Du lịch BLÓG

Du lịch 48h - Chuyên trang cung cấp thông tin về ngành du lịch, các điểm đến lý tưởng cho du khách

Phó tổng cục Du lịch: 'Tôi cũng bị taxi lừa đảo'

"Bản thân tôi nhiều lần bị taxi lừa đảo. Đi cùng một quãng đường song phải chịu giá tiền gấp 3", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ với VnExpress.

- Lãnh đạo Tổng cục Du lịch mới đây có động thái xin lỗi du khách bị người lái xích lô lừa gạt. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng lừa đảo hiện nay?


Ông Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Đoàn Loan.

- Nhiều năm nay, nạn lừa đảo, chặt chém đã làm tổn hại hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi và thậm chí còn áp dụng công nghệ cao. Những vụ việc thời gian qua là do các vị khách quyết tâm làm sáng tỏ, có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nên làm hình ảnh đất nước không méo mó trong con mắt khách nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng ta không thể chạy đi xử lý theo vụ việc mà phải giải quyết đồng bộ. Ngành du lịch phải kiến nghị Chính phủ các giải pháp lâu dài và kiến nghị trách nhiệm của các cấp các ngành liên qua.

- Nhiều độc giả cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch chưa thực sự quyết tâm vào cuộc giải quyết nạn chặt chém khách. Ý kiến của ông?

- Nói ngành du lịch chưa quyết tâm là không đúng vì ngành chỉ có chức năng đề xuất, kiến nghị chứ không thể giải quyết, như an ninh thuộc về ngành công an, vận chuyển thuộc về giao thông hoặc quản lý thuộc về trách nhiệm địa phương. Ngành du lịch cũng như các cấp đã có nhiều giải pháp. Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch đã đặt yêu cầu trật tự an ninh, an toàn, vệ sinh và có những chuyên đề về chống cướp giật tại các khu du lịch, chống taxi, xích lô... chặt chém khách tại các đô thị.

Tuy nhiên, việc làm của chúng ta không bộ, không liên tục, các biện pháp chưa triệt để, chỉ tập trung từng thời điểm nên như "đá ném ao bèo", các vụ việc tiêu cực lại diễn ra. Có nhiều nguyên nhân như nhận thức của người dân chưa tốt, nhiều người nhìn thấy bỏ qua hoặc cố tình vi phạm. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm không rõ ràng, xử lý không đến nơi đến chốn, các giải pháp không mạnh mẽ. Ở TP HCM có lực lượng thanh niên xung phong nhưng chức năng hoạt động không đầy đủ nên còn hạn chế.

Chúng ta phải hoàn thiện khung thể chế pháp lý, bao gồm quy định xử lý cũng như bộ máy quản lý trực tiếp. Hiện nay, cơ quan thường trực du lịch chưa rõ ràng và không phải là Tổng cục Du lịch. Chúng ta cần có số điện thoại nóng giống như số máy cứu hộ để du khách biết...

- Một số doanh nghiệp du lịch cho biết, đã nhiều lần phản ánh tình trạng taxi đón khách từ sân bay rồi ra tay lừa gạt, song chưa được giải quyết?

- Các doanh nghiệp có phản ánh chúng tôi đều căn cứ vào văn bản và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Thực tế, nhiều vụ chỉ nêu hiện tượng mà không có chứng cứ thì rất khó xử lý. Nếu du khách lưu giữ các bằng chứng hoặc tư liệu là hóa đơn... thì chúng tôi sẽ có biện pháp. Các vụ việc vừa qua là do khách rất quyết liệt, muốn làm tận cùng, còn nhiều khách chấp nhận bị lừa, bỏ qua thì chúng ta không thể xử lý.

Hội An, Đà Nẵng là những thành phố nhỏ, cuộc sống người dân ổn định qua nhiều đời và gắn chặt với du lịch nên có rất ít vụ chặt chém du khách. Còn Hà Nội, TP HCM có nhiều người nơi khác đến sinh sống nên nếu chúng ta so sánh thì không chuẩn lắm. Hội An, Đà Nẵng là điển hình tuyên truyền giáo dục người dân, thái độ của chính quyền rất rõ ràng, trong khi thể chế và chính sách ở Hà Nội, TP HCM không thể làm được.

- Bản thân ông có bị lừa đảo khi đi du lịch không?

- Chuyện này không phải hiếm, bản thân tôi đã chứng kiến cũng như nhiều lần bị taxi lừa đảo. Cùng một quãng đường song phải chịu giá tiền gấp 3. Tôi biết rõ ràng là bị lừa song không làm gì được và vẫn phải chấp nhận trả tiền. Chúng ta phải dần thắt lại các lỗ hổng để số đông người dân không bị lừa đảo.

Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi thời điểm du lịch lại có giá khác nhau, khi cầu nhiều cung ít thì giá cao, nên du khách phải chọn thời điểm. Chúng ta chủ động lập kế hoạch cho bản thân mình, tôi vẫn luôn khuyên người thân như vậy.

Về ngăn ngừa tình trạng "chặt chém" du khách tại các điểm du kịch, các cấp ngành đã có kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ làm giảm bớt, không để bùng phát chứ không thể triệt. Về quy luật cung cầu và khả năng đáp ứng, nhiều người sẵn sàng chấp nhận trả giá cao, điều này hoàn toàn hợp lý trong kinh doanh. Nhưng cũng có nơi găm hàng, bắt chẹt khách khi cao điểm lễ hội.

- Nhiều khách quốc tế rất e ngại khi đến Việt Nam vì nạn lừa đảo, chặt chém. Vậy lời khuyên của ông là gì?

- Quốc gia nào cũng có nạn lừa đảo. Tôi mới sang Italia, một nước phát triển hơn Việt Nam nhiều lần vẫn có cướp giật, lừa đảo và tôi được khuyên phải cẩn thận. Họ khác mình là công khai, cảnh báo rất nhiều để khách chủ động, chính quyền cũng vào cuộc xử lý. Chúng ta cũng phải hướng dẫn du khách khi gặp những vấn đề bức xúc. Tôi không cảnh báo du khách về nạn lừa đảo, song tôi khuyên họ phải nắm thông tin về lịch trình, dịch vụ, thời điểm nên đi.

Những du khách tự đi du lịch thường nghiên cứu rất kỹ, chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng nên tôi tin số người này chủ động nhất, chúng ta không đáng lo. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng sẽ quảng bá, thông tin nhiều về Việt Nam, có những điều cần biết, khuyến cáo du khách để họ quyết định.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị thành lập cảnh sát du lịch và nhận được hơn 90% ý kiến tán thành. Nguyên nhân vì mọi người không yêu tâm với lực lượng công an hiện nay, nhiều lực lượng nhưng lại không bảo vệ du khách. Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông nặng về xử lý xe vi phạm mà chưa có động thái bảo vệ du khách.

Năm 2012, tình hình mất an ninh cho du khách là nghiêm trọng, nhất là tại TP HCM, cho đến khi lực lượng chức năng vào cuộc. Do vậy, nếu không có lực lượng chuyên nghiệp thì không thể đảm bảo an toàn cho du khách.

Đoàn Loan thực hiện