viên khác chia sẻ: "Năm trước gia đình đón Tết tại Singapore rất thú vị, khu phố Tàu nhộn nhịp, thời tiết mát mẻ. Năm nay, cả nhà mình đặt tour Thái Lan. Dịp Tết, giá cả các khu du lịch trong nước tăng cao và phải chen lấn nên gia đình mình thích ra nước ngoài hơn".

Thành viên Smille ngậm ngùi viết: "Mình cũng thích đi du lịch Tết âm lắm, nhưng chỉ được đi mỗi một lần hồi còn ở với nhà chồng, nhà mình đi Phú Quốc. Giờ ra riêng nên Tết phải về với ông bà nội chứ đi nốt thì không đành. Nếu thích tắm biển thì đi Phú Quốc, Nha Trang, Mũi Né còn nếu chỉ muốn nghỉ dưỡng, thích khám phá và đặc biệt khoái ăn hải sản ngon bổ rẻ thì đến Quy Nhơn, Phú Yên".

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Du lịch Việt cho rằng, dịp Tết là mùa cao điểm nên người đi cần lên kế hoạch từ sớm, đặt dịch vụ tại các công ty có uy tín. Không nên mang đồ đạc lỉnh kỉnh để tránh thất lạc hoặc bỏ quên, chỉ nên mang theo số tiền mặt vừa đủ chi tiêu, nếu có thể dùng thẻ tín dụng là tốt nhất. Nếu khách đi nhóm đông cần bám sát đoàn để tránh bị lạc.

Đoàn Loan

Read More...

Bộ Văn hóa tìm ứng viên Đại sứ Du lịch 2013

Sau khi diễn viên Lý Nhã Kỳ hoàn thành nhiệm vụ Đại sứ Du lịch 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chương trình ứng cử hoặc đề cử để tìm ra gương mặt đại diện cho ngành du lịch Việt Nam năm 2013.

Chiều 4/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết hợp tác quốc tế và xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch năm 2012. Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế Nguyễn Văn Tình cho biết, thời gian qua các sự kiện văn hóa đối ngoại đã đóng vai trò quan trọng góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước.

Lần đầu tiên văn hóa Việt Nam được đưa đến các địa bàn xa như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Trung Á.... Các hoạt động tiêu biểu như Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào, ngày Việt Nam tại triển lãm quốc tế EXPO 2012 tại Yeosu (Hàn Quốc), lễ hội Du lịch văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga, ngày văn hóa Việt Nam tại Uzbekistan và Kazakhstan... Năm qua, Việt Nam cũng đã xây dựng các trung tâm văn hóa tại nước ngoài và đào tạo đội ngũ tùy viên văn hóa.


Đại sứ Du lịch đầu tiên Lý Nhã Kỳ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phát động ứng cử Đại sứ cho năm 2013. Ảnh: Hoàng Hà.


Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam còn được thực hiện qua những hoạt động quốc tế ở trong nước như ngày văn hóa Ucraina, tuần văn hóa Lào, Campuchia tại Việt Nam, liên hoan múa rối, xiếc, phim quốc tế tại Hà Nội... Ngoài ra, Việt Nam còn tranh thủ và sử dụng hiệu quả tài trợ nước ngoài để dịch tác phẩm văn hóa, trùng tu di tích, nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện chính sách văn hóa...

Theo ông Tình, du lịch Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền hình lớn của quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới về du lịch tại Đông Nam Á và châu Á. Nhờ nhiều phương thức vận động, vịnh Hạ Long đã trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và Hà Nội trở thành chủ nhà của sự kiện thể thao lớn nhất châu lục - ASIAD 2019.

Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam có Đại sứ Du lịch do diễn viên Lý Nhã Kỳ đảm nhiệm. Vị Cục trưởng đánh giá, Đại sứ Du lịch đã góp phần lớn trong việc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long, tranh thủ tầm ảnh hưởng của mình để mở rộng phạm vi, đưa hình ảnh của Việt Nam đến công chúng trong nước và quốc tế.

"Đại sứ Du lịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở ra một con đường, một lối đi hiệu quả cho du lịch Việt Nam", ông Tình nói và cho hay, ngày 4/1 - 28/2, Bộ sẽ nhận hồ sơ ứng viên ứng cử làm Đại sứ Du lịch năm 2013.

Cá nhân tự ứng cử hoặc được giới thiệu phải nộp hồ sơ có đơn đề nghị ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam, sơ yếu lý lịch có chứng nhận của địa phương... gửi về Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được hồ sơ tự ứng cử của người đẹp Du lịch Huỳnh Thị Ngọc Hân. Còn Lý Nhã Kỳ chia sẻ, nếu được ủng hộ cô sẵn sàng tiếp tục đảm nhiệm vai trò Đại sứ Du lịch năm 2013.
Đại sứ Du lịch Việt Nam là danh hiệu danh dự do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm cho cá nhân hội đủ điều kiện phù hợp cho công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Đại sứ Du lịch làm theo nhiệm kỳ, thực hiện nhiệm vụ qua các loại hình hoạt động công chúng, truyền thông, nghệ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình hoạt động khác hướng đến công chúng.

Hoàng Thùy

Read More...

5 điểm đến kỳ bí không thể bỏ qua

Thế giới Hồi giáo chứa đựng trong nó những kho báu kì bí lớn nhất của nhân loại. Dưới đây là 5 điểm đến bạn nên chiêm ngưỡng ở thế giới Hồi giáo.

1. Đền Taj Mahal, Ấn Độ



Được xây dựng từ năm 1632 và kéo dài trong suốt 22 năm để vua Shah Jahan tưởng nhớ hoàng hậu đẹp và yêu quý của ông đã từ trần, Taj Mahal được xem như biểu tượng của Ấn Độ và biểu tượng của tình yêu.

Mỗi ngày có tới hàng nghìn du khách từ các nơi trên thế giới đến thăm ngôi đền bằng đá cẩm thạch trắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới này. Đền thiêng Taj Mahal chính là di sản của lối kiến trúc Ấn - Hồi, vừa uy nghiêm, lộng lẫy mà vẫn rất tinh tế, nhẹ nhàng.

2. Thung lũng Hunza – Pakistan



Thung lũng Hunza nằm ở trong rặng núi Karakorum hết sức hiểm trở và tách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên đây thực sự là một thung lũng thần tiên với cảnh đẹp hùng vĩ của núi non.

Nằm trên con đường cao tốc Karakorum, con đường chiến lược dài tới 1300km từ Islamabad đến Kashgar với hai bên đường là bạt ngàn hoa dâu tây và hoa mơ, những ruộng bậc thang thẳng hàng và những cây cầu treo đẹp tuyệt vời. Vùng đất trái tim của phía bắc này là một linh hồn bí ẩn của Pakistan

3. Bukhara – Uzbekistan



Bukhara là thành phố cổ nhất Uzbekistan với trên 2500 năm tuổi. Nằm trên con đường tơ lụa, Bukhara là một trung tâm thương mại nổi tiếng từ thời trung cổ. Chính vì thế, thành phố cổ này được xây dựng tường thành bao bọc, có cổng thành rất vững chắc và nhiều lăng mộ muôn màu muôn vẻ.

Được coi là thành phố linh thiêng nhất của trung tâm Châu Á, Bukhara tự hào với một nền kiến trúc kéo dài hàng nghìn năm lịch sử của mình.

4. Hồ Dal – Kashmir



Hồ Dal nằm ở thủ phủ mùa hè của Kashmir là Srinagar, được mệnh danh như "viên kim cương trên vương miện của Kashmir" hay "viên ngọc quý của Srinagar" là một trong những nơi có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới ghé thăm hàng năm.

Bốn bề là dãy Himalaya sừng sững, hồ Dal – biểu tượng du lịch của Kashmir độc đáo với những khu vườn nổi xinh đẹp. Những khu vườn này được gọi là “Rad” ở Kashmir và chúng được bao phủ bởi hoa sen trong mùa hè, đem đến màu sắc tươi thắm cho toàn bộ khu vực hồ.

5. Granada– thành phố của điệu Flamengo



Granada là một thành phố năng động, trẻ trung, giầu văn hóa và lịch sử ở phía Nam Tây Ban Nha. Mang trong mình một lịch sử lâu đời và hào hùng.

Granada nổi tiếng với nhiều cung điện, lâu đài và thành quách. Trong đó, có hai kiệt tác kiến trúc là quần thể cung điện Alhambra và thị trấn Albaicin đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1984. Đặc biệt, những công trình này còn mang đậm những nét văn hóa độc đáo của người Moor, người Do Thái, người Arập và Digan.

Theo LĐ

Read More...

Thăm "thành phố ma" chìm dưới nước 25 năm

Nơi đây đã từng vô cùng phát triển nhưng ngày nay, Villa Epecuen được ví như một thành phố ma...

Được mở cửa vào khảng những năm 1920, Villa Epecuen nằm dọc bên bờ Lago Epecuen - một hồ nước mặn cách thành phố Buenos Aires, Argentina khoảng 600km về phía Tây Nam.



Lago Epecuen bề ngoài nhìn như một hồ nước mặn thông thường nhưng ít ai biết, nó có độ mặt cao gấp 10 lần các vùng biển thông thường, đứng thứ hai chỉ sau Biển Chết.



Theo truyền thuyết, hồ này được tạo thành từ những giọt nước mắt của Đấng Tối cao khóc thương cho nỗi đau các đứa con của mình.

Sức mạnh chữa bệnh của hồ Lago Epecuen đã trở nên nổi tiếng từ rất lâu, nó được dùng để chữa bệnh như trầm cảm, thấp khớp, các bệnh ngoài da, thiếu máu hay thậm chí cả bệnh tiểu đường.



Vào cuối thế kỷ XIX, những cư dân đầu tiên bắt đầu đến và dựng các ngôi lều bên bờ hồ. Dần dần, Villa Epecuen biến đổi từ một ngôi làng yên bình trên vùng núi thành một địa điểm du lịch đông đúc.

Không lâu sau khi con đường kết nối ngôi làng và thành phố Buenos Aires được xây dựng, khách du lịch từ khắp Nam Mỹ cũng như trên cả thế giới đã tập trung đông đúc tại đây.



Đến khoảng những năm 1960, có đến 25.000 người đến đấy mỗi năm để ngâm mình trong hồ nước muối mặn thứ hai thế giới này.

Dân số thành phố tăng nhanh và đạt trên 5.000 người vào những năm 1970. Gần 300 nghành kinh doanh phát triển mạnh mẽ tại đây bao gồm khách sạn, ký túc xá, spa, cửa hàng và những viện bảo tàng…



Nhưng hồ nước muối này gặp một vấn đề nan giải tồn tại từ xa xưa: thiếu nước. Năm 1978, công trình đắp bờ và thêm nước được tiến hành.

Cũng vào khoảng thời gian này, một hiện tượng thời tiết kỳ lạ kéo dài mang đến lượng mưa lớn hơn bình thường cho khắp các vùng đồi xung quanh.



Nhưng ngày 10/111985 thảm kịch xảy ra: một tường chống nước cao 3,5m bị sập. Toàn thành phố ngập trong nước và trong vòng 15 ngày, nước dâng cao gần 2m.

Đến năm 1993, một nửa thành phố bị nhấn chìm dưới mực nước cao 10m.



Gần 25 năm sau, vào năm 2009, thời tiết ẩm ướt bắt đầu “ đảo ngược” và nước dần dần rút, thành phố Villa Epecuen cũng nhờ thế mà đã bắt đầu quay trở lại phía trên mặt nước.

Trở về từ cõi chết, nơi này mang diện mạo hoang tàn, xơ xác như một chiếc bánh đầy muối óng ánh vỡ vụn vậy.



Những hàng cây gọn gàng xưa kia của thành phố giờ biến thành những hàng cây chết, nhìn chúng như đã bị đốt cháy chứ không phải chết đuối do ngập trong nước mặn.



Từ phía dưới, những cái rễ trợ trọi chọc ra phía ngoài như những ngón tay xương xẩu trắng muốt.



Ngày nay, Villa Epecuen được ví như một thành phố ma. Vào ban đêm, bạn có thể nghe thấy đủ loại tiếng động kỳ lạ.



Lò giết mổ động vật cũ nay trở thành nơi cư trú của những con chim bồ câu hiếu động, luôn là nơi phát ra nhiều tiếng ồn nhất.



Kể từ trận lụt lội đó, không ai quay trở lại nơi này trừ người đàn ông Pablo Novak (81 tuổi) - hiện là cư dân duy nhất của Villa Epecuen.

Ông trở lại thành phố và tiếp tục sống ở đây, mỗi ngày ông lại đạp xe quanh thành phố và hồi tưởng về một thời vàng son của nơi này, vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.



Khung cảnh kỳ lạ, mang đầy ám ảnh của nơi này đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim đến quay tại đây.

Roland Joffe, tác giả của bộ phim được đề cử giải Oscar “The Killing Fields” (Cánh đồng chết), “The Mission” (Sứ mệnh) - đã sử dụng khá nhiều bối cảnh trong và xung quanh thành phố Villa Epecuen cho bộ phim “There Be Dragons” (Thiên địa của rồng) năm 2009.

(Theo MASK)

Read More...

Những đặc sản không thể bỏ qua khi đến Quảng Nam

Đến miền quê yêu dấu Quảng Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều đặc sản từ biển, rừng núi hay đồng bằng...

Cháo lươn xanh Quảng Nam

Có dịp đến làng Bình Định, Thăng Bình (Quảng Nam), du khách có lẽ khó cầm lòng với các món đặc sản dân dã từ bao đời nay: cháo lươn xanh hay còn gọi là cháo lươn gạo si.

Món lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Gạo sau khi làm sạch được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ một nồi riêng. Con lươn dưới đồng còn sống, bỏ vào hũ đất, cho muối sống vào chà xát nhiều lần để hết chất nhờn rồi rửa sạch bằng nước giếng. Tiếp đó, người ta bỏ ngũ tạng lươn rồi chặt từng khúc nhỏ bằng lóng tay, trộn đều với sả xắt mỏng như lá lúa với dầu phụng (dầu lạc), đậu phộng (lạc), thêm chút tiêu, hành, ớt rồi um lên bằng nồi đất đậy phía trong là lá chuối non, ngoài là nắp nồi tạo nên mùi thơm cay nồng.

Cháo múc lên thật nóng rồi cho lươn um vàng vào ăn kèm với rau cải cau xanh thật tươi xắt mỏng như sợi bún cùng với đĩa ngò tây, lá hành, rau răm để riêng với một cái bánh tráng dòn tưng.





Cháo lươn là đặc sản dân dã từ bao đời nay ở Quảng Nam.

Khi ăn, người xứ Quảng có hai cách. Có người bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa đưa vào miệng xuýt xoa. Số khác thong thả bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cau cau của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương của cây lúa quê nhà. Nhưng tất cả đều ăn nóng và thỉnh thoảng lại cắn một miếng trái ớt xanh làm cho ai nấy ngồi gần thấy mà thèm muốn ăn.

Vì ăn cháo lươn với cải xanh nên người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Một bát cháo lương gạo si chỉ có 10.000 đồng, cùng với nhấp chén rượu gạo chính hiệu ở đây vừa ngon, lại bổ mà sảng khoái tinh thần vô cùng nên đã thành câu ca: “Gạo Si mà nấu cháo lương/Trai mà không biết uổng đời làm trai”.

Cháo lươn Bình Định ngon nhất là quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4. Nhiều du khách, khi tham quan đập Phước Hà, một thắng cảnh nhân tạo của người địa phương cách đó gần 5km, vẫn cố ghé lại quán của chị Cẩm thưởng thức món ăn chân quê bổ khoẻ, rẻ tiền và độc đáo này.

Bánh tổ - hương vị tết Quảng Nam

Trong những món ăn chơi ngày tết của người Quảng Nam và cả trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết cổ truyền, không thể thiếu bánh tổ. Đây là món bánh đặc sản, bình dân mà hương vị hấp dẫn khó quên một khi đã thưởng thức. Ngay tên gọi bánh tổ đã chứa trong nó ý nghĩa nhớ về tổ tiên, truyền thống đẹp của người Việt trong những ngày sắp sửa và trong tết Nguyên đán. Bánh tổ còn lấy tên từ chính “ngoại hình” của bánh. Không ai gọi là cái bánh tổ, mà gọi là ổ bánh tổ. Nhìn bề ngoài bánh trông như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối dày dặn. Bánh có màu trắng, ngà, cà phê sữa, hay “đen như cục đường bát” tùy vào loại và lượng đường dùng làm nguyên liệu chế biến. Bên trên phủ một lớp mè (vừng). Cầm ổ bánh tổ lên, khứu giác còn cảm nhận được mùi gừng thơm lừng quện trong hương vị bánh.





Trên mâm lễ dâng gia tiên ngày tết cổ truyền, không thể thiếu bánh tổ

Cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng. Có thể dùng dao bản to xắt bánh ra thành từng lát hình cánh cung, sắp ra đĩa dùng. Hoặc “tét” bánh theo kiểu của người Quảng, dùng một sợi dây cước, một đầu cước ngậm miệng, một đầu cầm tay, xắn ngang ổ bánh tổ đang cầm trên tay kia. Bánh tổ đã ăn được vừa dẻo vừa ngọt, nên không chỉ bày trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết Nguyên đán, mà cả trong mâm lễ tiễn ông Táo về trời, loại bánh ngọt người Quảng Nam ưa dùng cũng là bánh tổ. Người Quảng hay nói vui, cho ông Táo ăn bánh tổ, để ông Táo về trời ngọt giọng, dẻo giọng báo chuyện trần gian một năm qua cho suôn sẻ.

Vì bánh tổ để lâu hàng tháng trời, nên lớp lá chuối do thời tiết dễ bị ẩm làm cho mặt ngoài bánh bị mốc khi để lâu ngày. Bỏ đi thì tiếc, nên người biết dùng sẽ gọt bỏ lớp bề mặt và thành bánh xong rồi mới xắn bánh ra, bỏ vào chảo dầu phụng chiên giòn. Bánh có hương vị đặc trưng khác, hấp dẫn vô cùng. Bánh tổ lúc này không chỉ ngọt, dẻo, thơm lừng mùi gừng, mùi vừng mà còn hơi beo béo, chỉ làm thèm, không hề gây ngán.

Ngày trước, cận tết hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ. Giờ không nhiều thời gian, thường người ta đặt bánh tại các nhà làm bánh gia truyền. Ra các chợ ở Quảng Nam và các vùng lân cận ngày giáp tết, cũng thấy bánh tổ được bày bán rất nhiều. Nhưng những người giữ nếp nhà, được tiếng làm bánh ngon vẫn gắng dành ra ít thời gian làm bánh để ít ra cũng đủ bày trêm mâm lễ dâng gia tiên, sau nữa đem biếu xóm giềng ăn tết. Đây giống như một tục lệ, một cách bày tỏ tấm lòng giữa những người “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Bánh bột lọc






Bánh bột lọc tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại rất ngon, ai đã từng đến với Tam Kỳ - Quảng Nam thực sự không thể quên được hương vị tuyệt vời của loại bánh này.

Mì Quảng

Mỳ Quảng được xem là đặc sản của Quảng Nam, những ai đến du lịch Quảng Nam mà không thưởng thức món ăn này thì quả là điều đáng tiếc.

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế…

Ăn mì Quảng nên ăn vào buổi trưa. Gắp một đũa mì cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng “soạt”, khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng. Và phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng. Mì Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mì sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, cái mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt…

Ăn mì Quảng mà thiếu bánh tráng thì coi như không đúng cách. Bánh tráng cho ta cái giòn giã và thơm tho, cái béo của dầu mỡ quyện với cái béo của gạo nuớng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng mà không ớn.





Mì Quảng được xem là đặc sản của Quảng Nam. Những ai đến Quảng Nam mà không thưởng thức món ăn này thì quả là đáng tiếc

Đến Quảng Nam bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc Quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)… Một tô mì cũng không quá đắt với giá dưới 20.000 đồng.

Đến Hội An bạn cũng có thể ăn mì Quảng:

- Buổi sáng và trưa: ăn mì gà đường Lý Thường Kiệt
- Buổi trưa: mì gà và mì thịt heo, trứng ở Cẩm Hà, đường lên làng gốm Thanh Hà. Nơi này mùa hè ngồi ăn là lý tưởng vì đối diện với sông,
- Tối, sau 7 giờ: ăn mì gà ông Hai, trước kia ông bán ở chợ vải, nay dời về nhà đường Nguyễn Duy Hiệu.

Cá chuồn Núi Thành

Cá chuồn tập trung chủ yếu ở vùng biển Nam Trung Bộ mà nhiều nhất là vùng biển Quảng Nam. Cá có dáng thon dài, lưng xanh, bụng trắng. Điều dễ phân biệt nó với các loại cá biển khác là cặp cánh dài tận đuôi. Nhờ vậy, nó có thể bay, tuy không cao.

Cá chuồn là món phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân xứ Quảng độ hè về. Và đã là người Núi Thành thì không ai không biết món cá chuồn xanh nướng cuốn rau sống chấm nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà trong chiều tà bãi Rạng.

Lạ một điều, riêng loại cá chuồn lại ưa củ nén đến kỳ, dù chế biến dưới hình thức nào, từ chiên, kho đến nướng cũng không thể thiếu loại củ này. Vì thế, khi thấy cá chín vàng ươm, người nướng cá sẽ rưới một vài muỗng dầu ăn có phi củ nén, rồi nướng lại khoảng 5 phút để mùi củ nén bám vào cá đánh tan mùi tanh, tạo nên vị bùi của thịt cá chuồn tươi pha lẫn mùi nén thơm lựng.

Nói không ngoa nhưng quả thật mùi của cá chuồn xanh nướng thấm dầu phi nén có sức lan tỏa và quyến rũ “kinh khủng”. Những ngày hè nắng nóng, chỉ cần chạy xe trên đường dọc bãi Rạng, bạn đã nghe mùi cá chuồn nướng từ các lều, quán bãi biển… chỉ lối ra biển không sợ đi lạc.

Cá chuồn xanh nướng ở ngay bãi biển chỉ cần đánh sạch vảy, làm mang, sau đó quạt than đỏ đặt cá lên vỉ nướng khoảng 30 phút đem ra vừa thổi vừa ăn. Có thực khách đem cá nhúng vào nước biển rồi nướng trên bếp than hồng và thưởng thức hương vị ngọt của cá, vị mặn của nước biển thấm vào mà khen lấy khen để.

Cá chuồn chế biến được nhiều món ngon: cá chuồn áp nén chiên giòn, cá chuồn nấu canh với rau ranh, rau muống, nấu cháo gạo, kho, luộc… Nếu là khách phương xa, bạn sẽ được người dân đãi món cá chuồn nướng. Món ăn dân dã này đơn giản, rẻ tiền nhưng hương vị rất khó quên. Các loại cá chuồn đều có thể chế biến món nướng, nhưng được “đánh giá" cao nhất là cá chuồn xanh tươi được ngư dân đánh bắt trong đêm, sáng vào bờ bán lại cho những hộ kinh doanh ở bãi biển để nướng phục vụ khách.


Cá chuồn là món phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân xứ Quảng độ hè về

Nếu được ra khơi cùng với những đoàn tàu đánh cá, bạn sẽ có dịp chứng kiến cảnh cá chuồn từng bầy bay là đà, như đám mây vờn trên mặt biển xanh rờn, chập chờn sóng vỗ. Tầm tháng Ba đến tháng Năm âm lịch, nếu bạn có dịp về biển Rạng (Núi Thành - Quảng Nam) giữa mùa rộ cá chuồn gành, chuồn lộng, chuồn khơi, chuồn cồ, chuồn xanh… bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon và không khỏi ngạc nhiên với những món ăn được người dân địa phương chế biến từ loại cá biển này.

Nếu là khách phương xa, để không bị “chém”, bị chủ quán “treo đầu cá chuồn ốc mít tính tiền cá chuồn xanh”, bạn nên đề nghị được xem và chọn cá ở thùng trước khi nướng để được thưởng thức đúng loại cá chuồn xanh. Và khi ăn, vị cá chuồn xanh cũng rất riêng, thịt không khô như cá chuồn cồ mà mềm, bùi và có vị ngọt ngọt.

Khi nhà hàng, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở bãi biển Rạng nướng bán lại thì mỗi con có giá 15.000 đồng. Nếu khách đến bãi Rạng là dân bản địa thì sẽ rất dễ dàng “nhận diện” được đâu là cá chuồn xanh: nó thường dài chỉ khoảng 20cm (ngắn hơn cá chuồn cồ), bề ngang to hơn cá chuồn khơi, dài hơn cá chuồn ốc mít và điểm khác biệt rõ rệt nhất chính là ở màu da xanh đặc trưng như chính tên gọi của nó.

Cá chuồn xanh thường đắt hơn các loại cá chuồng khơi, chuồn ốc mít, cánh gián… và không cân ký bán mà chỉ bán con. Mỗi con cá chuồn tùy thời điểm, tùy lớn bé, có giá 10.000 đồng/con hay 15.000 đồng/2 con.

Cá chuồn xanh nướng có mùi vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loại cá nào. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cầu kỳ, cứ cầm hẳn trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không gì thú vị bằng, vừa ăn vừa xuýt xoa, mằn mặn đầu môi vị muối của đại dương… Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.

(Theo VietQ)

Read More...

Sa Pa - 1 trong 5 điểm dừng chân tuyệt vời của Việt Nam

Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Plannet Traveller (Anh) ngày 12/12 đã có bài và ảnh giới thiệu 5 điểm dừng chân tuyệt vời cho kỳ nghỉ của du khách khi tới thăm Việt Nam.

Đó là các điểm: Sa Pa (Lào Cai) - Điểm đi bộ du lịch tốt nhất; Hà Nội - Đô thị lý tưởng để khám phá; Vịnh Hạ Long - Bờ biển đẹp nhất; Hội An - Nơi tốt nhất để trải nghiệm ẩm thực; Đồng bằng sông Cửu Long - Nơi trải nghiệm cuộc sống sông nước.


Du khách nước ngoài thích thú cưỡi trâu khi thăm làng bản Sa Pa.

Giới thiệu về Sa Pa, tạp chí Lonely Plannetr Traveller viết: “Sa Pa như thành phố của bánh xe thời tiết với đủ 4 mùa trong ngày. Sương mù có thể giăng đầy vào sáng sớm, ánh nắng rực rỡ buổi ban trưa, thỉnh thoảng một cơn mưa lúc chập choạng và trời trở lạnh về tối. Cảnh sắc ở nơi đây không đâu sánh bằng với những ngọn núi xa mờ trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang chênh vênh, những màu hoa bất tận, những điệu khèn và lời hát giao duyên say đắm, những phiên chợ rộn ràng vùng cao”.

Trước đó tháng 2/2011, tạp chí này cũng đã từng nhận định Sa Pa là 1 trong 10 địa điểm tuyệt vời trên thế giới cho môn du lịch đi bộ. Cách đây không lâu, mạng điện tử quốc tế Globalgrashopper cũng đã giới thiệu cổng trời Trạm Tôn (đèo Ô Quy Hồ - Sa Pa) là 1 trong 10 địa danh đẹp nhất Việt Nam đối với du khách quốc tế.


Vẻ đẹp Sa Pa làm nức lòng du khách.

Theo kết quả khảo sát của báo Sài Gòn giải phóng tổ chức tháng 11/2012 vừa qua, vùng du lịch Sa Pa cũng là một trong những điểm đến yêu thích nhất của người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh khi nhận xét 5 điểm du lịch hấp dẫn Việt Nam năm 2012.

(Theo DT)

Read More...

Lạ lùng pho tượng quý 500 tuổi giữa cánh đồng

Đến thôn Trà Liên Tây, thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã được ông Trịnh Minh Toàn, trưởng thôn kể lại câu chuyện về pho tượng đồng có niên đại gần 500 năm, tạc Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người được con dân của làng qua bao thế hệ xem như vị thần đầy linh nghiệm. Ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị cũng đã làm hồ sơ đệ trình đề nghị công nhận pho tượng quý này là "bảo vật quốc gia".

Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là một nhân vật có thật trong lịch sử. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.

Nguyễn Ư Dĩ tước Uy Quốc công, là cậu ruột của Nguyễn Hoàng và là người đã dày công nuôi dạy chúa Nguyễn Hoàng từ năm lên 2 tuổi. Gần gũi, chăm sóc cho Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ư Dĩ thấy được đứa cháu của mình có tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh tài trí... những người am tường về dịch số đều biết được đây là bậc phi thường. Vì vậy, Nguyễn Ư Dĩ đã đem việc kiến công lập nghiệp để khuyến khích cháu mình.

Vào năm 1527, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê để lên làm vua lấy niên hiệu là Minh Đức, trong số các trung thần của nhà Lê có người tuẫn tiết, có kẻ chạy sang nước khác để chờ cơ hội rửa hận cho nhà Lê.



Pho tượng quý Nguyễn Ư Dĩ tại thôn Trà Liên Tây.
Trong số những người trốn chạy sang Ai Lao ấy có quan Hữu vệ Điện tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim (thân phụ của Nguyễn Hoàng), một trung thần nổi tiếng của nhà Lê lúc bấy giờ.

Khi chạy sang Ai Lao, Nguyễn Kim được vua của nước này là Xạ Đẩu cho đến ở tại xứ Sầm Châu, thuộc phủ Trấn Nam. Vì là một người có chí lớn, một dạ trung quân nên ông liền bắt tay vào việc tìm kiếm con cháu nhà Lê để lo việc khôi phục.

Năm 1532, Nguyễn Kim lập người con út của Vua Lê Chiêu Tông là Duy Ninh lên ngôi, lấy hiệu là Trang Tông. Tìm được minh chủ, Nguyễn Kim lại may mắn thu nạp dưới cờ một viên tướng trẻ tài ba là Trịnh Kiểm, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc.

Thấy Kiểm là người có thực tài, đồng thời muốn mưu đồ của mình được sớm thành tựu, nên Nguyễn Kim đã gả người con gái cưng đầu lòng là tiểu thư Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.

Từ đó, cha vợ và con rể cùng bắt tay vào việc xây dựng lý tưởng chung là hết lòng phò vua giúp nước. Sau 8 năm chuẩn bị, khi thấy lực lượng đủ mạnh, Nguyễn Kim mới phò Lê Trang Tông về đánh chiếm đất Nghệ An, và kết quả là thành công tốt đẹp.

Năm 1542, Nguyễn Kim lại phò vua ra đánh hai vùng Thanh Nghệ, thế quân lúc bấy giờ mạnh như chẻ tre, quân nhà Mạc càng đánh càng thua. Quan Tổng trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất biết mình thế yếu đánh không lại nên xin hàng.

Nguyễn Kim biết Dương Chấp Nhất là viên tướng tài của họ Mạc nên đã hết lòng chiêu dụ. Nhưng Dương Chấp Nhất vốn là một tay mưu sĩ, trước đây hắn ta chỉ trá hàng chứ không hề thực bụng, do đó hắn đã thừa dịp đánh thuốc độc giết chết Nguyễn Kim, rồi sau đó trốn theo nhà Mạc.

Nguyễn Kim chết, binh quyền giao hết lại cho người con rể là Trịnh Kiểm. Ông để lại ba người con là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) và hai con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng.

Khi Trịnh Kiểm bước vào tuổi trung niên thì hai người con trai của Nguyễn Kim đã trở thành những viên tướng trẻ. Đó là Lạng Quận công Nguyễn Uông và Thái úy Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng. Không hiểu được do đâu, vào thời điểm này ở trong thành ngoài nội lại rộ lên tin đồn cho rằng đã đến lúc Trịnh Kiểm phải "trả" quyền hành lại cho hai người em vợ.

Chuyện đó người ta xầm xì với nhau chưa được bao lâu thì lại xảy ra chuyện Lạng Quận công Nguyễn Uông bị chết bất ngờ. Dư luận lại chuyển sang nghi kị họ Trịnh đã ra tay thủ ác để diệt trừ hậu họa.

Đau đớn trước cái chết của anh trai mình và biết chắc rằng bản thân mình cũng sẽ khó lòng bảo toàn được tính mạng trước người anh rể nhiều tham vọng. Nguyễn Hoàng đã nhờ cậu ruột, người từng nuôi nấng mình là Nguyễn Ư Dĩ đánh đường đến làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương để tìm gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin vấn kế.

Trạng Trình phán rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Ý Trạng Trình nói rằng: Một dãy núi Hoành Sơn ở đèo Ngang tỉnh Quảng Bình chính là nơi dung thân đến vạn đời...





Ông Trịnh Minh Toàn, người đang giữ nhiều câu chuyện về pho tượng đồng quý.
Ngay sau đó, Nguyễn Hoàng đã đến nhờ chị ruột của mình xin anh rể tâu với vua Lê xin cho Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Năm Mậu Ngọ 1558, khi vừa tròn 34 tuổi, Nguyễn Hoàng đã cùng với Nguyễn Ư Dĩ và bà con họ hàng, hàng ngàn quân sĩ và gia đình họ với vô số dân nghèo vốn là nạn nhân của bọn cường hào ác bá... lên đường đến định đô ở vùng đất mới. Đầu tiên, Nguyễn Hoàng đã chọn vùng đất Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương, Quảng Trị để lập dinh trại.

Ông Toàn và nhiều bô lão trong làng kể cho chúng tôi nghe rằng: suốt mấy chục năm chúa Nguyễn Hoàng đóng dinh tại Quảng Trị. Những thành quả về thu phục nhân tâm của các bậc anh tài hào kiệt, của hàng nghìn người từ mọi nơi kéo về với Nguyễn Hoàng để tụ nghĩa là nhờ công lao rất lớn của Nguyễn Ư Dĩ.

Sử cũ chép lại rằng, khi đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào đến Ái Tử thì người dân địa phương đã đón tiếp quan trấn thủ rất trọng thị và tôn xưng Nguyễn Hoàng là nhà chúa. Dân bản địa lúc bấy giờ vốn là thành phần nông dân nghèo khổ nên chỉ có quà dâng lên là 7 chiếc vò lớn đựng đầy nước mưa. Nguyễn Ư Dĩ nói với cháu mình rằng, đến một vùng đất mới mà được dân tình dâng nước ấy là điềm đại cát nên phải cố mà giữ lấy.

Khi Thái phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, hậu thế tưởng nhớ nên đúc tượng thờ ông. Người dân trong vùng xem ông là vị thần linh nghiệm, luôn có mặt đúng lúc ra tay giúp đỡ dân nghèo. Tượng được làm bằng chất liệu đồng, tạc ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra.

Khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn. Trên ngực có một dãi đai vòng. Trọng lượng pho tượng hơn 300 kg.

Tôn kính ông nên bà con người gọi ông là ngài, người gọi là thần, rồi lập chùa Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông, Miếu Bông) thỉnh ngài vào chùa để thờ. Kể từ khi thờ pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người dân làng Trà Liên kể rằng, họ luôn hưởng được nhiều may mắn, tốt đẹp. Trong chiến tranh, ngài đã che chở cho dân lành tránh được mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Chuyện kể rằng, năm 1972, lúc ấy bom đánh sập nát chùa, song điều ngạc nhiên là pho tượng vẫn uy nghi ngồi trên bệ đá. Sau sự kiện này mọi người càng tin tưởng hơn ngài có phép thuật cao nên giúp dân tránh được mọi biến cố.

Ông Toàn trưởng thôn nhớ lại: trải qua biết bao nhiêu thăng trầm dâu bể của đất nước, người dân làng Trà Liên vẫn bảo vệ pho tượng hết sức cẩn trọng với niềm tin là "làng còn là tượng phải còn".

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để gìn giữ được pho tượng khỏi bị mất cắp, người dân trong làng phải mang tượng chôn dưới lòng hồ. Nghe tiếng làng có pho tượng linh nghiệm, bọn quyền thần đương thời đã cho người về lùng sục khắp làng nhưng vẫn không tìm ra pho tượng.

Song có một lần pho tượng đã bị kẻ xấu đánh cắp. Ấy là vào năm 1975. Nghe tin pho tượng quý bị mất, người dân làng Trà Liên tỏa ra đi tìm suốt mấy ngày, bà con dùng từng cây sắt nhọn để xăm vào từng vuông đất kiểm tra.

Cuối cùng, bà con phát hiện tượng nằm ở bờ sông Ái Tử, trong tình trạng bị kẻ xấu cố tình chôn dưới cát. Sau khi tìm ra, pho tượng được đưa về thờ trong nhà bia, đặt tại gần đầu làng.


Sợ bị mất cắp, bà con dân làng xây nhà che kín hết 3 hướng để bảo vệ pho tượng quý.


Năm 1989, kẻ gian lại tìm đến nơi thờ pho tượng để lấy cắp, nhưng chẳng hiểu vì sao, khi kẻ gian gánh pho tượng ra khỏi bệ thờ thì bỗng dưng trời nổi giông, sấm chớp liên hồi. Tiếp theo đó là một trận mưa rất to nên kẻ gian không thể mang pho tượng đồng tạc hình quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đi được.

Đến lúc trời sáng, người dân phát hiện pho tượng nằm chỏng chơ trên cỏ trong tình trạng bị kẻ gian cưa mất hai dải bách trên chiếc mũ của pho tượng. Người dân trong làng đã đốt nhang thơm khấn vái rồi thỉnh ngài trở lại bệ thờ...

Từ đó, dân làng Trà Liên xây kín ba mặt của nhà thờ tượng, chỉ để lại một phần nhỏ mặt tiền, rồi cử hẳn ông từ của làng canh gác hàng ngày. Người ta đồn đại rằng, tượng này được người xưa làm bằng một loại hợp kim rất quý.

Ông Toàn cũng thừa nhận, năm 1972, một đơn vị bộ đội rađa về đóng doanh trại ngay bên cạnh vị trí đặt pho tượng. Chẳng hiểu vì lý do gì mà từ lúc đến đây hệ thống máy móc của đơn vị này không bắt được sóng, sửa mãi không xong nên các anh đành phải dời đến đóng trại ở địa phương khác thì chuyện bắt sóng lại trở nên dễ dàng? Người ta cho rằng người xưa đã dùng đồng đen để đúc tượng quan Thái phó vì vậy mà pho tượng đã làm nhiễu sóng rađa (?!).

Ghi nhớ công ơn của quan Thái phó nên đã bao nhiêu thế hệ qua đi, người dân làng Trà Liên vẫn duy trì truyền thống mỗi năm tổ chức 4 lần cúng quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ với nghi thức đại lễ của làng.

Ngoài việc thờ tự vào dịp tết, thì lễ cúng được tổ chức rất linh đình vào các ngày rằm tháng 2, 6, 8 và 12 âm lịch. Hàng năm chánh lễ của làng thường đến chỗ đặt tượng làm lễ cầu xin mưa thuận, gió hòa, bà con nông dân luôn gặp mùa màng bội thu.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, nhiều bậc cao niên của làng Trà Liên cho biết: Sở dĩ có chuyện cúng ngài Nguyễn Ư Dĩ nhiều lần trong năm như thế là vì lòng dân trong làng vô cùng tôn kính ông, mặc dù ông đã sống cách chúng ta nhiều thế kỷ nhưng những câu chuyện về ông đối với dân nghèo, như chuyện ông khuyên nhủ quan Trấn thủ Thuận Hóa giảm thuế cho dân, giảm tối đa việc sai dịch để ổn định cho dân được an cư lạc nghiệp.

Theo chỉ bảo của ông mà Trấn thủ Thuận Hóa Nguyễn Hoàng đã cho dân tự do khai khẩn đất hoang. Ai có tài sức khai khẩn được bao nhiêu thì được quyền làm chủ thửa đất đó. Nhờ vào sự khuyến khích và nâng đỡ của ông mà dần dần lãnh thổ được mở rộng.

Đất đai trước đây khô cằn, nay trở nên màu mỡ. Dân chúng kéo nhau đến những vùng xa xôi hơn để tiếp tục mở đất khai hoang, ngày đêm phá rừng lập ruộng, xua đuổi thú dữ vào tận rừng sâu núi thẳm, tạo nên cuộc sống no đủ yên vui...

Hiện tại, pho tượng đã được chính quyền xã Triệu Giang kết hợp với Trường tiểu học Triệu Giang quản lý. Trên thực tế thì việc quản lý pho tượng đồng chủ yếu vẫn do người dân trong làng.

Bức tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, mang trong mình một giá trị văn hóa lớn lao như lời đánh giá của một cán bộ Bảo tàng Quảng Trị: Đây là bức tượng có một không hai, đã tồn tại hàng trăm năm và đã trở thành báu vật quốc gia.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù được đặt trong cái am nhỏ bằng bê tông cốt thép khá kiên cố song nó lại nằm giữa đồng không mông quạnh. Với việc "tự quản lý" của người dân trong thôn, liệu ai dám chắc rằng bức tượng sẽ không bị đánh cắp hay xâm hại một lần nữa?

(Theo CAND)

Read More...

Việt Nam đón 6,8 triệu khách quốc tế năm 2012

Năm 2012 lượng khách quốc tế tăng 14%, do số khách từ đường biển tăng gấp 6 lần năm trước. Tuy nhiên, khách đến từ các thị trường trọng điểm như Anh, Pháp, Canada có chiều hướng giảm.

Theo Tổng cục Du lịch, số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2012 đạt hơn 6,8 triệu lượt, vượt kế hoạch 0,3 triệu lượt và tăng gần 14% so với năm 2011. Khách du lịch nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng hơn 8,3% so với năm 2011. Nhờ vậy, tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2012 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng trên 23% so với năm trước.

Các quốc gia có lượng khách đến Việt Nam tăng mạnh nhất là Nga với gần 71,5%; Phần Lan tăng gần 43%; Hàn Quốc tăng gần 30%; Malaysia tăng hơn 28%; Lào tăng trên 27%; Thái Lan tăng hơn 24%; Nhật tăng gần 20%... Tuy nhiên, các thị trường châu Âu với số khách chi trả cao đã giảm mạnh như Tây Ban Nha giảm 3,6%, Đức giảm 6,4%, Bỉ giảm 13,5%...


Khách tàu biển của Saigontourist thăm miền Tây nam bộ. Ảnh: Đoàn Loan.

Đặc biệt, khách đi theo các tàu biển đến Việt Nam tăng gấp 6 lần năm trước, trong khi đi đường hàng không chỉ tăng 10%. Nhiều hãng tàu Costa, Amazara Journey, Star Cruises, SuperStar Aquarius... mang theo hàng nghìn khách du lịch đã cập các vùng biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, dù có phân loại mục đích đến của khách quốc tế như nghỉ dưỡng, công tác, thăm thân... song trừ người đến Việt Nam học tập hay lao động có thời hạn, thì tất cả khách quốc tế đến đều được tính là khách du lịch vì có sử dụng dịch vụ đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch thừa nhận nguồn khách có khả năng chi trả cao và đi đường hàng không có xu hướng giảm trong năm qua, chỉ tăng cao tại các thị trường khách đường bộ như Trung Quốc và khách tàu biển. Đây là số khách sử dụng dịch vụ không nhiều và có mức chi trả thấp.

Ông Cường cho biết, năm 2013, ngành du lịch sẽ tập trung cho chất lượng hơn là số lượng, hướng đến khách du lịch chi trả cao vì "thà đón một người chi trả cao còn hơn 100 người trả thấp".

Đoàn Loan

Read More...

Lễ hội đường phố Hà Nội dịp Tết dương lịch

Liên tục trong 3 ngày, nhiều hoạt động diễn ra tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và tượng đài Lý Thái Tổ, như lễ hội làng Lệ Mật (Long Biên), múa trống hội, múa lân, múa rồng...

Dịp Tết dương lịch năm 2013, Hà Nội không có lễ hội hoa như các năm trước mà sẽ tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Hội xuân”.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong 3 ngày từ 30/12/2012 đến 1/1/2013, tại tượng đài Lý Thái Tổ sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc biệt chào năm mới, như: lễ hội làng Lệ Mật, lễ dâng hương, múa trống hội, múa lân, múa rồng... Sân khấu nhà bát giác là địa điểm biểu diễn nghệ thuật dân tộc như hát xẩm, ca trù, múa dân gian, kèn đồng…


Lễ hội múa rồng là hoạt động truyền thống của Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn.

Đội văn nghệ quần chúng đến từ các địa phương sẽ biểu diễn ca múa nhạc ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới tại sân khấu Phú Gia. Đoàn xiếc Hà Nội sẽ có chương trình xiếc, tạp kỹ chọn lọc. Ngoài ra, Sở Văn hóa còn tổ chức gần 40 điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề tinh xảo của đất Thăng Long tại vườn hoa Lý Thái Tổ.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, những năm trước lễ hội hoa đều xảy ra nhiều hệ lụy như phá hoa, cướp hoa do ý thức không tốt của người tham gia. Do vậy, năm nay Hà Nội sẽ không tổ chức lễ hội hoa.

Cũng nhân dịp đầu năm mới, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại các điểm di tích trong phố cổ. Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) sẽ trưng bày tranh của họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì; đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) giới thiêu làng nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá, huyện Hoài Đức; ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống...

Công viên Hồ Tây là nơi vui chơi quen thuộc của giới trẻ và các gia đình vào dịp lễ. Tại đây diễn ra các tiết mục ca múa nhạc, hề ảo thuật, hoạt cảnh, game teambuilding... Du khách mua vé vui chơi còn được tặng vé xem phim, xèng chơi game.

Tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam diễn ra lễ hội tuyết và ánh sáng với khung cảnh lâu đài ước mơ, tháp pha lê, con đường hy vọng, rừng tình yêu, giếng ước, cỗ xe cổ tích...

Đoàn Loan

Read More...

Du khách thích thú ngắm băng giá Sapa

Cái rét âm 1 độ C khiến khu vực đèo Ô Quý Hồ, Cổng trời (Sapa, Lào Cai) băng tuyết phủ kín, nhiều du khách Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đổ về đây tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hiếm có này.


Băng tuyến khiến nhiều du khách đổ về Sapa cũng như nhiều gia đình đang đi nghỉ dịp Tết dương lịch không bỏ lỡ cơ hội ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ.


Các bé đều không ngại chụp ảnh giữa trời lạnh.


Băng trải dày trên những đám cỏ.


Tạo thành những hình ảnh đẹp hiếm có.


Băng tuyết bám cả vào vải bạt che mưa của mấy cái lán bán hàng của dân địa phương tại Cổng trời.


Băng phủ trắng xóa cánh cổng.


Dân địa phương cũng không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh khi dựng lán bán hàng và đốt củi giúp khách đến ngắm băng tuyết có thể dừng chân sưởi ấm và mua thức ăn, mua thêm khăn quàng để chống lại giá rét.


Trong khi Cổng trời ngập băng tuyết, sương mù thì ở phía dưới - thị trấn Sapa - lại hoàn toàn khô ráo và trời trong xanh dù nhiệt độ cũng rất lạnh.


Hoa anh đào khoe sắc thắm ở ven hồ trung tâm thị trấn Sapa dưới cái lạnh khoảng 5 độ C vào chiều 30/12.

Diệu Anh

Read More...